29/09/2016 - 09:01

Huy động nguồn nhân lực trẻ

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 45), về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhấn mạnh: Đảng bộ thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt toàn diện các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trong đó đẩy mạnh công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm; xem trọng phát triển một số ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động. 10 năm thực hiện, với sự đồng lòng vượt khó của các cấp chính quyền, sở ngành và nhân dân thành phố, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có bước tiến rõ rệt, huy động hiệu quả nguồn lực lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

* Giải quyết việc làm hiệu quả

Đến nhà anh Trần Võ Trường, ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn ngày đầu tháng 9-2016, chúng tôi vô cùng phấn khởi khi thấy gara ô tô của anh rất đắt khách. Tạm dừng công việc, anh Trường vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Tốt nghiệp Đại học ngành Cơ khí Trường Đại học Cần Thơ, năm 2005, anh Trường về công tác tại một trung tâm dạy nghề trong thành phố. Năm 2007, gia đình gặp khó khăn vì làm ăn thua lỗ. Đang loay hoay tìm cách gỡ khó, thông tin về các chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) được Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố triển khai rộng khắp. Anh Trường quyết tâm chọn thử sức với môi trường lao động Hàn Quốc và tìm cơ hội giải quyết khó khăn gia đình. Anh Trường cho biết: "Được hỗ trợ của Trung tâm, các chi phí học tiếng Hàn Quốc, vé máy bay không quá tốn kém, thủ tục xuất cảnh rất dễ dàng. 5 năm lao động ở Hàn Quốc, với số tiền tích lũy được, tôi hỗ trợ gia đình giải quyết khó khăn và còn dành dụm được số vốn mở dịch vụ gara ô tô, cung cấp dịch vụ chăm sóc, rửa và giữ xe hơi, thu nhập rất ổn định".

Đại diện Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ chụp ảnh cùng đại diện Công ty Taekwang Vina và các lao động chuẩn bị đến nhà máy của Công ty ở tỉnh Bình Dương học việc tháng 8-2016.

Anh Trường là một trong hàng ngàn lao động được Trung tâm DVVL thành phố giới thiệu, hỗ trợ XKLĐ hiệu quả. Theo đó, giai đoạn 2004-2014, thành phố đưa 1.998 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động, các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho lao động trong thành phố được chú trọng thực hiện. Sau khi Đề án Đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và bộ đội xuất ngũ vừa kết thúc, năm 2011, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục triển khai. Từ năm 2011- 2014, toàn thành phố dạy nghề trên 19.300 lao động 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Điều đáng mừng là, thông qua các lớp nghề, xuất hiện nhiều mô hình giải quyết việc làm rất hiệu quả, điển hình như mô hình tổ hợp tác đan lục bình ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ. Theo ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, mô hình này giúp nhiều chị em dân tộc Khmer tận dụng thời gian nhàn rỗi, cải thiện kinh tế gia đình. Đáng phấn khởi hơn, từ khi mô hình được triển khai, lượng học sinh nữ dân tộc Khmer bỏ học, đi làm thuê của địa phương giảm hẳn nhờ có điều kiện tập trung vừa học vừa làm tại nhà. Chị Sơn Thị Lang, Tổ trưởng tổ gia công sản phẩm đan lục bình xuất thân là phụ nữ Khmer nghèo. Năm 2007, chị Lang tham gia lớp dạy nghề đan lục bình đầu tiên tổ chức ở địa phương với mong muốn cải thiện thu nhập gia đình. Tay nghề khéo léo, chị được Hợp tác xã Kim Hưng đề nghị làm tổ trưởng tổ gia công hàng mỹ nghệ lục bình ở thị trấn Cờ Đỏ. Chị vừa phụ trách dạy nghề, vừa làm đầu mối cung cấp nguyên liệu và thu gom, giao hàng cho các thành viên. Chị Lang cho biết: "Riêng ấp Thới Hòa B, từ chỗ chỉ hơn 30 chị học nghề ban đầu, đến nay đã có khoảng 100 chị tham gia. Những chị tay nghề khéo, nhanh có thể kiếm thu nhập 2 triệu đồng/tháng, còn mới học nghề thì cũng kiếm được từ 1,5 triệu đồng/tháng. Có thể nói đây là nghề thủ công tận dụng được thời gian nhàn rỗi rất hiệu quả. Mô hình nhân rộng ra nhiều xã thuộc huyện Cờ Đỏ: Đông Thắng, Đông Hiệp, Thới Xuân, Thới Đông, Thạnh Phú".

* Hoàn thiện cơ sở vật chất

Trong 10 năm đầu thực hiện Nghị quyết 45, mạng lưới cơ sở dạy nghề liên tục phát triển về quy mô lẫn chất lượng, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động thành phố. Giai đoạn này, các cơ sở dạy nghề thành phố tuyển sinh, đào tạo nghề cho 340.762 học viên, qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của thành phố từ 23,35% vào năm 2005 lên trên 50% vào cuối năm 2014. Theo ông Hồ Thanh Hải, nổi bật trong số các trường, trung tâm đào tạo nghề được đầu tư trong giai đoạn này có thể kể đến Trường Trung cấp Nghề Thới Lai. Xuất phát điểm là Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ thành lập đầu năm 2005, cơ sở vật chất tạm bợ, nhân lực mỏng, chủ yếu phục vụ Đề án dạy nghề cho lao động ngoại thành và bộ đội xuất ngũ. Đến nay, Trường có trụ sở khang trang, với trang thiết bị dạy nghề đầy đủ, phục vụ đa dạng nhu cầu học nghề của học sinh ngoại thành.

Lao động học nghề đan lục bình ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ.

Ông Đào Minh Lợi, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thới Lai, cho biết: "Năm 2009, đội ngũ giáo viên chỉ có 11 người, cơ sở vật chất được tận dụng từ trung tâm cũ với hệ thống 6 phòng học chật chội, xây dựng tạm. Đến cuối năm 2011, trụ sở mới của trường được đưa vào sử dụng với khối nhà học có 8 phòng và 4 nhà xưởng được đầu tư đầy đủ thiết bị dạy nghề với tổng kinh phí khoảng 26 tỉ đồng. Nhờ vậy, hàng năm, ngoài việc đảm trách nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, trường còn tuyển sinh các lớp Trung cấp và sơ cấp nghề tại trường, thu hút hàng trăm học viên trên địa bàn thành phố và huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đến học. Đội ngũ giáo viên được nâng lên với 24 người vào năm 2014, trong đó có 8 giáo viên được tạo điều kiện học sau đại học". Trực tiếp thực hiện công tác dạy nghề, thời gian qua, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai góp phần xây dựng và phát triển các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đem lại hiệu quả tốt như: HTX đan đát Quốc Noãn ở xã Trường Thắng; May công nghiệp ở xã Xuân Thắng; đan lục bình ở xã Trường Xuân; trồng dưa hấu ở xã Thới Tân...

Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, giải quyết việc làm hiệu quả cho lao động có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp. Giai đoạn 2005-2014, mỗi năm có khoảng 500 doanh nghiệp thành lập mới, tuyển dụng hàng trăm ngàn lao động. Để tận dụng lợi thế này, Trung tâm DVVL thành phố được đầu tư, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động phối hợp với doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho lao động nội và ngoại thành như: phiên giao dịch việc làm, chuyến xe tư vấn lưu động, điểm hẹn việc làm,… Hàng năm, trung tâm tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động khoảng 20.000 lượt người có nhu cầu; giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và đào tạo nghề ngắn hạn gắn với tạo việc làm khoảng 5.000 lao động. Năm 2012, Trung tâm được Bộ LĐ-TB&XH đầu tư gần 165 tỉ đồng, xây dựng trụ sở mới với thiết kế hiện đại, nhiều tiện ích như: Job-café, Phòng giữ trẻ, Vườn ươm doanh nghiệp nhỏ… Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm DVVL thành phố, cho biết: "Từ năm 2010 về trước, Trung tâm phải thuê phòng làm việc bên ngoài hoặc mượn tạm địa điểm của Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng Cần Thơ làm nơi hoạt động. Đến nay, đã được đầu tư trở thành Trung tâm DVVL quy mô, hiện đại, nhằm thúc đẩy thị trường lao động cả khu vực sôi động hơn. Từ chỗ sàn giao dịch việc làm tổ chức mỗi năm 1 lần, nay tăng lên mỗi tuần 1 lần (vào thứ sáu); đồng thời gắn với hoạt động tư vấn chuyên sâu về các kỹ năng tìm việc làm cho người tham dự. Quan hệ đối tác với nhiều tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế để thực hiện nhiều dự án hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm cho những lao động đặc thù với tổng giá trị tài trợ gần 10 tỉ đồng với khoảng 4.200 lượt người hưởng lợi trực tiếp. Trung tâm thực hiện tổng đài giải đáp thắc mắc và tư vấn cho khách hàng ở số điện thoại 3838399; hoàn thiện Cổng thông tin việc làm Cần Thơ và địa chỉ giao dịch "Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ" trên mạng xã hội Facebook để vừa tăng thêm công cụ giao tiếp với khách hàng trên không gian mạng, vừa dần nâng cao mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều lĩnh vực".

10 năm, với sự đồng lòng nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân thành phố, lĩnh vực dạy nghề và giải quyết việc làm đã có nhiều bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt là năng lực quản lý cán bộ ngành lao động và nhận thức của người lao động về học nghề được nâng lên rõ rệt. Bước tiến này sẽ góp phần giúp thành phố vững tin thực hiện Nghị quyết 45 giai đoạn tiếp theo sẽ gặt hái nhiều thành quả hơn nữa.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết