06/04/2015 - 20:28

CHỌN CỤM THI THPT QUỐC GIA 2015

Học sinh cần cân nhắc và lượng sức

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau ngày 30-4, thí sinh sẽ không được thay đổi cụm thi. Vì thế, việc lựa chọn cụm thi được xem là ngã rẽ đầu tiên của thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, chọn cụm thi liên tỉnh do các trường đại học (ĐH) tổ chức với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) hay cụm thi địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì với mục đích chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT. Giữ vai trò định hướng, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố đã tư vấn giúp thí sinh chọn cụm thi theo năng lực và sở trường...

Phân luồng học sinh

Xác định đây là kỳ thi quan trọng với nhiều đổi mới, ngay khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi THPT quốc gia, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều) chọn lọc những thông tin mới về kỳ thi để phổ biến tới phụ huynh và học sinh. Qua đó giúp học sinh và phụ huynh hiểu được mục đích của kỳ thi, hướng dẫn và tư vấn các em đăng ký dự thi chọn cụm thi phù hợp với khả năng của mình.

 Học sinh cần cân nhắc khi lựa chọn cụm thi (Trong ảnh: Giờ học của cô trò Trường THPT Thới Long).

Khác với những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 2 loại cụm thi. Phân loại cụm thi là bước quan trọng nhất đối với hầu hết thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia, nhất là đối với những trường vùng ven. Ban giám hiệu Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ) vận động các em có học lực yếu thi cụm địa phương, tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng và đặc biệt đỡ tốn kém chi phí trong việc đi lại.

Năm nay chỉ có 1 kỳ thi mang tính chất quyết định, Trường THPT Thới Long (quận Ô Môn), đã phân luồng cho học sinh rõ ràng, bằng việc tư vấn học sinh có học lực loại khá có nguyện vọng thi vào trường ĐH, CĐ phải đăng ký dự thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì, còn với học sinh có học lực trung bình, khá vừa chỉ nên đăng ký xét tốt nghiệp THPT cụm này do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Em Trương Tiến Đạt, học sinh lớp 12C2, nói: “Lúc trước em có ý định chọn cụm thi liên tỉnh để thử sức, nhờ tham khảo ý kiến thầy cô, em quyết định chọn cụm thi địa phương. Thi ở cụm liên tỉnh tính cạnh tranh khá cao, vì ai cũng muốn trúng tuyển đại học, nên rất căng thẳng”. Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo cho giáo viên kết hợp phụ huynh học sinh tư vấn chọn lựa đúng những học sinh không đủ khả năng đáp ứng cụm thi liên tỉnh. Căn cứ vào kết quả thi học kỳ 2 sắp tới nhà trường tư vấn thêm lần nữa để các em có quyết định cuối cùng. Thầy Trịnh Đình Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Long, cho biết: “Trước kia không có học sinh đăng ký thi cụm địa phương nhưng từ khi được tư vấn cặn kẽ, các em thay đổi chiều hướng thi cụm địa phương ngày một tăng”.

“Liệu cơm gắp mắm”…

Theo Sở GD&ĐT thành phố, năm nay, dự kiến có 9.397 thí sinh cả 2 hệ tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Sở hướng dẫn các trường định hướng cho các em tùy theo năng lực nguyện vọng và điều kiện gia đình để đăng ký dự thi. Theo nhận định của giáo viên một số trường trên địa bàn thành phố, học sinh chọn lựa cụm thi do ảnh hưởng tâm lý đám đông “bạn thi, mình thi theo”, hoặc theo ý của phụ huynh làm vui lòng cha mẹ, sĩ diện với bạn bè… Qua thông tin thăm dò sơ bộ từ Sở GD&ĐT, đến 30- 3, Cần Thơ có 3.179 thí sinh (2 hệ) đăng ký thi ở cụm thi địa phương, 6.218 thí sinh tham gia cụm thi liên tỉnh. Điều đáng quan tâm là học sinh các trường vùng ven, nông thôn của thành phố ồ ạt chọn cụm thi liên tỉnh. Cụ thể, Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng có 92 học sinh lớp 12, qua khảo sát sơ bộ, có 22 em đăng ký dự thi cụm địa phương. Tuy nhiên theo lãnh đạo nhà trường cho biết chất lượng học tập khối lớp 12 chỉ có 30% học sinh xếp loại khá, giỏi, còn lại là trung bình và yếu. Tỷ lệ đậu ĐH,CĐ hàng năm khoảng 28%. Thầy Lê Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng, nói: “Việc đăng ký lựa chọn cụm thi là quyền của các em, nhà trường với vai trò tư vấn hướng dẫn giúp các em chứ không ép buộc”.

Theo lãnh đạo Trường THPT Thới Long, qua kết quả khảo sát nguyện vọng đăng ký cụm thi của học sinh cho thấy, có 97 em chọn cụm thi địa phương, 158 em thi cụm liên tỉnh; trong khi năm học qua, tỷ lệ đậu ĐH nguyện vọng 1 hơn 10%. còn Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ) có 13 học sinh có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT, có 291 em đăng ký dự thi cụm liên tỉnh vừa đăng ký xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Tương tự Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) có 240 học sinh lớp 12 thì có 165 em đăng ký dự thi cụm liên tỉnh…

Gần 1 tháng nữa mới hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, đây là khoảng thời gian để học sinh suy nghĩ cân nhắc thật kỹ trước quyết định chọn cụm thi phù hợp. Em Nguyễn Lê Kim Thy (học sinh lớp 12A3, Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng, tham dự kỳ thi THPT với mục đích xét công nhận tốt nghiệp, cho biết: Em nhận thấy sức học của em nên định hướng chọn thi cụm địa phương. Em được thi gần nhà và ngay trường đang học sẽ giảm áp lực. Thi cụm liên tỉnh di chuyển nhiều, tốn kém, thêm vào đó thí sinh từ nơi khác đến sẽ căng thẳng, ảnh hưởng tâm lý làm bài. Sau khi tốt nghiệp THPT, em học trung cấp liên thông ĐH, tuy đi đường vòng nhưng chắc chắn”. Với học lực khá nhiều năm liền, em Lâm Hoàng Dương, học sinh lớp 12C2, Trường THPT Thới Long tự tin chọn cụm thi liên tỉnh. Dương cho biết: “Em chọn cụm thi phù hợp với khả năng của mình, không theo xu hướng, uổng công 12 năm vất vả học tập”.

Thầy Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, khuyên: Mỗi thí sinh phải lượng sức mình chọn cụm thi thích hợp, đối với học sinh có học lực trung bình và trên trung bình nên chọn cụm địa phương đạt hiệu quả cao nhất. Tuy là 2 cụm thi nhưng cùng đề, cách thức tổ chức như nhau và tuân thủ đúng quy chế. Điều quan trọng là học sinh lượng sức mình, cân nhắc kỹ, chọn cụm thi địa phương khi tốt nghiệp vẫn có cơ hội vào đại học. Hiện có khoảng 150 trường đề án tuyển sinh riêng, chấp nhận xét tuyển thí sinh thi ở cụm địa phương hoặc sau tốt nghiệp THPT học sinh có thể học trung cấp sau đó liên thông lên ĐH.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết