28/06/2018 - 21:49

IDI VỚI THAM VỌNG THỐNG LĨNH THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CÁ TRA TẠI CHÂU Á

4 tháng đầu năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 605 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm đến 145 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ. IDI (thành viên của Sao Mai Group) đã trở thành nhà cung cấp cá tra vào thị trường này với vị trí gần như thống lĩnh. Phóng viên Trần Bích - Tạp chí Chỉ Nam Thủy sản (Trung Quốc) đã phỏng vấn ông Trương Vĩnh Thành - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai tìm hiểu về sự phát triển vượt bậc tại thị trường Trung Quốc.

* Ông có thể giới thiệu sơ qua vị thế của IDI và Sao Mai ?

- Sao Mai - Tập đoàn kinh tế đa ngành có tiềm lực tài chính mạnh và nguồn nhân lực, thành lập được hơn 20 năm, bao gồm 16 công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: Bất động sản, thủy sản, lương thực thực phẩm, du lịch, xây dựng, đầu tư tài chính, năng lượng sạch và xuất khẩu lao động. Hiện nay, tổng vốn chủ sở hữu của Tập đoàn trên 6.000 tỉ đồng, tổng tài sản theo thị giá khoảng 21.000 tỉ đồng, Sao Mai Group nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu khu vực Mekong. IDI là công ty con lớn nhất của Sao Mai, hiện có 2 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với công suất 600 tấn/ngày.

IDI với tham vọng thống lĩnh thị trường xuất khẩu cá tra tại châu Á
Phóng viên Tạp chí Chỉ Nam Thủy sản - Trung Quốc (bên trái) và ông Trương Vĩnh Thành (bên phải)-  Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai.

* Sao Mai chuyên về lĩnh lực bất động sản vì sao lại tham gia vào lĩnh vực thủy sản?

- Cá tra được xem là sản vật của dòng Mekong. Loài thủy sản này có giá trị dinh dưỡng rất cao nhưng chưa được khai thác chuyên sâu. Là doanh nghiệp Việt Nam, Sao Mai nhận thấy trách nhiệm của mình nên làm gì để đem những giá trị nổi bật đến mọi khách hàng trên thế giới. Ý tưởng “mang hương vị MeKong đến toàn thế giới” bắt nguồn đó.

* Ông nhìn nhận ra sao về hiện trạng ngành cá tra hiện nay? IDI làm như thế nào để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu chất lượng tốt?

- Cuối tháng 5, nhu cầu xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng, thị trường cá tra thế giới biến động mạnh, nhu cầu nguyên liệu theo đó cũng tăng theo. Ngay từ khi tham gia vào lĩnh vực này, IDI xác định một trong những chiến lược phát triển kinh doanh đó là chủ động nguồn nguyên liệu, hoàn thành chuỗi sản xuất. Bất cứ ngành nghề hay doanh nghiệp nào, chỉ cần khép kín được chuỗi sản xuất, tận dụng tốt tài nguyên, đa dạng hóa thị trường thì sẽ có sức cạnh tranh. Chúng tôi đã xây dựng được “mạng kết nối liên lạc băng thông rộng” với các vệ tinh từ trại giống cho đến vùng nuôi. Khi IDI đã chủ động 80% nguyên liệu cho 2 nhà máy thủy sản hoạt động xuyên suốt thì chúng tôi nghiễm nhiên điều phối thị trường từ đó sẽ khống chế được rủi ro và ổn định giá thành.

* Chiến lược chinh phục thị trường của IDI là gì?

- Hiện sản phẩm cá tra Công ty IDI có mặt đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. IDI cũng nằm trong TOP đầu của 13/60 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Nhiều năm qua IDI giữ vững vị trí top đầu trong số 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn nhất Việt Nam. Chiến lược sắp tới, bên cạnh việc duy trì và phát triển thị trường sẵn có, IDI sẽ tiếp tục tiếp cận các thị trường mới tiềm năng như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, các nước Đông Âu… với tham vọng thống lĩnh được thị trường châu Á.

* Quan điểm của ông về thị trường tiêu thụ cá tra tại Trung Quốc ?

- Chúng tôi xem Trung Quốc là thị trường lớn trên thế giới, với dân số hơn 1 tỉ người thì đây là nơi tiêu thụ hàng thủy sản và con cá tra nói riêng cực kỳ tiềm năng. Mặt khác, Trung Quốc có thuận lợi về địa lý gần Việt Nam, vận chuyển xuất khẩu thuận lợi. Kế nữa, văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây cũng có những điểm tương đồng với Việt Nam nên việc chọn Trung Quốc là thị trường điểm cũng nằm trong chiến lược mở rộng của công ty. Hiện nay, sản phẩm của IDI có mặt ở các tỉnh Tứ Xuyên, Bắc Kinh, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Thượng Hải… được người dân ở đây rất ưa chuộng. Điều này đã giúp cho IDI từ doanh nghiệp còn khá mới về thương hiệu thì nay đã là một nhà cung cấp hàng cá tra xuất khẩu vào thị trường này với vị trí gần như đứng đầu các doanh nghiệp cung cấp.

* Năm 2017, IDI có mở văn phòng và Công ty đại diện tại Bắc Kinh, bước tiếp theo, kế hoạch phát triển thị trường Trung Quốc là gì?

- Năm 2017,  IDI đã thành lập Chi nhánh tại Bắc Kinh nhằm thúc đẩy thương hiệu vào thị trường Trung Quốc. Ở đây chúng tôi phát triển theo 2 hướng kết hợp, một mặt dựa trên các khách hàng có sẵn, mặt khác đưa hàng theo những kênh riêng, tạo lực gia tăng thương hiệu IDI. Ngoài ra, chúng tôi liên tục cho ra sản phẩm mới, đa dạng các mẫu mã thỏa mãn sự lựa chọn của khách hàng. Đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo chất lượng cao. Song song đó, chúng tôi cũng có quyền chọn lọc đối tác phải có danh tiếng và uy tín tốt.

* Những năm gần đây, tình hình buôn bán tiểu ngạch đã được kiểm soát tương đối nghiêm khắc, nhưng trước mắt vẫn có công ty “bí quá làm liều”, ông nghĩ như thế nào về buôn bán tiểu ngạch?

- Tôi đã khẳng định, IDI chỉ chọn lựa nhà nhập khẩu uy tín để hợp tác. Nguyên tắc của IDI luôn áp dụng hình thức thanh toán an toàn (đặt cọc 20-30% trước khi sản xuất và phần còn lại trước khi giao hàng hoặc LC) nên hoàn toàn không có nợ xấu cũng như rủi ro thanh toán với tất cả các thị trường không riêng gì Trung Quốc.

* Ngành cá tra Việt Nam trong thời gian tới có những cơ hội và thách thức như thế nào?

- Năm vừa qua, cùng với việc giá cá tăng đã mang đến lợi ích cho rất nhiều hộ nuôi. Kế hoạch năm nay, IDI phấn đấu đạt được lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Để làm được điều đó, chúng tôi phải tiếp tục củng cố và thực hiện chiến lược theo sát tình hình, nắm bắt thông tin thị trường, dự phòng kịch bản ứng phó để cân đối diện tích và sản lượng nguyên liệu cho phù hợp.

* Xin cảm ơn ông!

TRẦN BÍCH - VĂN LINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết