01/12/2009 - 09:44

Diễn đàn tiểu vùng Mê Công

Hợp tác chặt chẽ hơn nữa để vượt qua khủng hoảng và thúc đẩy phát triển

Những chương trình hợp tác khu vực, các tác động và những kinh nghiệm ứng phó là những vấn đề nóng của Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, hướng tới một tiểu vùng Mê Công mở rộng năng động” diễn ra ngày 30-11, tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn hợp tác phát triển và hội chợ quốc tế thương mại và đầu tư Mekong năm 2009 sẽ được tiếp tục trong tháng 11 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu rõ: Kinh tế thế giới nói chung và Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) nói riêng đã có những dấu hiệu khởi sắc; song tiến trình phục hồi không đồng đều và còn chưa bền vững. Những nguy cơ tiềm ẩn và diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới đang cảnh báo GMS phải thận trọng và cùng nhau hợp tác chặt chẽ hơn nữa; cùng nhau phối hợp hành động để khắc phục những hậu quả do cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu gây ra; đồng thời thúc đẩy kinh tế khu vực và kinh tế thế giới phát triển nhanh, bền vững với chất lượng cao hơn.

Bộ trưởng khẳng định: Việt Nam tiếp tục cam kết tham gia và đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các nước để thực hiện sáng kiến hợp tác tiểu vùng. Bộ trưởng mong muốn hội thảo sẽ rõ hơn đầy đủ hơn những tác dộng của khủng hoảng đối với sự phát triển của GMS; đề xuất nhiều giải pháp trong huy động vốn, xây dựng cơ chế hợp tác phù hợp với tình hình và cơ hội mới. Bộ trưởng tin tưởng: Hợp tác và chia sẻ là cách thức tốt nhất để vượt qua khó khăn, thác thức. Bằng quyết tâm và nỗ lực của mình cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ, tích cực, có hiệu quả của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, GMS sẽ vượt qua thử thách, hướng tới một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng.

Với mục tiêu nhằm tăng cường sự hiểu biết, giới thiệu khả năng và cơ hội hợp tác giữa các nước GMS, Hội thảo đã tập trung vào các vấn đề: Hợp tác phát triển vùng Mê Công mở rộng; tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đối và ứng phó của các nước GMS; hợp tác phát triển và đầu tư với các tham luận về Chương trình GMS và vai trò của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Việt Nam trong chương trình GMS-cơ hội và thách thức, vai trò của Nhật Bản trong khu vực GMS, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, bài học và kinh nghiệm đối phó với khủng khoảng của Thái Lan, xúc tiến đầu tư và môi trường đầu tư tại Việt Nam-Lào-Campuchia, kinh nghiệm và thách thức trong hoạt động kinh doanh tại các nước GMS.

Các tham luận tại hội thảo cho thấy, GMS là nơi đang có nhiều sáng kiến hợp tác khu vực, đã xác định được nhiều chương trình, dự án ưu tiên hàng đầu và có tầm quan trọng to lớn đối với các nước trong tiểu vùng. Các ý tưởng của sáng kiến GMS đang dần thành hiện thực mang lại những thay đổi tích cực, đem lại lợi ích chung cho khu vực và từng quốc gia thành viên. Đây là minh chứng cho sự hợp tác có hiệu quả giữa các nước trong tiểu vùng. Các nước GMS đã thực sự tạo ra các mối liên kết và ngày được củng cố.

Định hướng các hoạt động trong khu vực được hội thảo xác định, đó là: cải thiện điều kiện sống ngưòi dân sinh sống trong lưu vực, đặc biệt ngưòi nghèo; tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước; phát triển phù hợp tiềm năng thủy điện trong lưu vực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng; cải thiện nghề cá, chú trọng nghề nuôi trồng và bảo tồn các loại cá bản địa; tăng cường hiệu quả giao thông thủy nội địa thông qua thúc đẩy thực hiện quy chế tự do giao thông thủy giữa các nước; hạn chế và giảm thiểu những tác động bất lợi tới cuộc sống người dân và các thiệt hại về kinh tế do hạn hán và lũ lụt; tăng cường bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh và cân bằng sinh thái.

MINH CHÂU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết