15/06/2022 - 21:40

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng:

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phải giữ một vị trí rất thiêng liêng trong tâm tưởng, trong suy nghĩ của đội ngũ cán bộ

(TTXVN)- Sáng 15-6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Học viện tham gia buổi làm việc.

Báo cáo tóm tắt kết quả công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2022, nêu một số kiến nghị, đề xuất, Phó Giám đốc thường trực Học viện, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc cho biết, thời gian qua, Học viện đã có sự đổi mới toàn diện và đồng bộ trên các mặt công tác, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật.

Học viện đã tổ chức các hệ lớp bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng và chiến lược cán bộ của Đảng; thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, gắn đào tạo lý luận và tổng kết thực tiễn, tri thức lý luận với kỹ năng lãnh đạo, quản lý...

Trong công tác nghiên cứu khoa học, năm 2021 - 2022, hệ thống Học viện đã chủ trì triển khai trên 1.000 đề tài, nhiệm vụ khoa học; chủ trì tổ chức hơn 350 hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp; trên 2.000 công trình nghiên cứu khoa học được xã hội hóa. Học viện tổ chức triển khai một số Chương trình, đề án trọng điểm như: Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới"; Đề án "Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân"; Đề án cấp bộ trọng điểm giai đoạn 2020-2025"; Nghiên cứu, tổ chức biên soạn bộ sách phổ thông về tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới đất nước"; Đề án cấp bộ trọng điểm năm 2021-2022 "Những giải pháp thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống"; Chương trình "Sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam"; Đề án cấp Bộ trọng điểm giai đoạn 2021-2025 "Tuyển chọn, biên dịch, xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí Minh từ Tiếng Việt sang tiếng nước ngoài"...

Kết luận buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá, hai năm sau Đại hội XIII của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng đạt được nhiều kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đó, Học viện không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo và chính nhờ việc không ngừng đổi mới đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện.

Chia sẻ một số ý kiến trong công tác Học viện thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu trăn trở và mong muốn lãnh đạo Học viện cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện có quyết tâm chính trị cao, giữ vững và khẳng định bản sắc của trường Đảng cao cấp Trung ương, định vị vị trí quan trọng số một không thể thay thế được của Học viện trong công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp cho Đảng và Nhà nước.

"Học viện phải giữ một vị trí rất thiêng liêng trong tâm tưởng, trong suy nghĩ của đội ngũ cán bộ. Đảng viên đã vào đây rồi, phải được rèn luyện toàn diện, đầy đủ", đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Học viện cần tập trung đề ra các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy.

THU PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết