15/09/2017 - 20:06

Hướng đến hiện đại hóa năng lực phòng cháy chữa cháy 

TP Cần Thơ với tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô đô thị ngày càng mở rộng và hiện đại với các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ đa chức năng… Sự phát triển này đặt ra những yêu cầu mới cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) thành phố phải chủ động nâng cao năng lực, trang bị phương tiện hiện đại, hoàn thành nhiệm vụ để theo kịp với tốc độ phát triển của thành phố. 

Học tập nước bạn

Tháng 4-2017, Thiếu tá Phùng Hoàng Bảo, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cùng một chiến sĩ PCCC thành phố được tham gia khóa tập huấn về kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại Hàn Quốc. Thiếu tá Phùng Hoàng Bảo cùng các học viên đã có đi thực tế và tham gia thực tập PCCC và (CNCH) cùng lực lượng PCCC của một số tỉnh, thành phố của Hàn Quốc như Seoul, Gyeonggi… Trong thời gian gần 2 tuần, 2 chiến sĩ của Cần Thơ cùng đoàn học viên của Việt Nam được tìm hiểu quy trình tổ chức lực lượng PCCC và các phương tiện phục vụ công tác này của nước bạn. Đặc biệt là những mô hình và các tình huống xử lý khi có cháy, nổ, tai nạn xảy ra, kỹ năng sử dụng những vật dụng bảo hộ cho lính cứu hỏa khi CNCH theo từng địa hình. Sau khi về nước. Thiếu tá Phùng Hoàng Bảo cùng đồng nghiệp đã có dịp trình bày cụ thể nội dung được học tập cho lực lượng PCCC và CNCH chuyên nghiệp của thành phố. Các chiến sĩ đã có thời gian trao đổi, chia sẻ thông tin với đồng nghiệp làm nhiệm vụ.

Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp TP Cần Thơ sử dụng xe thang kết nối dây trượt cứu nạn nhân trên tầng cao tại buổi thực tập phương án PCCC và CNCH của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Theo Thiếu tá Phùng Hoàng Bảo, cơ chế tổ chức và quản lý PCCC của nước bạn có nhiều điểm hay, có thể học hỏi và áp dụng vào tình hình thực tế của Việt Nam. Mỗi tỉnh, thành phố của Hàn Quốc đều có một cơ quan chuyên trách PCCC với nhiệm vụ chữa cháy, CNCH, cấp cứu y tế, xử lý thảm họa với số điện thoại thống nhất trên toàn quốc. Cụ thể như tỉnh Gyeonggi với dân số khoảng 13 triệu dân. Cơ quan chuyên trách PCCC của tỉnh có khoảng 8.000 nhân viên, 1.454 xe chữa cháy và CNCH các loại, 3 máy bay trực thăng, trong đó 2 chiếc phục vụ CNCH, 1 chiếc dành cho chữa cháy. Ngoài ra, tỉnh còn có 3 tàu chữa cháy, 230 xe cứu thương. Bên cạnh đó còn có các phương tiện của lực lượng PCCC cơ sở và các lực lượng khác. Tỉnh có nhiều đội PCCC, mỗi đội phụ trách địa bàn trong phạm vi bán kính 2,5-5 km (tùy mật độ dân cư từng khu vực). Khi nhận được thông tin thì thời gian đến hiện truờng không quá 7 phút (xử lý tin không quá 1 phút, xuất xe không quá 1 phút, đến hiện trường không quá 5 phút). Cơ chế chỉ huy chữa cháy cũng giống như ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc có nhiều học viện chữa cháy từ trung ương đến địa phương (cấp trung ương chỉ có 1 học viện). Hằng năm, lính chữa cháy các địa phương phải tham gia huấn luyện định kỳ tại học viện chữa cháy của các địa phương đó hoặc của địa phương khác (trường hợp địa phương đó không có học viện chữa cháy). Học viên phải đạt tiêu chuẩn sau khi sát hạch cuối khóa thì mới đủ điều kiện để công tác. Vì vậy, khi về học viện để huấn luyện, các học viên rất tích cực, thậm chí tự tập luyện ban đêm nếu thành tích chưa tốt. “Trong thời gian tham gia khóa huấn luyện, tôi và đồng nghiệp có dịp cọ xát thực tế kỹ năng PCCC của đồng nghiệp ở nước bạn. Nguyên tắc của kỹ thuật phun nước chữa cháy trong nhà kín nhỏ, hẹp và tối. Đặc biệt là công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy và phân tích dấu vết tại hiện trường. Đây là những kiến thức rất hữu ích cho học viên và có thể áp dụng vào thực tế trong quá trình làm nhiệm vụ tại đơn vị”- Thiếu tá Phùng Hoàng Bảo tâm đắc.

Chú trọng công tác phòng ngừa

Từ thực tế của tỉnh Gyeonggi cho thấy, bên cạnh tổ chức tốt phương án chữa cháy, rèn luyện nâng cao kỹ năng của chiến sĩ, ngành chức năng cần chú trọng công tác phòng ngừa. Bởi vì so với tỉnh Gyeonggi, trang thiết bị và phương tiện của ngành PCCC Cần Thơ có sự chênh lệch xa. Trong khi đó, việc đầu tư cho lĩnh vực PCCC và CNCH hiện nay trên địa bàn thành phố chưa tương xứng với yêu cầu hiện tại của thành phố. Thực trạng về quy hoạch giao thông ở khu vực đô thị và ven thành phố còn chưa phù hợp với yêu cầu của công tác PCCC và CNCH nếu có sự cố chảy xảy ra.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Cần Thơ hiện có 15 đơn vị trực thuộc, trong đó có 6 phòng quản lý địa bàn 9 quận, huyện. Sau 5 năm đi vào hoạt động, Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ đã trang bị 24 xe chữa cháy chuyên nghiệp gồm: Xe trạm bơm, xe bơm, xe thang; 4 ca nô chữa cháy và CNCH. Những năm gần đây, ngành đã trang bị thêm 6 máy bơm nổi và 25 máy bơm chữa cháy các loại... Tuy nhiên hiện nay, hoạt động chữa cháy của thành phố đối với những vụ cháy có quy mô lớn, phức tạp gặp nhiều khó khăn. Điển hình vụ cháy tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko vào ngày 23-3-2017, thành phố phải huy động nhiều nguồn lực và sự hỗ trợ từ nhiều lực lượng PCCC các tỉnh, thành lân cận.

Lực lượng Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ ứng dụng mô hình CNCH trong môi trường khói, khí độc tại Hội thi thể thao nghiệp vụ CNCH lần I-2017 diễn ra tại TP Cần Thơ.

Tại buổi làm việc với Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ vào giữa năm 2017, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh. Đối với công tác PCCC cần quan tâm đến những hoạt động phòng ngừa, không để có cháy, nổ xảy ra. Chủ tịch UBND thành phố cũng gợi mở ngành PCCC thành phố tăng cường các hoạt động xã hội hóa đối với công tác đầu tư, trang bị phương tiện PCCC trên địa bàn thành phố. Cụ thể ngành vận động các tổ chức, công ty có những công trình quy mô trên địa bàn thành phố đóng góp kinh phí để mua sắm thêm phương tiện chữa cháy và CNCH, phục vụ đơn vị khi có sự cố cháy, nổ xảy ra cũng như ở địa phương.

Đại tá Huỳnh Thới An, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ nhấn mạnh: “Bên cạnh việc tổ chức kiểm tra nghiệp vụ hằng năm, ngành rất quan tâm đến các hoạt động ứng dụng những mô hình PCCC và CNCH hiện nay của những nước tiên tiến trên thế giới, nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ hiện nay của thành phố. Trong khả năng và điều kiện cho phép, Cảnh sát PCCC thành phố thường xuyên cử chiến sĩ đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Sau đó, ngành sẽ tổ chức cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ứng dụng vào công tác chuyên môn đối với những mô hình phù hợp với thực tế của thành phố”.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và người đứng đầu các cơ sở kinh doanh là mặt công tác quan trọng. Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo Cảnh sát PCCC thành phố thời gian tới tổ chức nhiều mô hình vận động, tuyên truyền người dân ở từng khu dân cư tích cực tham gia phòng ngừa cháy nổ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với việc giữ gìn tính mạng, tài sản của cá nhân và người khác.

Thiếu tá Phùng Hoàng Bảo chia sẻ cách tuyên truyền tại Hàn Quốc rất hay, đáng học tập. Hằng năm, Hàn Quốc đều có tổ chức ngày hội PCCC diễn ra trong 3 ngày. Ngày hội thu hút rất đông người dân đến tham quan và học tập, có thể trải nghiệm thực tập chữa cháy, tự thoát hiểm từ trên cao xuống bằng dây hạ chậm, học và thực hành hô hấp nhân tạo và nhiều loại hình khác. Tại Thủ đô Seoul còn có Trung tâm trải nghiệm các sự cố tai nạn như cháy, bão, động đất… Tại đây, mọi người dân từ trẻ em đến người già đều được tham gia trải nghiệm và được hướng dẫn cách xử lý trong các mô hình động đất, cháy ở các khu nhà phức hợp, cách thao tác các bình chữa cháy xách tay… Những hoạt động này sẽ giúp người dân vừa được học kiến thức, vừa được thực nghiệm, giúp họ xử lý hiệu quả, an toàn khi gặp sự cố cháy và các tai nạn khác. Đồng thời, có thể phối hợp tốt với phương án hành động của lực lượng chuyên nghiệp khi có sự cố cháy, nổ. Những kinh nghiệm học tập ở nước bạn vừa qua, đã có áp dụng một phần vào Hội thi Thể thao nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ lần I-2017 diễn ra tại TP Cần Thơ vào tháng 8 vừa qua. Những kinh nghiệm khác cũng sẽ được nghiên cứu chọn lọc để triển khai tại TP Cần Thơ khi có điều kiện thích hợp.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết