04/10/2016 - 20:51

Hướng đến trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Để xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành trung tâm vùng ĐBSCL và cả nước ở các lĩnh vực, trong đó có giáo dục - đào tạo (theo Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị), rất cần nguồn nhân lực trình độ cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 10 năm qua, Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung đầu tư nguồn lực, hỗ trợ cho cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố phát triển.

* Thành quả đầu tư lâu dài

Tại lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học (ĐH) Y Dược Cần Thơ tổ chức chiều 27-9-2016 vừa qua, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: Tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường nỗ lực dạy và học. Trường năng động, phối hợp tốt với các địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực y tế, từng bước nâng dần tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y học trên vạn dân của TP Cần Thơ và ĐBSCL. Lãnh đạo TP Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để trường ngày càng phát triển, xứng tầm cơ sở đào tạo cán bộ y tế trình độ cao toàn vùng.

Một góc Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trường đại học đầu tiên trực thuộc UBND TP Cần Thơ.

Không phải ngẫu nhiên mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh tầm quan trọng của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ trong đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bởi đây là "lò" đào tạo nhân lực y dược đầu tiên và lớn nhất ĐBSCL; cung cấp hàng ngàn cán bộ y tế vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Tiền thân của trường là cơ sở Khoa Y - Nha - Dược thuộc Trường ĐH Cần Thơ thành lập năm 1979; để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế cho ĐBSCL, ngày 25-12-2002, Chính phủ quyết định thành lập Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Gần 37 năm qua, diện mạo của trường ngày càng thay đổi, trên mảnh đất khoảng 30,95 ha đường Nguyễn Văn Cừ, nay mọc lên nhiều công trình khang trang, hiện đại, như: Khoa Y, Khoa Dược, Điều dưỡng… Đội ngũ cán bộ, giảng viên tăng về số lượng lẫn chất lượng, từ 217 cán bộ, viên chức ban đầu, đến nay, trường có 615 cán bộ (trong đó có trên 80% giảng viên có trình độ sau ĐH), đảm bảo yêu cầu phục vụ dạy học, nghiên cứu khoa học khoảng 10.000 sinh viên ĐH và gần 1.000 học viên sau ĐH. Anh Thanh Giang, quê tỉnh Trà Vinh, đang công tác tại một bệnh viện ở TP Cần Thơ, tâm tình: "Vợ chồng tôi là cựu sinh viên của trường. Những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, trường phải thuê mướn nhiều nơi để giảng dạy, thầy trò "chạy sô" để dạy và học. Giờ đây, cơ sở vật chất của trường khá khang trang, hiện đại, với đầy đủ trang thiết bị thực hành, thực tập cho sinh viên".

Theo lãnh đạo nhà trường, kết quả có được là nhờ sự chỉ đạo, ủng hộ của bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm giúp đỡ của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành ĐBSCL, nhất là của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ, sự nỗ lực vượt khó của tập thể thầy trò nhà trường. PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: "Để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên không ngừng nỗ lực dạy và học; đảm bảo các điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hiện công tác đào tạo của trường còn gặp nhiều khó khăn, vì vừa đào tạo để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế vùng, vừa đầu tư tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng về mọi mặt để phù hợp với tình hình đổi mới.

Trường ĐH Cần Thơ được xem là "anh cả" của các trường đại học trong vùng. 50 năm qua, trường cung cấp hơn 140 ngàn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL và cả nước. Nhiều tiến bộ kỹ thuật do cán bộ, giảng viên trường nghiên cứu đã ứng dụng vào hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ĐBSCL. Riêng TP Cần Thơ, trường ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, như Đề án Cần Thơ 150 (thuộc chương trình Mekong 1000), đến nay, hơn 120 ứng viên đi đào tạo ở nước ngoài và khi trở về địa phương đã phát huy hiệu quả năng lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường sẵn sàng phối hợp với thành phố giải quyết các vấn đề về nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ… để cùng phát triển.

Theo lãnh đạo các trường, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 45, giáo dục đại học của TP Cần Thơ có sự khởi sắc rõ nét. Đây là kết quả của sự đầu tư lâu dài từ Trung ương, địa phương. Đơn cử, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (thành lập tháng 1-2013), để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động, thành phố đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị thực hành cho trường (cơ sở 1, đường Nguyễn Văn Cừ). Thành phố quy hoạch diện tích trên 17 ha ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy làm cơ sở 2 cho trường. Riêng mạng lưới trường Cao đẳng (CĐ), như Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ được thành phố đầu tư hàng chục tỉ đồng để mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở 1 (đường Cách Mạng Tháng Tám); khu thực nghiệm xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền; đồng thời thành phố cho phép nâng cấp thành Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (kinh phí đầu tư 89 tỉ đồng) trong giai đoạn 2016-2020.

* Hướng đến chuẩn đào tạo quốc tế

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 45, có thể nhận thấy bức tranh chung giáo dục ĐH của TP Cần Thơ phát triển vượt bậc, biểu hiện qua những "con số" ấn tượng: 5 trường ĐH, 16 trường CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đào tạo kể cả công lập và ngoài công lập cho cả vùng (với tổng số 150.000 sinh viên, gấp 6,7 lần so năm 2005). Quy mô hệ thống giáo dục bậc ĐH và CĐ thành phố đứng đầu vùng ĐBSCL. Không chỉ vấn đề số lượng, thành phố còn hướng đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tại lễ khai giảng năm học mới của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cuối tháng 9-2016, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh: tập thể cán bộ, giảng viên trường phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chủ động hội nhập quốc tế và tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đây là xu hướng các trường đang hướng đến.

Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ, định hướng đến năm 2022, trường sẽ nằm trong tốp 200 trường chất lượng ở Châu Á - Thái Bình Dương. Để đạt mục tiêu này, trường đang tập trung nguồn lực đầu tư Dự án "Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ thành trường ĐH xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ" bằng nguồn vốn ODA, với tổng kinh phí 105 triệu USD. Theo lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, trường rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương…, giúp trường phát triển toàn diện, để tương lai không xa, trở thành trường ĐH đẳng cấp khu vực và quốc tế.

Dù gặt hái một số thành tựu đáng kể nhưng giáo dục ĐH TP Cần Thơ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là, nguồn nhân lực tuy đáp ứng nhu cầu nhưng chưa tương xứng với đô thị loại I trực thuộc Trung ương; chất lượng nguồn nhân lực, mặt bằng học vấn, tay nghề công nhân lao động thành phố còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Do đó, lãnh đạo thành phố tiếp tục rà soát, sắp xếp, cơ cấu đội ngũ cán bộ hiện có, nhất là cán bộ đầu ngành phù hợp; phát huy, sử dụng tốt đội ngũ cán bộ có học vị, học hàm, đội ngũ trí thức mới có tâm, có tầm, thay thế những người yếu kém. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, công nhân có tay nghề giỏi, đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực… Trước mắt, giai đoạn 2016-2020, TP Cần Thơ kiến nghị Trung ương triển khai đầu tư 4 trường ĐH gồm: ĐH Kiến trúc, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc tế (ĐH chất lượng cao); nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH trọng điểm quốc gia theo hướng đa ngành. Ngoài ra còn một số công trình, dự án do thành phố quản lý, đầu tư gồm: nâng cấp cơ sở 1 và xây dựng cơ sở 2 Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ; nâng cấp 3 trường CĐ, trung cấp thành trường ĐH, CĐ. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố, các cơ sở đào tạo ở TP Cần Thơ không ngừng đầu tư nguồn lực, mở rộng quy mô và đa dạng hóa loại hình đào tạo; đặc biệt hướng đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, xứng tầm, đưa thành phố trở thành trung tâm vùng về giáo dục & đào tạo.

Qua chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 45 của TP Cần Thơ, giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục đại học thành phố nói riêng chuyển mình mạnh mẽ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố, cùng sự nỗ lực của các trường, sẽ đào tạo, bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bài, ảnh: B. Kiên

Chia sẻ bài viết