13/03/2011 - 20:29

Hơn cả trách nhiệm

Chị Nguyễn Thị Phượng đang cho một bé
bị dị tật ăn cháo.

12 năm làm nhân viên chăm sóc trẻ của Trung tâm nuôi trẻ mồ côi và nhiễm chất độc dioxin thuộc Sở Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) TP Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Phượng, hiện là Phó phòng Y tế và dưỡng nhi của Trung tâm, luôn hết lòng chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh ở đây. Trong suốt câu chuyện của mình, chị luôn đau đáu làm cách nào để nuôi dạy các em được tốt hơn, giúp các em có thêm niềm vui, nụ cười.

Gặp chị Phượng vào giờ ăn xế của các bé ở Trung tâm, nhìn chị tất bật đút cho bé này ăn, trong khi bé kia làm đổ thức ăn ra sàn, những bé đã biết đi chạy giỡn, đập cửa ầm ầm, bé sơ sinh thì đòi bú... mới thấy được sự vất vả của chị. Những bé bị dị tật ở mặt rất khó ăn, thức ăn đưa vào cứ trào ra ngoài, chị phải chăm chút từng muỗng nhỏ. Mồ hôi ướt đầm lưng áo, chị Phượng kiên nhẫn dỗ cho các bé ăn hết phần của mình, rồi quày quả thăm chừng một số trẻ vừa ăn xong đã ngủ. “Làm mẹ” của gần 30 đứa con từ sơ sinh đến khoảng 2 tuổi, có em bình thường, có em dị tật cơ thể, có em ngớ ngẩn không biết gì..., trong đó khoảng một nửa bại não, em nào cũng mồ côi, chị Phượng nhủ với lòng cố gắng hết sức để bù đắp tình thương cho các em. Chị cười hiền: “Chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho các em đã cực, dạy các em nhận biết thế giới xung quanh còn cực hơn, phải kiên nhẫn tập các em từng động tác. Nhiều em lớn nhưng không tự chủ được trong chuyện vệ sinh, cô giáo phải lo hết. Có những khi nhiều em bị bệnh cùng một lúc, áp lực rất nặng nề nhưng mình cũng ráng vượt qua. Thương nhất là các em mới về Trung tâm mấy tháng đã bệnh không qua khỏi, đau lòng lắm”.

5 giờ 30 sáng chị Phượng đã có mặt ở phòng Y tế và dưỡng nhi để quét dọn, tắm bé, thay tã, cho uống sữa, ăn cháo... 6 giờ chiều mới thay ca. Những khi có bé bệnh, các chị phải túc trực 24/24 ở bệnh viện. Cực, thu nhập thấp nên không ít người vào thử việc mới một buổi đã không chịu nổi. Chị Phượng nghĩ: “Các em đã bất hạnh nhiều, chỉ có tình thương của các cô mới có thể bù đắp cho các em bớt thiệt thòi, mình không muốn các em bị bỏ rơi thêm lần nữa”. Biết bao kỷ niệm gắn kết chị Phượng với nơi này. Khách tới thăm cho bánh, nhiều em không ăn để dành cho cô, có em dạy hoài không biết nói, tự nhiên có hôm gọi tiếng “cô”, nghe mà muốn rơi nước mắt. Còn các em lớn đã biết đòi, phân bì nên làm sao san sẻ tình thương cho đều, không phải chuyện dễ dàng.

Từ nhỏ, chị Phượng đã mê con nít, 17 tuổi, chị học lớp sư phạm mầm non tâm sinh lý trẻ sơ sinh. Sau khi vào Trung tâm, chị học thêm các lớp tập huấn về trẻ tàn tật, tay nghề ngày càng vững vàng. Chăm sóc trẻ sơ sinh cực hơn các phòng khác, nhiều bệnh diễn biến phức tạp, nếu không có kiến thức, kinh nghiệm xử lý, hậu quả sẽ khó lường. Theo dõi các bé rất kỹ nên chỉ cần nghe tiếng ho, tiếng khóc là chị biết ngay của bé nào, sức khỏe hôm ấy ra sao. Hiểu tính ý, nhu cầu cơ thể mỗi bé nên chị Phượng thường đề xuất chế độ ăn phù hợp cho từng bé ở mỗi thời điểm để bé có điều kiện phát triển ở mức tốt nhất. Chị còn tranh thủ giờ chơi dạy các bé tập nói. Hết mình vì công việc, nhiều năm liền chị Phượng đều đạt danh hiệu lao động giỏi. Năm 2008, chị được tín nhiệm bầu làm Phó phòng y tế và dưỡng nhi. Năm 2010, chị là một trong hai gương mặt tiêu biểu của Trung tâm được chọn đi dự hội nghị 65 năm thành lập ngành LĐTB&XH, được nhận giấy khen đã có thành tích đóng góp trong phong trào thi đua của ngành giai đoạn 2006-2010. Nhận xét về chị Nguyễn Thị Phượng, ông Đặng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm nuôi trẻ mồ côi và nhiễm chất độc dioxin thuộc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ, cho biết: “Chị Phượng công tác ở đây lâu năm, hiền lành, ham học hỏi, được mọi người quý mến. Với tấm lòng yêu trẻ, nhiệt tình, chị luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Là con gái út trong một gia đình đông anh em ở Cần Thơ, các anh chị lập gia đình ra riêng, còn chị Phượng sống cùng cha mẹ già. Hôn nhân gãy gánh, 15 năm qua, chị vất vả làm lụng nuôi hai đứa con. Khó khăn nhất là giai đoạn đứa con út mới được 2 tuổi, cha mẹ của chị bệnh rồi lần lượt qua đời, gánh mưu sinh trên vai chị càng trĩu nặng. Năm 1999, chị xin vào Trung tâm làm việc và gắn bó đến nay. Trước đây, sau giờ làm việc, chị Phượng nhận giữ thêm em bé bên ngoài mới đủ sống, buổi trưa, chị thường đem gạo vô Trung tâm nấu ăn chung với đồng nghiệp cho đỡ tốn kém. Bây giờ, cuộc sống đã tạm ổn nhưng chị Phượng vẫn chi tiêu rất tiết kiệm, dành dụm lo cho con. Thấu hiểu tấm lòng của mẹ, hai con chị rất hiếu thảo, ham học. Con trai lớn đang theo học ngành Luật, vừa học vừa đi làm thêm giúp mẹ, còn con gái út đang học lớp 9. Chị Phượng chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng hết sức mình nuôi con ăn học thành tài và chăm sóc các cháu ở Trung tâm. Mong các cháu lớn lên vượt qua nghịch cảnh, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người tốt”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết