29/10/2015 - 21:49

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở SÓC TRĂNG

HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU CAO HƠN

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Với sự phấn đấu của toàn Đảng bộ và sự chung tay đóng góp của nhân dân, đến nay, Sóc Trăng cũng đã có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần thay đổi dần bộ mặt nông thôn, từng bước cải thiện đời sống của người nông dân.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Sóc Trăng có 80 xã nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình XD NTM). Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 04/5/2011 của UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 22 xã hoàn thành 19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 13 tiêu chí trở lên.

 Các trường từ cấp mầm non đến THPT đều được xây dựng khang trang. 

Để đạt được những kết quả này, ngay từ đầu triển khai thực hiện XD NTM, Sóc Trăng đã thành lập Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh, huyện đến xã. Theo ông Nguyễn Hoàng Thuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Chánh văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình XD NTM Sóc Trăng, Ban chỉ đạo các cấp đã xác định phải dựa vào dân là chính và công tác tuyên truyền được xem là giải pháp trọng tâm. Ngay trong năm 2011, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động thi đua "Toàn thể công nhân, viên chức, lao động và nhân dân tỉnh Sóc trăng chung sức xây dựng nông thôn mới". Đồng thời, các Sở, Ban ngành và Ban chỉ đạo XD NTM các cấp đều có kế hoạch tuyên truyền đến với tất cả cán bộ công chức, viên chức và nhân dân. Trong 5 năm qua, Ban chỉ đạo XD NTM đã treo 862 panô; hơn 430.000 tờ rơi, áp phích; 69 cuộc hội thi, sân khấu hóa; hơn 26.000 tập tài liệu; hơn 3.800 bản tin trên các phương tiện truyền thông, đài Phát thanh truyền hình tỉnh có chuyên mục xây dựng nông thôn mới phát sóng định kỳ hàng tuần; các địa phương lồng ghép tuyên truyền qua các cuộc họp dân, tổ, nhóm 8.845 cuộc với hơn 288.000 người tham dự; các đoàn thể tổ chức tuyên truyền được 228 lớp cho gần 12.000 cán bộ, hội viên và nhân dân tham dự... Song song đó, các mô hình như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng thực hiện mô hình "đào hố chôn rác"; Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện mô hình "cụm dân cư 3 sạch"; Hội Nông dân thực hiện mô hình "hàng rào, cột cờ"... đã giúp công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu. Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai thực hiện Bản đăng ký 11 nội dung xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện cho các cấp ủy cơ sở chỉ đạo, quán triệt và tổ chức đăng ký thực hiện trong cán bộ, hội viên và nhân dân với số lượng hộ đăng ký thực hiện đạt khoảng 200.000 hộ, chiếm trên 80%. Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện mô hình ấp điểm về người dân tham gia xây dựng nông thôn mới với 6 nội dung tại 22 ấp của 22 xã điểm, kết quả có 83,29% hộ làm đường vào nhà; 82,55% hộ làm cột cờ đúng quy cách; 71,53% hộ làm hàng rào, 68,48% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh,... nổi bật là ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng, ấp An Thường, xã An Thạnh 1, ấp Thạnh Ninh, xã Thạnh Thới Thuận...

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh Sóc Trăng, trong 5 năm qua, nguồn vốn huy động thực hiện chương trình XD NTM tỉnh trên 6.760 tỉ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương, địa phương gần 1.696 tỉ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn trên 2.103 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp trên 160 tỉ đồng; vốn tín dụng gần 2.963 tỉ đồng, chiếm 43,82%. Đặc biệt vốn do nhân dân đóng góp trên 588 tỉ đồng. Cụ thể, nhân dân hiến 396ha đất, xây dựng 751 cây cầu, sửa chữa nâng cấp lộ nông thôn được 9.201 km, đóng góp trên 88.000 ngày công... Nhiều gương điển hình tiêu biểu đóng góp XD NTM, điển hình như ông Tào Văn Sáng ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, đã hiến 1,76 ha đất nông nghiệp để xây dựng Trường THPT Lịch Hội Thượng. Nói về việc làm của mình, ông Sáng tâm sự: "Hiểu được lợi ích của việc XD NTM nên khi biết địa phương không có đất xây dựng trường học thì tôi đã hiến đất để xây trường. Tôi hy vọng có Trường THPT Lịch Hội Thượng thì con em đều được đến trường, không phải bỏ học giữa chừng vì đường xa không có điều kiện". Còn ông Trần Văn Chiêu, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung đã đóng góp 300 triệu đồng tiền mặt và hiến 990m2 đất trị giá hơn 150 triệu đồng để xây dựng lộ Rạch Su, cho biết: "Xưa nay, người dân chúng tôi chịu cảnh đi bộ, lội sình nên khi nghe địa phương vận động, những công trình đi qua phần đất tôi đều đồng tình hiến cho Nhà nước. Bây giờ, tất cả những con đường từ ấp đến xã đều được bê tông hóa, trường học, trạm y tế… xây dựng khang trang; điện thắp sáng, nước sạch đều có… Thành quả XD NTM đều do dân hưởng thụ".

TẠO SỨC BẬT MỚI

Qua 5 năm (2011-2015) thực hiện Chương trình XD NTM, tỉnh Sóc Trăng đã có 20 xã đạt chuẩn NTM, đạt 91% chỉ tiêu Nghị Quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ giai đoạn 2011-2015; các xã còn lại đều đạt từ 13 tiêu chí trở lên. Theo ông Lâm Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành công lớn nhất trong XD NTM của tỉnh là tạo được sức mạnh tổng hợp từ nhân dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân hiểu mục đích XD NTM là nhằm nâng cao đời sống cho chính mình, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh. Các cấp ủy đảng, chính quyền luôn biết dựa vào dân và cộng đồng để chăm lo cuộc sống cho dân; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, như lời dạy của Bác "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"; ngay cả người nghèo cũng phải biết vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu; nhân nhanh các mô hình tốt để sớm xây dựng thành công NTM ở mỗi xã, mỗi huyện và trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình XD NTM, nhiều con đường ở các xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được bê tông hóa.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thuấn, trong thời gian qua ngoài công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thì phát triển việc sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn cũng được Ban chỉ đạo XD NTM cấp trong tỉnh cũng đã ưu tiên, tập trung chỉ đạo quyết liệt. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với việc xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, gắn với cơ giới hóa và liên kết với các doanh nghiệp... đã tạo ra nhiều cánh đồng mẫu lớn, nhiều sản phẩm có quy mô lớn, đạt chất lượng, nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh có hiệu quả... góp phần tăng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 3,81%/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, thủy sản lên 157 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27,3 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân/ha đạt 158 triệu đồng. Có 53 xã đạt thu nhập bình quân đầu người trên 29 triệu đồng, đặc biệt có những xã thu nhập đạt trên 35 triệu đồng/người/năm như xã Đại Tâm, Lịch Hội Thượng …, rất nhiều hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng nhất là các vùng nuôi tôm, vùng trồng cây ăn trái.

Từ một xã đặc biệt khó khăn, với trên 40% dân số là đồng bào Khmer, khi bắt tay vào XD NTM xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề còn gặp khó khăn như: sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên là 33%; trường học từ mẫu giáo đến THPT chưa có; hệ thống đường giao thông, kênh thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân... Thế nhưng, bằng sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cấp ủy và chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, đã khơi dậy được nội lực trong nhân dân, thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Mẫm, Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng, cho biết: "Khi bắt tay vào XD NTM, chúng tôi xác định đường giao thông nông thôn, thủy lợi là quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, mà muốn làm được đều đó thì phải dựa vào dân. Vì vậy, chúng tôi tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khi "dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân kiểm tra, dân thụ thưởng" thì ai cũng đồng tình ủng hộ. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn ấp đều bê tông hóa; hệ thống thủy lợi hoàn chính đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Đặc biệt, người dân trong xã đã chủ động tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn". Còn ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện - vừa được tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn NTM- cho biết: "Điểm thành công nhất của XD NTM của xã chính là từ những loại hình sản xuất rời rạc nhỏ lẻ, nay từng bước tổ chức lại thành 9 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã (HTX). Nổi bậc như: HTX Quyết Thắng, HTX 2/9, tổ hợp tác trông cây ăn trái ấp Đức Thắng… làm ăn rất hiệu quả; đã thu hút người dân tham gia cánh đồng mẫu và ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của nông dân với trên 500ha, chiếm trên 16% tổng diện tích đất lúa của xã. Từ đó, năng suất, lợi nhuận cao nên góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ trên 26% vào năm 2011 đến nay, giảm xuống còn 6,7%".

HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU CAO HƠN

Theo ông Nguyễn Hoàng Thuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng điều phối Ban chỉ đạo chương trình XD NTM Sóc Trăng, bên cạnh những kết quả đạt được, XD NTM ở Sóc Trăng cũng gặp nhiều khó khăn do đa số các xã có thu nhập thấp, tập quán sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ; thời tiết, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại...

Ban chỉ đạo XD NTM của tỉnh đề ra mục tiêu giai đoạn 2015-2020: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn xây dựng nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu có ít nhất 50% số xã, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; nâng cao chất lượng của các xã đã đạt chuẩn; các xã còn lại từ 15 tiêu chí trở lên.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức chung lòng của người dân, tin tưởng rằng thời gian tới XD NTM ở Sóc Trăng sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.

DUY ANH

Chia sẻ bài viết