Dự phiên khai mạc có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Lào; Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Campuchia; Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Bangladesh; đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ (mác xít); đại diện Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam.
55 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị - xã hội từ các nước: Trung Hoa, Cuba, Liên bang Nga, Pháp, Ấn Độ, Triều Tiên, Anh, Bangladesh, Brazil, Bulgarie, Chile, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hungary, Indonesia, Mexico, Philippines, Thái Lan và Venezuela; gần 400 nhà khoa học nghiên cứu lý luận, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu từ các học viện, trường đại học ở Trung ương và Hà Nội đã tham dự Hội thảo.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chiến sĩ cách mạng kiên cường và người bạn rất thân thiết của các dân tộc trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng phong phú, cao đẹp và đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của Người sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người đã để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người Việt Nam, mà còn cho cuộc đấu tranh xóa bỏ sự thống trị, áp bức, nô dịch của chủ nghĩa thực dân trên hành tinh chúng ta; cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; cho lý tưởng giải phóng con người, hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chính vì vậy mà không chỉ nhân dân Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân thế giới cũng rất yêu quý Người, dành cho Người những tình cảm trân trọng nhất, những lời nói tốt đẹp nhất. Di sản Hồ Chí Minh không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn thuộc về nhân dân tiến bộ toàn thế giới.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đang ra sức phát huy di sản Hồ Chí Minh, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hội thảo là dịp được trao đổi, lắng nghe những ý kiến của bạn bè quốc tế để hiểu sâu sắc thêm cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để khẳng định hơn nữa những giá trị lý luận và thực tiễn di sản của Người trong thời đại ngày nay. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tin tưởng những kết quả của Hội thảo sẽ góp phần vào việc tiếp tục nghiên cứu, tổng kết lý luận, làm nền tảng cho việc giải quyết thành công những vấn đề của sự nghiệp xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Chiều 12-5, tiếp tục chương trình Hội thảo khoa học Quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”, phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” đã thu hút đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế tham gia thảo luận.
Các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thuộc địa và cách mạng giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay.
Tham luận của các đại biểu nhấn mạnh: Độc lập dân tộc là một nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa thực dân- một trong những điều sỉ nhục lớn của loài người- đã đem xiềng xích, áp bức, đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật... đè nặng lên số phận của các dân tộc nhược tiểu. Giành lại tự do, độc lập là khát vọng cháy bỏng của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX. Hồ Chí Minh được coi là một trong những người tượng trưng cho ý chí và khát vọng đó. Người đã nêu lên một chân lý nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hồ Chí Minh được coi là một chiến sĩ đi tiên phong trong việc thức tỉnh dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và phẩm giá con người. Tư tưởng và tấm gương đấu tranh bất khuất cho độc lập, tự do của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX. Nhiều quốc gia độc lập đã thừa nhận ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của cách mạng Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày nay, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn còn nguyên sức sống của nó. Độc lập dân tộc ở Hồ Chí Minh luôn luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Chủ nghĩa xã hội ở Hồ Chí Minh không phải những điều cứng nhắc, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người, mà hết sức cụ thể và thiết thực. Người nói: “chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”. Quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Mác Lênin kết hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, với khát vọng công bằng, bác ái của loài người....
Các đại biểu cho rằng: trong thế giới đầy năng động ngày nay đang diễn ra những biến đổi lớn lao. Những khái niệm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội, về các con đường và các phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng thay đổi. Nhưng trong mọi biến đổi cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho ý tưởng đó.
Phiên thứ nhất của Hội thảo đã làm sáng tỏ hơn những cống hiến to lớn về lý luận và thực tiễn của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đối với sự phát triển tiến bộ của nhân loại trong thời đại ngày nay.
NHÓM PV TTXVN