23/11/2009 - 20:51

Học và thi IELTS hiệu quả

Rèn kỹ năng phát âm cho ứng viên chương trình Mekong 1000 là một yếu tố cần thiết trong kỳ thi IELTS. Ảnh: THÚY DIỄM

IELTS (International English Language Testing System) là kỳ thi quốc tế nhằm đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của các thí sinh với mục đích du học, định cư hay làm việc tại những nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Hơn 6.000 cơ sở giáo dục, cơ quan chính phủ và tổ chức chuyên môn trên khắp thế giới công nhận chứng chỉ IELTS. Học và thi IELTS thế nào hiệu quả? Báo Cần Thơ xin giới thiệu những kinh nghiệm của thạc sĩ Nguyễn Hải Quân, Phó khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ.

IELTS được đồng tổ chức và quản lý bởi 3 tổ chức quốc tế: Tập đoàn khảo thí địa phương thuộc Đại học Cambridge (UCLES), Hội đồng Anh (The British Council) và tổ chức giáo dục Úc IDP. Mức điểm IELTS cần đạt để được xét nhập học tại một trường cao đẳng hay đại học nước ngoài tùy vào qui định của từng trường. Tuy nhiên, mức điểm tối thiểu đối với một số chương trình như sau: dự bị đại học, A-level, cao đẳng: 5.0 trở lên; đại học: 6.0 trở lên; sau đại học: 6.5 trở lên.

IELTS gồm có khối thi Học thuật (Academic Module) và khối thi Đào tạo Tổng quát (General Training Module). Khối thi Học thuật dành cho thí sinh theo học các khóa đào tạo học thuật từ cao đẳng trở lên. Khối thi Đào tạo Tổng quát dành cho thí sinh tham dự các khóa đào tạo không mang tính học thuật hoặc cho những người muốn xúc tiến thủ tục định cư tại nước ngoài. Bài thi IELTS có 4 môn: Nghe, Đọc, Viết và Nói. Trong đó, 2 môn Nghe và Nói là giống nhau cho cả 2 khối thi kể trên. Sự khác nhau về đề tài cũng như độ khó của hai khối thi được thể hiện qua môn Đọc và Viết. * Môn Nghe: thí sinh nghe 4 đoạn băng hội thoại hoặc độc thoại, với ngữ điệu, phát âm từ các vùng, miền khác nhau; mức độ khó của những đoạn băng này tăng dần. Băng chỉ được phát một lần. Thí sinh ghi câu trả lời lên phần câu hỏi (Listening Question Booklet) được phát. Sau 30 phút nghe băng, thí sinh có 10 phút để trả lời vào giấy.

Thí sinh Việt Nam thường yếu về kỹ năng nghe. Kỹ năng nghe đòi hỏi người học có quá trình rèn luyện lâu dài để có một nền tảng vững chắc và phải có chiến thuật luyện tập phù hợp. Cần nhớ rằng rèn luyện kỹ năng nghe đồng nghĩa với việc tích lũy thêm vốn từ vựng và cải thiện khả năng phát âm chính xác của mình.

Khi luyện nghe, sự kiên nhẫn là điều kiện quan trọng hàng đầu. Tốt nhất là nên nghe 3 lần. Lần 1 nghe để làm bài theo yêu cầu của bài tập nghe (cố gắng tập thói quen làm bài một cách nghiêm túc như trong lúc kiểm tra hay thi thật), kiểm tra kết quả bài làm của mình so với đáp án. Lần 2 nghe lại và đặc biệt chú ý đến những câu đã làm sai trong lần nghe đầu, xác định lý do tại sao mình làm sai, sau đó xem qua phần lời đọc băng (tapescript hoặc audioscript) và những phân tích trong phần đáp án, kiểm tra lại nghĩa và cách phát âm của một số từ mới trong bài, học những từ vựng mới. Lần 3 nghe lại toàn bộ nội dung bài cố gắng nhận dạng được những điểm từ vựng mới nhận ra những phần mình đã làm sai trong lần nghe đầu.

Nên nhớ rằng, thí sinh phải tận dụng triệt để thời gian đọc câu hỏi trước khi bắt đầu làm bài đồng thời sử dụng vốn kiến thức về ngôn ngữ và xã hội để dự đoán trước một số nội dung trong bài nghe. Thí sinh không nên dành quá nhiều thời gian để dừng lại và suy nghĩ cho 1 câu hỏi nào đó. Cố gắng sử dụng khả năng phán đoán của mình đối với những câu hỏi không chắc chắn về câu trả lời, nhanh chóng chọn câu trả lời và chuyển sang câu kế tiếp.* Môn Đọc: có 3 phần với 40 câu hỏi; thời gian dành cho từng phần không bị giới hạn, tuy nhiên thí sinh nên có cái nhìn tổng quát ở cả 3 phần trước khi bắt đầu làm bài và nên phân chia thời gian cho từng phần một cách hợp lý. Mức độ khó của 3 bài đọc cũng tăng dần và đôi khi thí sinh không nên làm bài theo đúng thứ tự 3 phần trong đề thi mà nên bắt đầu ở phần nào bài đọc có chủ đề quen thuộc hoặc có những dạng bài tập mà thí sinh cảm thấy tự tin để làm hơn.

Có 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng đọc của thí sinh: vốn từ vựng và kỹ năng đọc. Do đó, thí sinh cần có kế hoạch tăng cường vốn từ vựng hợp lý. Cũng giống như ở phần nghe, việc luyện các bài đọc IELTS cũng phải gắn với mục tiêu tăng cường vốn từ vựng chứ không đơn thuần rèn luyện kỹ năng đọc. Điều này có nghĩa là việc rèn luyện không chỉ dừng lại ở 2 bước làm bài tập và kiểm tra kết quả so với đáp án. Thí sinh cần kiểm tra lại các câu hỏi đã làm sai, đọc lại nội dung bài, liên hệ đến phần giải thích trong đáp án để tìm ra nguyên nhân tại sao mình làm sai, tìm hiểu nghĩa và học những từ vựng mới trong bài. Việc tìm hiểu nghĩa của những từ mới đồng thời giúp thí sinh hiểu rõ hơn về nội dung bài đọc, thấy rõ hơn nguyên nhân mình làm sai và giúp tăng cường vốn từ vựng cho thí sinh.

Làm quen với các dạng câu hỏi đặc trưng của kỳ thi IELTS cũng có thể giúp thí sinh tiết kiệm được thời gian hiệu quả. Nên nhớ rằng mỗi dạng bài tập, mỗi loại câu hỏi đòi hỏi thí sinh áp dụng những chiến thuật đọc và làm bài tương đối khác nhau.* Môn Viết: 2 bài viết, 60 phút. Đối với dạng thi Học thuật, ở bài 1, thí sinh được yêu cầu mô tả các thông tin được đưa ra qua biểu đồ, đồ thị, biểu bảng, quy trình. Thời gian viết là 20 phút cho tối thiểu 150 từ. Bài 2, thí sinh được yêu cầu viết một bài luận tối thiểu 250 từ trong thời gian 40 phút về một vấn đề nào đó.

Ở dạng viết 1, thí sinh cần được trang bị kiến thức ngôn ngữ đặc trưng để mô tả sự thay đổi (nhóm động từ dùng cho việc mô tả sự thay đổi, và nhóm trạng từ chỉ mức độ và đặc điểm của sự thay đổi) hoặc trình tự trong các qui trình. Trước khi viết, thí sinh cần đọc kỹ những thông tin được cung cấp, hiểu rõ được ý nghĩa của các biểu đồ, biểu bảng, nhận ra được xu hướng chung (overall trend) và xác định những thay đổi đặc biệt quan trọng cần được đề cập. Do thời gian và số lượng từ cho bài viết bị giới hạn, thí sinh cần nhắc kỹ càng khi chọn lựa những thông tin cần đề cập, tránh ôm đồm, đề cập cả những chi tiết nhỏ nhặt, không cần thiết.

Yêu cầu của bài viết 2 cũng tương tự với yêu cầu đặt ra đối với môn Viết ở một số kỳ thi khác như TOEFL. Thí sinh cần nắm rõ rằng bài viết của họ sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau đây: ý tưởng; kết cấu của bài luận; mức độ chính xác trong việc sử dụng từ vựng, cấu trúc ngữ pháp; tính logic và mạch lạc trong việc liên kết các ý tưởng trong bài văn. Tuy rằng mục đích chính của bài viết là để đánh giá khả năng trình bày ý tưởng của thí sinh ở dạng một bài viết, nhưng bản thân bài viết cũng thể hiện vốn kiến thức xã hội của thí sinh thông qua các lập luận, dẫn chứng cũng như thể hiện quan điểm cá nhân của từng thí sinh nhất là ở dạng bài luận tranh cãi. Thông thường vì lý do an toàn, đa số thí sinh chọn giải pháp nước đôi đối với dạng luận tranh cãi. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc thiên về một phía trong dạng luận tranh cãi, nếu được dẫn chứng và lập luận chặt chẽ, vẫn luôn được đánh giá cao hơn giải pháp chọn nước đôi vì thể hiện rõ được quan điểm cá nhân cũng như tư duy phê phán của thí sinh.* Môn Nói: giám khảo phỏng vấn trực tiếp thí sinh từ 11- 14 phút. Thí sinh sẽ được đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh qua 3 giai đoạn: mở đầu với những câu hỏi dạng đối thoại tương đối đơn giản về những chủ đề gần gũi như gia đình, công việc, sở thích, ...; chọn và trình bày về một chủ đề; tranh luận với giám khảo về một số vấn đề ở cấp độ cao hơn và phức tạp hơn.

Hai vướng mắc lớn nhất đối với thí sinh Việt Nam là khả năng phát âm và kỹ năng tổ chức ý tưởng trong khi nói, đặc biệt là ở phần 2. Sau phần trao đổi ở phần 1, thí sinh phải chọn chủ đề (với một số gợi ý các chi tiết cần được đề cập). Thí sinh có 1 phút để chuẩn bị và 2 phút để trình bày. Nên nhớ rằng thời gian trình bày ngắn không có nghĩa là trình bày ít. Thí sinh được đánh giá ở 2 tiêu chí: mức độ lưu loát và chính xác. Mức độ lưu loát thể hiện qua cách trình bày ý tưởng, tổ chức ý tưởng một cách hợp lý, biết nhấn mạnh ở những điểm trọng tâm của chủ đề và mức độ chính xác được thể hiện qua mức độ hợp lý trong việc sử dụng từ vựng, ngữ pháp, và ngữ âm. Đối với phần 2 này, thí sinh cần chú ý đảm bảo bám theo đúng những gợi ý đưa ra trong chủ đề; xác định được điểm trọng tâm quan trọng nhất của chủ đề để nhấn mạnh và phân bố thời gian hợp lý cho phần nội dung đó, xác định được điểm ngữ pháp thiết yếu phải được sử dụng để trình bày chủ đề đó, nhất là về thì. Việc tổ chức ý hợp lý và logic một mặt sẽ giúp thí sinh dễ nhớ, trình bày dễ dàng hơn và giám khảo tiếp nhận những ý tưởng đó một cách dễ dàng hơn.

Tóm lại, việc đầu tiên để chuẩn bị cho kỳ thi IELTS là xác định mục tiêu của từng cá nhân, nắm vững những thông tin về kỳ thi này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thí sinh cần có một nền tảng kiến thức và kỹ năng tiếng Anh tốt song song với việc nắm bắt được những kỹ năng rèn luyện hiệu quả. Cùng với việc tự rèn luyện ở nhà, việc tham gia các khóa luyện thi IELTS cũng tương đối cần thiết vì qua đó, người học sẽ nhìn ra được những điểm yếu cần cải thiện cũng như được rèn luyện các kỹ năng làm bài một cách bài bản hơn, tạo thêm tự tin cho thí sinh khi tham gia kỳ thi chính thức.

DUYÊN KHÁNH (Ghi)

Chia sẻ bài viết