16/11/2022 - 21:55

Hội thảo khoa học về Công nghệ Sinh - Hóa - Thực phẩm 

(CT) - Ngày 16-11, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học Công nghệ Sinh - Hóa - Thực phẩm.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của nhiều đại biểu quốc tế đến từ các trường đại học của Ðức, Hàn Quốc, Thái Lan, Ðài Loan; đại diện các cơ quan, doanh nghiệp; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.

Tham quan trưng bày, giới thiệu các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học. Ảnh: DUY KHÔI

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... đều xác định vai trò của công nghiệp chế biến gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam được xem là trọng tâm. Riêng đối với Cần Thơ, thành phố đang xây dựng vị thế trung tâm của vùng về công nghiệp chế biến.

Ban tổ chức hội thảo cho biết: Hội thảo khoa học lần này là một trong những chương trình thảo luận định hướng, góp phần hiện thực hóa các nội dung nêu trên. Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ mong muốn góp phần cung cấp, chia sẻ, thảo luận những thông tin khoa học trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, công nghệ hóa học và công nghệ sinh học.

Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài viết, poster, sản phẩm trưng bày, giới thiệu có nội dung phong phú, đa dạng. Tiêu biểu như các bài tham luận: Vai trò của lacticaseibacillus paracasei Shirota trong trục não - ruột - hệ khuẩn chí đường ruột; giới thiệu sản phẩm nước giải khát từ dâu Hạ Châu; poster giới thiệu các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành: nghiên cứu tận dụng vỏ trái thanh long ruột trắng vào quy trình chế biến mứt đông thanh long; phân hữu cơ vi sinh từ thân chuối bổ sung nấm trichoderma; nghiên cứu quy trình lên men rượu vang mít Thái; ảnh hưởng của quá trình xử lý enzyme pectinase và thanh trùng đến chất lượng nước giải khát từ đài hoa bụp giấm bổ sung chanh dây... Hầu hết các nghiên cứu này đã cho ra sản phẩm, tính khả thi cao, có thể cung cấp ra thị trường.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết