22/06/2016 - 21:50

HỢP TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VÙNG ĐBSCL

Yêu cầu phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện mới đang đặt ra cho các cơ quan quản lý, nhà khoa học những nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều ngành khoa học và công nghệ trong và ngoài nước. Mới đây, tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo "Các giải pháp công nghệ phù hợp cho việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, năng lượng và đất đai cho khu vực ĐBSCL". Các chuyên gia, các cơ quan quản lý trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đề xuất các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, quản lý và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL.

*Thách thức

ĐBSCL có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, hằng năm sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu. Sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của vùng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu, ĐBSCL đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế nói chung và quá trình phát triển nông nghiệp nói riêng, đặc biệt là trong vấn đề bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những thảm họa thiên nhiên như: lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn cùng vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là những vấn đề nóng và cấp bách của vùng ĐBSCL.

Trong đợt hạn, mặn đầu năm 2016, nhiều tỉnh, thành ĐBSCL chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống. (Trong ảnh: Cánh đồng lúa chết dần vì xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre). Ảnh: T. LONG

Theo các nhà khoa học, ĐBSCL đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động thủy văn từ biến đổi khí hậu. Theo đó, đỉnh và dòng chảy lũ tăng mạnh vào mùa mưa. Việc giảm lưu lượng dòng chảy vào mùa khô dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt. Thêm vào đó, mực nước biển ngày một tăng và hiện tượng xâm nhập mặn dự báo trong tương lai càng mạnh mẽ, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng trong sinh hoạt và sản xuất. Vấn đề khai thác quá mức nguồn nước ngầm ở một số nơi trong khu vực ĐBSCL bắt nguồn từ việc hút nước không đều, làm giảm mực nước ngầm là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún đất và tăng độ mặn nguồn nước ngầm. Những năm gần đây, việc phát triển nhanh chóng diện tích nuôi tôm tự phát, không theo quy hoạch chung, thiếu các giải pháp kỹ thuật đã gây nhiều thiệt hại cho lâm nghiệp, nông nghiệp và ảnh hưởng xấu tới môi trường, không những gây suy thoái môi trường ngay tại các khu vực chuyển đổi mà còn làm tăng mức độ lan truyền mặn sâu vào nội đồng. Nhiều khu vực, sự lan truyền ô nhiễm diễn ra không kiểm soát được. Việc sụt giảm diện tích và suy thoái chất lượng rừng ngập mặn gây hậu quả nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân chính của vấn đề xói lở bờ biển, cửa sông, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của thủy hải sản ven biển. Cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, xử lý ô nhiễm từ các khu công nghiệp, từ các vùng chuyên canh thủy sản, gìn giữ và bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn đối với phát triển bền vững ở ĐBSCL… Do vậy, giải pháp quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển vùng ĐBSCL.

*Đề xuất giải pháp

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Liên bang Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức, tại hội thảo "Các giải pháp công nghệ phù hợp cho việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, năng lượng và đất đai cho khu vực ĐBSCL", các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng ngồi lại đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp cho quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường hướng đến phát triển bền vững ĐBSCL dưới những tác động của biến đổi khí hậu.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước là công cụ hiệu quả và xu hướng chung hiện nay. Qua đó, giúp UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cập nhật tình trạng biến động và đưa ra quyết định kịp thời về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, thiên tai và kinh tế - xã hội… của địa phương. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Địa Tin học – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Định hướng nghiên cứu và phát triển của hệ thống thông tin địa lý vùng ĐBSCL cần thiết cho việc cung cấp thông tin tích hợp đầy đủ cho chính quyền các tỉnh, thành. Mô hình ứng dụng GIS sử dụng phần mềm mã nguồn mở tạo các chức năng webGIS cho phép người sử dụng biên tập, lập báo cáo… trực tuyến. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu cho vùng ĐBSCL, mô hình hỗ trợ các công cụ hữu ích để kiểm soát ngập lũ, giám sát hạn hán, xâm nhập mặn cũng như các thiên tai khác. Đồng thời, tạo ra nhiều giải pháp tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành; cung cấp thông tin nhanh và chính xác cho công tác quản lý nhà nước hỗ trợ cho việc ra chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. ĐBSCL có thể phân kỳ 2 giai đoạn nhằm phát triển GIS đồng bộ và góp phần tin học hóa quản lý nhà nước, hỗ trợ việc tạo lập chính sách phát triển bền vững cho vùng.

Theo GS.TS. Christian Langen, Đại học Khoa học Ứng dụng Karlsruhe (Đức), một cách tiếp cận hệ thống mới được điều tra để cho phép đánh giá chất lượng nước trên diện rộng của các mạng cảm biến phạm vi rộng qua việc lập bản đồ đánh giá chất lượng nước bằng cách xác định lượng ô nhiễm. Trong đó, phương pháp mạng cảm biến không dây (WSN) với sự phát triển của mạng kết nối vạn vật, thiết lập truyền thông trên diện rộng để chuyển thông tin về đại lượng vật lý và hóa học bằng cảm biến. Hơn nữa, có thể sử dụng các nút cảm biến năng lượng độc lập để tự động duy trì trong các điều kiện môi trường mà không cần sự can thiệp của con người. Lượng hóa chất trong nước có thể theo dõi bằng cách sử dụng bộ cảm biến nhạy ion để xác định nồng độ ion Clorua, Natri và các ion khác trong cùng khu vực. Công nghệ mạng không dây này cho phép thiết lập truyền thông với khoảng cách hơn 20km. Đặc biệt là các mạng 3G/GRPS ở Việt Nam có vùng phủ sóng tốt cho phép truyền thông phạm vi rộng truyền tải dữ liệu cảm biến để khai thác dữ liệu và trực quan bằng điện toán đám mây dựa trên các cổng Internet.

Sử dụng năng lượng gió và mặt trời như nguồn năng lượng bền vững ở Việt Nam trở thành một phương án quan trọng, là một hướng tiếp cận tốt trong điều kiện nguồn cung cấp điện năng ngày càng ít. Khu vực ĐBSCL là nơi có nhiều nguồn năng lượng xanh tiềm năng tốt như năng lượng gió và mặt trời. Để khai thác tiềm năng này, ông Nguyễn Quốc Hưng, Đại học Việt Đức đề xuất: Cần có các dự án nhằm nâng cao công suất hệ thống năng lượng mặt trời – gió, được nghiên cứu chế tạo trong nước để giảm giá thành. Mục đích chính của dự án là tối ưu thiết kế và sản xuất các hệ thống điện năng lượng gió – mặt trời quy mô gia đình phù hợp với người có thu nhập trung bình và thấp. Đại học Việt Đức sẵn sàng làm đầu mối chính thực hiện các dự án này.

T. Trinh

Chia sẻ bài viết