04/01/2016 - 21:08

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

2 năm qua, Trường Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Yanmar (YARI) hợp tác nghiên cứu một số nội dung về cơ giới hóa cây lúa ở ĐBSCL. Các hoạt động của YARI - Việt Nam đã góp phần củng cố cơ giới hóa nông nghiệp và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững trong nông nghiệp ở ĐBSCL, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Nền tảng phát triển cơ giới hóa

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ và Công ty TNHH Yanmar (Nhật Bản), YARI – Việt Nam được thành lập vào năm 2013 nhằm phục vụ cho sự phát triển công nghệ và hướng đến năm 2024, giúp Việt Nam trở thành nước phát triển về cơ giới hóa và có nền nông nghiệp hiện đại. Đến nay, sau 2 năm thành lập, YARI – Việt Nam đã thực hiện một số công việc thực tiễn và hiệu quả. Điển hình như: thực nghiệm về máy cấy, so sánh năng suất ở một số mật độ cấy máy qua các mùa vụ khác nhau; giới thiệu công nghệ mới: thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp có tính năng gom rơm, cuộn rơm, băm rơm và xử lý phân hủy rơm làm phân bón lại cho đồng ruộng… Bên cạnh đó, các nghiên cứu về nông thôn và nông hộ cũng được thực hiện để hiểu rõ hơn về đối tượng phục vụ, khuynh hướng sắp tới của chính sách nông nghiệp và nghiên cứu về việc tận dụng phế/phụ phẩm trong nông nghiệp và thủy sản, như: rơm rạ, mỡ cá, bã cà phê, hạt cao su… để tạo thành các sản phẩm có giá trị như phân hữu cơ, nhiên liệu sinh học. Thời gian qua, Yanmar đã tài trợ Đại học Cần Thơ máy móc nông nghiệp, thiết bị với kỹ thuật cao và cần thiết cho ĐBSCL với tổng trị giá khoảng 120.000 USD. Bên cạnh đó, đến nay có gần 20 đề tài nghiên cứu được thực hiện bởi sinh viên và cán bộ của Trường Đại học Cần Thơ (tổng kinh phí khoảng 200.000 USD)... Chương trình thực tập sinh tại Việt Nam và Nhật Bản vừa mới được khởi động nhằm cung cấp thêm kiến thức và trau dồi kỹ năng cá nhân cho sinh viên Đại học Cần Thơ.

Tham quan máy gặt đập liên hợp của Yanmar có tính năng gom rơm, cuộn rơm, băm rơm...

Trong 2 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (DT ARC), Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp trực tiếp hợp tác với YARI – Việt Nam thực nghiệm về một số giải pháp cơ giới hóa cho cây lúa vùng ĐBSCL. Phó Giáo sư Dương Văn Chín, Giám đốc DT ARC, cho biết: Qua thời gian nghiên cứu thực nghiệm đã đạt được một số kết quả bước đầu. Gieo hạt ở các mật độ hốc khác nhau với số hạt trên mỗi hốc khác nhau đã cho kết quả là năng suất của tất cả các nghiệm thức gieo hốc đều tương đương với sạ hàng và sạ lan với mật độ 100kg hạt giống/ha. Kết luận này làm cơ sở giúp các chuyên viên cơ khí Yanmar thiết kế máy gieo hạt cho lúa vùng ĐBSCL. Cấy lúa bằng máy với mật độ dày cho năng suất không thua kém cấy tay truyền thống, giảm lẫn tạp trong hạt giống và lúa hàng hóa, gia tăng chất lượng, gia tăng giá bán và góp phần giải quyết thiếu hụt lao động nữ cấy lúa. Ngoài ra, 2 loại máy gặt đập liên hợp của Yanmar có chế độ phóng rơm ra dài bình thường theo băng và nông dân có thể thu gom bằng máy cuốn rơm để sử dụng trong chăn nuôi bò, làm nấm rơm... Chế độ thứ 2 là băm nhuyễn rơm tại ruộng khi thu hoạch, trải đều trên mặt đất. Rơm băm nhuyễn có thể được phun nấm Trichoderma, cày xới rơm rạ chôn vùi vào đất làm phân bón hữu cơ, giảm ngộ độc hữu cơ, gia tăng độ phì nhiêu của đất, giảm chi phí phân hóa học, nâng cao lợi nhuận ngành trồng lúa. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy sau 5 vụ bón phân hữu cơ có chủng Trichoderma thì cây lúa bắt đầu đáp ứng với các mức phân hữu cơ bón vào. Với mức bón 6 và 8 tấn/ha, năng suất tương đương nhau, nhưng cả hai cao hơn ruộng đối chứng không bón và cao hơn 2 mức bón phân hữu cơ thấp là 2 và 4 tấn/ha. Khi sử dụng rơm băm nhuyễn làm phân bón, nông dân không còn đốt rơm tại ruộng, giảm phát thải khí nhà kính CO2, góp phần giảm nhẹ tác hại của biến đổi khí hậu…

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

ĐBSCL có diện tích gieo trồng hằng năm chiếm 52% tổng diện tích gieo trồng nhưng đóng góp 56% tổng sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Cơ giới hóa đồng bộ là yếu tố cơ bản để tiến tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là trong sản xuất lúa. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo cho việc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa được thuận lợi, bền vững, cần giải quyết các vấn đề quy hoạch và cải tạo lại đồng ruộng. Bởi ở vùng ĐBSCL, do diện tích đồng ruộng khá rộng, nông dân có tập quán chỉ làm đất tối thiểu thích hợp cho gieo sạ lan. Mặt khác, kỹ thuật làm mạ khai, mạ thảm không phải nông dân nào cũng làm được, phải làm có tính chuyên nghiệp và đây cũng là một gút mắc trong phát triển máy cấy. Vì vậy, khi khảo nghiệm máy cấy, YARI- Việt Nam cần quan tâm đến điều kiện đồng ruộng để máy cấy có thể hoạt động tốt để từ đó có khuyến cáo đến nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, đặc biệt là cây trồng cạn, như: rau màu, đậu nành, bắp, khoai lang, mía đường, cây ăn quả, thủy sản… Trong lĩnh vực này cơ giới hóa còn rất trống, YARI – Việt Nam nên quan tâm, góp phần vào cơ giới trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Định hướng phát triển YARI – Việt Nam, Tiến sĩ Trương Chí Thành, Giám đốc YARI – Việt Nam, cho biết: YARI – Việt Nam tiếp tục nghiên cứu công nghệ mới phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt vùng ĐBSCL; nghiên cứu về kinh tế xã hội trong nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống nông dân. Đồng thời, tổ chức những chương trình liên kết tập huấn cho cán bộ, nhân viên, nông dân và những người có thẩm quyền trong nông nghiệp; chương trình thực tập sinh cho sinh viên, hỗ trợ thực hiện đề tài nghiên cứu sinh của cán bộ thuộc trường sẽ được tiếp tục thực hiện... YARI – Việt Nam rất mong được hợp tác với các trường đại học, các viện và doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học cũng như trao đổi cán bộ và công nghệ.

Phát biểu tại Hội nghị các YARI lần thứ nhất về "Công nghệ thích hợp nhằm nâng cao đời sống nông dân khu vực Đông Nam Á", Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đánh giá cao những đóng góp của YARI – Việt Nam cho sự phát triển cơ giới hóa của khu vực. Để phát huy thành tựu đạt được trong thời gian qua, hy vọng YARI – Việt Nam nói riêng và Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) nói chung tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thích hợp trong nông nghiệp ở Việt Nam, không chỉ cơ giới hóa cho sản xuất lúa mà còn đối với cây trồng và thủy sản… Đồng thời, xây dựng các nhà máy và cơ sở bảo dưỡng song song với huấn luyện sử dụng máy nông nghiệp cho nông dân. Yanmar sẽ là một cầu nối cho sự hợp tác bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai...

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết