10/11/2021 - 16:25

Hoàn thiện thể chế, tận dụng tốt hơn các cơ hội từ CPTPP 

Sáng 10-11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Hoạt động Xây dựng Pháp luật thực thi CPTPP - Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” bằng hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform). Các đại biểu, chuyên gia dự hội thảo đã chia sẻ nhiều vấn đề trong xây dựng luật, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và đề xuất các hàm ý chính sách để tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các FTA (Hiệp định thương mại tự do) mang lại.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc hội thảo.

Nhiều thách thức mới từ CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện có 11 nước thành viên, gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam được gần 3 năm và nhiều doanh nghiệp (DN) đã tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu sang thị trường các quốc gia tham gia hiệp định. Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang 6 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP (Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore) đều đạt mức tăng trưởng cao, đạt 25,3 tỉ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2020; mức xuất siêu của Việt Nam là 1,44 tỉ USD. Nhiều DN đã tận dụng được cơ hội từ các thị trường mới như: Mexico và Canada. Nhưng cũng có DN lỡ cơ hội thị trường, do quá trình soạn thảo luật, triển khai các văn bản luật còn chậm.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Theo các chuyên gia, CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam. Vì vậy, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Việc tổng kết quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã triển khai, đánh giá những thành công và bất cập, nhận diện những nguyên nhân liên quan có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cơ sở để Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm trực tiếp cho giai đoạn tiếp theo của quá trình thực thi các cam kết có lộ trình dài hơn, có nội dung thử thách hơn của CPTPP. Đồng thời, những hàm ý chính sách, từ đây có thể là kim chỉ nam hữu ích cho các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho biết: CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật (XDPL) thực thi cam kết ở phạm vi rộng. CPTPP đặt ra nhiều vấn đề khác hẳn với các FTA khác. Nó không chỉ bao gồm các cam kết thương mại biên giới, mà còn gồm các hoạt động đằng sau đường biên giới và cam kết cao hơn WTO; bao trùm các khía cạnh phát triển bền vững, như: lao động, môi trường… mà các FTA trước đây chưa đề cập. Nhìn chung, các VBQPPL thực thi CPTPP của Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ với đối tác; các DN đã tận dụng tốt cam kết từ hiệp định, đạt lợi ích. Tuy nhiên cũng có nhiều DN tiếc nuối, mất cơ hội vì quá trình ban hành văn bản luật chậm, vẫn còn vướng mắc trong quá trình xây dựng luật.

Cần hoàn thiện thể chế

Ông Charles Thursby-Pelham, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, khẳng định: “CPTPP sẽ tạo chuyển biến mạnh về thương mại và đầu tư cho Việt Nam. Hiệp định cũng sẽ tạo bước chuyển về phát triển thương mại điện tử và mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia các hoạt động thương mại nhiều hơn với các quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN. Vì vậy, cần tạo môi trường công bằng, minh bạch trong xây dựng hệ thống luật. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam thực thi hiệp định”.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập báo cáo tham vấn tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, quá trình xây dựng luật của Việt Nam đã mang tính chủ động hơn. Ông ví von: “Trước đây, xây dựng luật theo triết lý “vừa thiết kế, vừa thi công”, còn bây giờ thì “thiết kế rồi mới thi công”. Còn việc các văn bản luật chậm tiến độ, có nhiều lý do chậm, nhưng quan trọng nhất là đầu tư nguồn lực không đầy đủ (cả về nhân lực lẫn kinh phí) cho quá trình xây dựng pháp luật. Vì vậy, cần đầu tư bài bản, đầy đủ hơn; đồng thời dự kiến các nguồn lực để nghiên cứu các văn bản với tầm nhìn xa hơn.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách Thương mại quốc tế (VCCI) đặt ra vấn đề làm sao có thể XDPL vượt lên trên cam kết để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN hội nhập hiệu quả. Việt Nam đã rất chủ động trong thực thi các cam kết quốc tế trên cơ sở lợi ích quốc gia. Hiện có 13 FTA đã có hiệu lực và đang đàm phán thêm 2 FTA. Chúng ta đi từ hội nhập đơn giản đến phức tạp và các FTA thế hệ mới đánh dấu sự chủ động của Việt Nam trong các đàm phán. Nhưng để tận dụng tối đa các cơ hội từ các FTA, nhất là CPTPP thì trong quá trình xây dựng pháp luật cần có sự tham gia của nhiều đối tượng trong xã hội, nhất là cộng đồng DN và người dân. Đồng thời, cần công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật.

Tổng hợp của VCCI cho thấy theo các dự kiến và kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành thì có 7 Luật, 6 Nghị định và 6 Thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới. Các hoạt động XDPL này dự kiến chia làm 2 đợt: đợt đầu thực hiện với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và đợt sau thực hiện với các cam kết CPTPP có lộ trình muộn hơn. Rà soát của VCCI thực hiện với tổng cộng 11 VBQPPL được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 4 văn bản được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019-2021.

Về các VBQPPL được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay, tất cả 11 văn bản (bao gồm 2 Luật, 2 Nghị định và 7 Thông tư, thực thi 63 nhóm cam kết CPTPP về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động) đều đảm bảo phù hợp với Hiến pháp Việt Nam. Phần lớn các quy định trong các VBQPPL này đều tương thích với cam kết CPTPP mà chúng “nội luật hóa”. Thậm chí một số quy định có nội dung vượt chuẩn cam kết, thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn (chủ yếu liên quan tới quy trình đấu thầu gói thầu CPTPP). Chỉ có một trường hợp quy định chưa đủ để bảo đảm thực thi các cam kết CPTPP trên thực tế (về lao động) và do đó cần được điều chỉnh để đảm bảo tuân thủ.

Các chuyên gia dự phiên tọa đàm tại hội thảo.

Mặc dù có “độ trễ” về mốc ban hành (ngày 14-1-2019 theo yêu cầu CPTPP), nhưng tất cả các văn bản này đều bảo đảm hiệu lực thực thi từ 14-1-2019 theo đúng cam kết, bằng nhiều cách thức khác nhau như hồi tố thời điểm hiệu lực, ban hành văn bản hướng dẫn thực thi tạm thời. Về tính minh bạch, tất cả các văn bản đều được công khai dự thảo để lấy ý kiến của công chúng, nhưng đa số không kèm theo bất kỳ tài liệu giải thích/giải trình nào cũng gây khó khăn nhất định cho việc tìm hiểu và góp ý của các chủ thể liên quan. Bên cạnh đó, các văn bản đều được thiết kế hợp lý, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm khả thi trên thực tế, nhưng vẫn gây ra một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai (nhất là liên quan tới các quy định về quy tắc xuất xứ, xác minh xuất xứ, đấu thầu quyền nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng).

Theo rà soát của VCCI, về các hoạt động XDPL chuẩn bị cho việc thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình, các quy định tại cả 4 dự thảo VBQPPL (3 Luật và 1 Nghị định, nhằm thực thi 11 nhóm cam kết CPTPP có lộ trình thực thi từ 2022-2024 về mở cửa thị trường hàng hóa, sở hữu trí tuệ, lao động) đều bảo đảm tương thích với yêu cầu cam kết.

Từ thực tế rà soát, VCCI cũng khuyến nghị, để đảm bảo tính hiệu quả của các văn bản luật, thì trong giai đoạn rà soát trước khi trình Quốc hội ban hành cần có cách tiếp cận liên ngành, bao trùm toàn bộ hệ thống pháp luật. Trong đó, nhấn mạnh vai trò thẩm định, tham gia sâu của Bộ Tư pháp, đặc biệt là những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. Cơ quan soạn thảo cần đặc biệt chú trọng hoạt động tham vấn DN và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo, thông tin cung cấp cho DN nên bao gồm không chỉ dự thảo văn bản mà còn các tài liệu thuyết minh và giải trình. Việc soạn thảo nội dung cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký kết chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn. Quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, và thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết. Cuối cùng, các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA cần được xem xét mở rộng mục tiêu, xây dựng pháp luật không chỉ để tuân thủ cam kết mà còn để đáp ứng chính nhu cầu nội tại của Việt Nam trong quá trình hội nhập FTA.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết