07/01/2021 - 08:11

Ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ:

Hướng đến xây dựng chính quyền điện tử 

Trong năm 2020, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn TP Cần Thơ đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác kiểm tra CCHC được thực hiện nghiêm túc; việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được đảm bảo về chất lượng, thời gian, tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước… Nhìn lại những kết quả trên, ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết:

- Năm 2020, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành công văn chỉ đạo tăng cường công tác CCHC trên địa bàn thành phố. UBND thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện CCHC. Qua đó, nhiều mô hình, sáng kiến được các ngành, các cấp triển khai thực hiện, như: Ðội tình nguyện viên hướng dẫn thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả quận, phường; thí điểm niêm yết các mẫu ghi TTHC; thực hiện mở rộng liên thông TTHC về thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc với điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu trên địa bàn thành phố; “Ngày không viết” tại phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều; “Nụ cười tiếp dân” tại UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều…

Bên cạnh đó, các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC và xác định rõ thời gian thực hiện mỗi TTHC ở từng cơ quan, đơn vị. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác hiện đại hóa hành chính tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Trong đó phải kể đến là hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được trang bị từ cấp thành phố đến 83 xã, phường, thị trấn; trang bị hệ thống camera giám sát hoạt động bộ phận một cửa của tất cả 83 xã, phường, thị trấn. Năm 2020, thành phố triển khai điểm thí cấp SIM PKI - sim điện thoại tích hợp chứng thư số để ký số trên thiết bị máy tính bảng, điện thoại di động, cho 39 cá nhân là lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện.

Trong năm 2020, thành phố đã triển khai kết nối, liên thông trục liên thông văn bản của thành phố với trục liên thông văn bản Quốc gia, bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp (từ Trung ương đến cấp xã). Việc này mang lại hiệu quả rất cao cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Ước tính thành phố tiết kiệm 7,9 tỉ đồng chi phí gửi, nhận văn bản chỉ trong 10 tháng năm 2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC thành phố còn gặp những khó khăn vướng mắc gì, thưa ông?

- Một trong những khó khăn lớn nhất là một số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) còn hạn chế về công nghệ thông tin nên xem việc sử dụng các phần mềm được trang bị là gánh nặng, dẫn đến khó khăn trong quá trình hiện đại hóa hành chính. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (hệ thống mạng, máy tính, thiết bị tin học...) mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu bảo mật; khả năng chịu tải chưa cao, tốc độ truy xuất dữ liệu và tính đồng bộ của hệ thống còn hạn chế... Ðiều này ảnh hưởng đến triển khai hệ thống thông tin trong thời gian qua.

Hiện nay, việc tiếp nhận văn bản đến trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành chưa đồng bộ, vẫn còn một vài đơn vị gửi văn bản giấy song song với hệ thống hộp thư điện tử và phần mềm. Do vậy, việc tiếp nhận văn bản chưa tiết kiệm được thời gian và chi phí như yêu cầu. Việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại một số địa phương chưa đầy đủ. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại một số đơn vị đã có những cải thiện, hồ sơ bắt đầu phát sinh. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan hành chính có thông báo bộ phận một cửa trở lại tiếp nhận và trả kết quả bình thường thì tổ chức, công dân tiếp tục đến nộp hồ sơ trực tiếp…

Người dân thực hiện TTHC tại UBND phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.​

Xin ông cho biết, năm 2021, thành phố có những kế hoạch, giải pháp gì để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, nâng cao chất lượng công tác CCHC?

- Năm 2021 bắt đầu cho giai đoạn mới của chương trình CCHC nhà nước (giai đoạn 2021-2030). Với những kết quả đã đạt được cũng như những bài học kinh học kinh nghiệm đã được đúc kết của giai đoạn trước, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường quán triệt, triển khai trong đội ngũ CBCCVC toàn thành phố về tầm quan trọng của công tác CCHC, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. CBCCVC cần xem đây là nhiệm vụ quan trọng để hướng đến việc xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Ðồng thời, tăng cường đầu tư trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (máy tính, trung tâm dữ liệu thành phố...), hoàn thành việc xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử thành phố phiên bản 2.0, Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025 và triển khai thí điểm Trung tâm điều hành và các dịch vụ đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; chủ động phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông có kế hoạch tổ chức tập huấn, tập huấn lại nhằm đảm bảo CBCCVC của các đơn vị thành thạo các thao tác sử dụng trên phần mềm. Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng phần mềm tại các cơ quan, đơn vị; kịp thời đôn đốc, nhắc nhở và tham mưu xử lý các trường hợp vi phạm. Thành phố sẽ tiến hành đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành của đội ngũ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã để có những định hướng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các phần mềm được thành phố trang bị.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tham mưu thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, quận, huyện tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 sâu rộng cho người dân, doanh nghiệp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ðồng thời, thành phố sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tính khả thi của từng TTHC áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện, không để xảy ra tình trạng thủ tục nhiều nhưng hồ sơ không phát sinh.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến (thực hiện)

Chia sẻ bài viết