Khi tham gia các quan hệ kinh tế, việc xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mong muốn của nhiều doanh nghiệp khi có tranh chấp về kinh tế là vẫn đảm bảo tốt nhất quyền lợi các bên, không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên và mức chi phí thấp nhất. Vì vậy, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng, trong đó phương thức hoà giải thương mại là một trong những phương thức tối ưu để giải quyết tranh chấp. Vừa qua, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ đã phối hợp cùng với Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) tổ chức buổi Tọa đàm nghiệp vụ về “Vai trò của luật sư trong hòa giải thương mại”.
Các đại biểu trao đổi về vai trò của luật sư trong hòa giải thương mại.
Hòa giải là một quy trình linh hoạt được thực hiện thông qua một người trung gian nỗ lực hỗ trợ các bên để tìm ra một giải pháp giải quyết xung đột, trong đó các bên hoàn toàn chủ động trong việc quyết định việc hòa giải và cơ chế hòa giải. Toàn bộ quy trình và thông tin của quá trình hòa giải được bảo mật tuyệt đối. Theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định. Hòa giải viên Phan Trọng Đạt, Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), chia sẻ: "Hòa giải phải tuân theo nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng; bí mật thông tin, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác; thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền lợi của bên thứ 3. Việc thỏa thuận hòa giải được thực hiện trước, sau và trong quá trình giải quyết tranh chấp. Theo đó, hòa giải chỉ hỗ trợ các bên tìm ra giải pháp, đưa ra lịch làm việc gợi ý, hướng dẫn các bên tìm ra cách giải quyết. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, không có bất cứ tài liệu nào được ký".
Khi đạt được kết quả hòa giải thành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, các bên có thể tự nguyện thực hiện kết quả hòa giải thành đó mà không phải thực hiện thêm bất cứ một thủ tục nào. Tuy nhiên, để bảo đảm rằng mỗi bên sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo kết quả hòa giải thành, các bên cũng có thể yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành đó. Kết quả hòa giải thành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được tòa án công nhận có thể được cưỡng chế thi hành như bản án có hiệu lực của tòa án hay phán quyết trọng tài. Kết quả hòa giải được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Kết quả hòa giải thành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được xem xét công nhận theo quy định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án.
Luật sư Võ Hoàng Tâm trao đổi xung quanh công tác hòa giải thương mại.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2022, cả nước có 343 hòa giải viên thương mại (139 hòa giải viên của Trung tâm hòa giải thương mại; 204 hòa giải viên của Trung tâm trọng tài có đăng ký hoạt động hòa giải thương mại). Trong năm 2021 cả nước có 27 vụ việc thực hiện hòa giải (hòa giải thành 3 vụ việc). Hòa giải viên Phan Trọng Đạt cho biết: "Để hòa giải thương mại phát triển hơn nữa và thực sự được các doanh nghiệp sử dụng nhiều, cần đẩy mạnh tuyên truyền về tính hiệu quả của phương thức này so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Các luật sư, luật gia là những người cần hiểu toàn diện về phương thức hòa giải này vì họ chính là trung gian tư vấn và thuyết phục khách hàng của mình sử dụng hòa giải thương mại trước khi tranh chấp phát sinh. Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Là quốc gia đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng lựa chọn hoà giải thương mại là phương thức tối ưu trong giải quyết tranh chấp thương mại".
Theo Luật sư Võ Hoàng Tâm, Luật sư Điều hành Cilaf&Partners, hòa giải thương mại hiện nay thực hiện theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, đây là cơ sở pháp lý hòa giải thương mại tại Việt Nam cũng như xác định được khá rõ địa vị pháp lý của chủ thể hòa giải thương mại, trong đó có liên quan đến vai trò của luật sư. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp mang lại nhiều lợi ích kinh tế và hành chính cho các bên. Bên cạnh việc giải quyết tranh chấp nhanh chóng, tinh gọn, hiệu quả, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh tự do, năng động, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hoà giải thương mại còn giúp giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp.
Bài, ảnh: Hoàng Yến