22/04/2020 - 06:24

Hướng về thị trường nội địa 100 triệu dân 

Tại Hội nghị trực tuyến “4 trong 1” của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giải ngân đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội; trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu phải tập trung hướng về thị trường nội địa 100 triệu dân. Đây là thị trường đầy tiềm năng và cần được quan tâm tiếp cận đúng mức. 

Nhân viên một trạm xăng trên đường Ba Tháng Hai bơm xăng cho khách hàng trong mùa dịch.

Điểm qua thị trường nội địa trong quý I, báo cáo của Bộ Công thương nêu rõ, thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh… và một số mặt hàng thực phẩm đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn. Để giữ vững ổn định thị trường nội địa, Bộ Công thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường. Cụ thể, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị trên địa bàn khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; Chỉ đạo Sở Công thương các địa phương, bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường; phối hợp ngay với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung và các biện pháp triển khai để nhanh chóng ổn định tâm lý thị trường, ổn định tâm lý của người dân.

Để phát triển thị trường nội địa, bảo đảm cung ứng hàng hóa trong nước, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương để có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ” và 3 sẵn sàng “chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”. Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Nhờ đó, tình hình thị trường tại các địa phương dần ổn định, nguồn cung hàng hóa được bổ sung tăng lên đã góp phần ổn định tâm lý của người dân.

Từ những giải pháp, kinh nghiệm bình ổn thị trường nội địa trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, chia sẻ: Trong giai đoạn hiện nay, đối với thị trường trong nước phải tiếp tục hỗ trợ để tạo tâm lý ổn định và tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong nước phát triển và đặc biệt là phải khai thác những cơ hội mới của thương mại điện tử cùng các hình thức mới nhằm kết nối cung cầu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ta có thể hướng đến thị trường 100 triệu dân như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu. Bộ Công thương đang bám theo hệ thống các ngành hàng, sản phẩm để tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để tạo ra những cơ chế chặt chẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; không chỉ giữa các doanh nghiệp cung ứng với các thị trường mà còn kết nối trong các chuỗi cung ứng, các khâu trong chuỗi cung ứng đó. Đặc biệt là với sự hỗ trợ của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ tạo thuận lợi hơn để cho nhu cầu của thị trường trong nước có điều kiện ổn định và phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2020.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết