15/05/2009 - 08:45

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Hợp tác ASEM trên lĩnh vực giáo dục góp phần giải quyết những tác động tiêu cực về mặt xã hội của khủng hoảng hiện nay

Ngày 14-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á-Âu (ASEM) lần thứ 2 với sự tham gia của 37 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với chủ đề “ Bảo đảm chất lượng, công nhận và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM” và “Phát triển nguồn nhân lực bền vững đáp ứng những nhu cầu của ASEM trong tương lai”, Hội nghị lần này là dịp để các bên cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong tương lai.

Hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là những chủ đề rất thiết thực không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác giáo dục Á-Âu, mà còn giải quyết những tác động tiêu cực về mặt xã hội của khủng hoảng hiện nay. Thủ tướng nêu rõ, châu Á và châu Âu có vị trí quan trọng đối với sự ổn định và phát triển thế giới. Hợp tác Á-Âu (ASEM) không những thúc đẩy hợp tác giữa châu Á và châu Âu, hợp tác song phương giữa các nước thành viên ASEM mà còn thúc đẩy hợp tác với các châu lục khác. Là một trong những nước thành viên sáng lập, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và đóng góp tích cực cho ASEM. Việt Nam luôn chủ động tham gia có trách nhiệm trong hợp tác ASEM, không chỉ về đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế mà cả trong các lĩnh vực khác, nhất là văn hóa, giáo dục và y tế; đặc biệt Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM 5 và nhiều hội nghị, diễn đàn khác, đóng góp nhiều sáng kiến thiết thực cho ASEM. Năm nay, ngoài việc đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục, Việt Nam còn tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng ASEM cũng trong tháng này. Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, nhất là ngày nay, nhiều nước đang hướng tới nền kinh tế tri thức. Việt Nam luôn coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình, đồng thời là nhân tố quan trọng để thực hiện xóa đói giảm nghèo. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành 20% ngân sách quốc gia và đề ra nhiều cơ chế chính sách phát triển, nhờ đó giáo dục Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể.

Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học... Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương đổi mới cơ bản, toàn diện và mạnh mẽ về giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 có một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết