05/08/2012 - 21:57

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NĂM HỌC 2011-2012

Huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2, từ trái) trao đổi với các đại biểu về vấn đề giáo dục, bên lề hội nghị. Ảnh: B.Ng

Kết thúc năm học 2011-2012 với nhiều kết quả đáng phấn khởi, nổi bật là chất lượng giáo dục các cấp nâng lên khá rõ nét. “Làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo trong năm học mới 2012-2013?”, là vấn đề mà nhiều đại biểu tham dự bàn luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2011-2012, phương hướng nhiệm vụ năm học 2012-2013 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp, sơ kết phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại TP Cần Thơ, vào ngày 5-8.

Những thành tựu nổi bật trong giáo dục

Năm học qua, toàn ngành giáo dục cả nước đã có những chuyển biến tích cực ở tất cả các cấp học. Mạng lưới trường lớp học tiếp tục mở rộng, tiêu biểu là cấp THCS, đã có 1.402 trường thực hiện 100% số lớp học 2 buổi/ ngày (tăng 352 trường so với năm học trước). Cấp THPT, có 466 trường có 100% số lớp học 2 buổi/ ngày và 496 trường có một số lớp học 2 buổi/ ngày (tăng 89 trường so với năm học trước). Việc triển khai Đề án Phát triển và hiện đại hóa hệ thống các trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020, các địa phương trên cả nước tập trung vào việc củng cố, nâng cấp trường chuyên theo hướng chuẩn quốc gia. Năm học 2011-2012, toàn ngành có thêm 402 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số lên 2.828 trường; tiểu học có thêm 445 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 7.130 trường, trong đó có 522 trường đạt chuẩn mức độ 2; THCS có thêm 493 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 2.748 trường, (tăng 407 trường so với năm học 2010-2011); THPT có 378 trường, tăng 86 trường so với năm học 2010-2011...Việc có thêm nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong năm học qua của ngành giáo dục là việc chăm lo cho bậc học mầm non. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đến nay đã có 100% tỉnh, thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PC GDMN) cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 của địa phương; trong đó có 9 tỉnh đăng ký hoàn thành mục tiêu PC GDMN cho trẻ em 5 tuổi trong năm 2012. Tính đến tháng 6-2012, tỉnh Bắc Ninh và 3.714/ 9.349 xã, phường trong cả nước (chiếm 39,7%) được công nhận PC GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Ông Hiển nói: “Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng cao thêm một bước. Thành quả có được là sự quan tâm của Đảng và nhà nước, ban ngành Trung ương, địa phương và sự nỗ lực vượt bậc của các thầy cô giáo và học sinh ở các trường”.

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học An Nghiệp.

Điểm nhấn của hội nghị mà các đại biểu quan tâm là việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở các trường. Sau 4 năm thực hiện phong trào này, trường học ở các địa phương ngày càng khang trang, cảnh quan sư phạm đẹp hơn, thể hiện sự quan tâm đầu tư từ Trung ương và địa phương.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, năm học 2011-2012, toàn quốc xây dựng thêm 10.546 công trình vệ sinh, nâng tổng số lên hơn 62.000 công trình, sau 4 năm thực hiện phong trào. Đặc biệt, có gần 42.000 học sinh được hỗ trợ “3 đủ”, vì thế số học sinh nghỉ học vì do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở giảm đáng kể (qua thống kê đã có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có học sinh bỏ học vì các lý do này).

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc triển khai phong trào này thực sự đi đúng hướng, là “công cụ” giúp các trường nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục. Bởi lẽ, phong trào này đã góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường, trong khi chờ việc thay đổi chương trình sách giáo khoa mới. Phó Thủ tướng phân tích: Để thực hiện hiệu quả phong trào trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bàn giao và giới thiệu 7.000 di tích (trong đó có 2.000 di tích cấp quốc gia) cho ngành giáo dục hỗ trợ, chăm sóc, phát huy. Qua đó, ngành giáo dục đã sử dụng, giảng dạy cho học sinh, đưa vào chương trình những nét riêng mang đậm tính dân tộc. Đây là tài sản, giảng dạy tốt, phát huy tính tích cực tự học cho học sinh”.

Một trong những đơn vị báo cáo điển hình tại hội nghị về việc thực hiện phong trào trên là Trường Tiểu học số 1 Lộc Trì, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Trường nằm ở một xã đặc biệt khó khăn, lo cái ăn đã khó, huồng hồ là việc học. Thế nhưng, ban giám hiệu trường đã mạnh dạn thực hiện phong trào, thông qua việc tuyên truyền sâu rộng đến từng phụ huynh, giáo viên, học sinh. Sau đó, phân công phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên của trường; đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội để cải thiện cơ sở vật chất. Năm học 2011-2012, trường đã vận động 100 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất và mở thành công trường bán trú 2 buổi/ ngày đầu tiên của huyện Phú Lộc. Cô Cái Thị Cẩm Hương, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Môi trường sư phạm thân thiện, giúp học sinh yêu trường, mến lớp hơn, góp phần giảm đáng kể số học sinh bỏ học. Nhất là học sinh biết chia sẻ nhiều hơn với giáo viên; xây dựng được khối đoàn kết trong tập thể cán bộ, giáo viên”.

Cần huy động nguồn lực xã hội

Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định nhưng năm qua ngành giáo dục vẫn còn bộc lộ những mặt khó khăn, hạn chế. Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp GDMN, giáo dục thường xuyên ở một số địa phương còn thiếu trường lớp, phòng học (4 tỉnh chưa có Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh là Thái Bình, Bình Thuận, Vĩnh Long, Trà Vinh). Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở một số tỉnh còn khó khăn,... Đơn cử như, vùng ĐBSCL, năm học 2011-2012, vẫn còn 215 xã chưa có trường MN độc lập; còn 769 phòng tạm và 3.316 phòng học nhờ, mượn. Các tỉnh còn thiếu phòng học nhờ, mượn là: Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp... Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài ở một số địa phương chậm khắc phục, một số giáo viên chưa thực sự đổi mới trong giảng dạy. Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi vẫn còn chậm đổi mới trong giảng dạy, ít sử dụng đồ dùng dạy học, phương tiện nghe nhìn trên lớp.

Song song đó, toàn ngành vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm và tiêu cực trong thi cử vẫn còn xảy ra. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: Bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử vẫn còn, như vụ tiêu cực ở Trường THPT Đồi Ngô. Vì thế, để hạn chế mức thấp nhất tiêu cực trong thi cử, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới trong thi cử; đồng thời huy động mọi nguồn lực từ thầy cô giáo, học sinh và các đơn vị khác cùng tham gia giám sát chuyện thi cử”. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2012-2013, các địa phương cần sử dụng ngân sách hiệu quả hơn, huy động nguồn lực xã hội và thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp tốt hơn, trong điều kiện kinh phí nhà nước hạn hẹp. Đi đôi đó cần phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội chăm lo cho giáo dục. Như Hà Tĩnh- địa phương đã xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững mạnh, bằng cách đưa ra chính sách khuyến khích là giáo viên chuyển sang quản lý sẽ phụ cấp thêm 20%. Hay tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo địa phương biết chính xác từng trường như thế nào; hằng tháng, lãnh đạo tỉnh đều họp giao ban một lần về giáo dục. Trung ương tiếp tục ban hành, hoàn chỉnh hệ thống văn bản về giáo dục, đào tạo. “Và tất cả công việc trên nhằm hướng đến mục tiêu: Giáo dục là quốc sách hàng đầu”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết