Hưởng ứng phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp”, các cấp bộ Đoàn, Hội LHTNVN quận Ninh Kiều đã phối hợp hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong nghề nghiệp, việc làm. Đồng thời, củng cố nhiều mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ.
Chị Tô Thị Cẩm Nhung và các sản phẩm chế biến từ trái khế.
Ban Thường vụ (BTV) Quận đoàn thường xuyên phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ tổ chức tư vấn các lớp nghề và giới thiệu việc làm ĐVTN là bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức tư vấn nghề cho 165 ĐVTN. Ban tổ chức hỗ trợ ĐVTN tìm hiểu, cập nhật thông tin đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, việc làm trên các lĩnh vực; các chính sách, quyền lợi khi tham gia học nghề, nhu cầu việc làm hiện nay; giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của ĐVTN liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp, việc làm... Anh Lê Trung Hiếu, Phó Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN quận Ninh Kiều, cho biết: “BTV Quận đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.109 lượt ĐVTN và học sinh; giải quyết việc làm cho 342 thanh niên…”.
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn, Hội quận Ninh Kiều đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ĐVTN trong khởi nghiệp, như hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, giới thiệu tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quảng bá sản phẩm… Các đơn vị phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ ĐVTN làm các đề án vay vốn, tìm thị trường; tham vấn, kiến nghị, chính sách về khởi nghiệp đối với ĐVTN; duy trì có hiệu quả các tổ hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, lập nghiệp trong ĐVTN...
ĐVTN quận Ninh Kiều đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế, như làm tranh từ gạo, làm mứt khế, kinh doanh dịch vụ photocopy, nước giải khát, cửa hàng Internet… Nổi bật trong đó là mô hình khởi nghiệp từ các sản phẩm làm từ trái khế của chị Tô Thị Cẩm Nhung, ở phường An Phú. Năm 2013, chị Nhung bắt đầu làm mứt khế để bán cho bạn bè. Sau đó, chị đã tìm tòi, nghiên cứu làm thêm nhiều sản phẩm khác như nước khế lên men, nước khế tươi, trà ngâm khế… Đầu năm 2024, chị Nhung đưa ra thị trường sản phẩm nước chấm hải sản. Chị còn tận dụng những phế phẩm của trái khế để tạo chế phẩm sinh học đa năng, dùng để rửa trái cây, rửa rau, khử mùi tanh của thịt cá, tẩy rong rêu...
Hiện nay, cơ sở kinh doanh các sản phẩm làm từ trái khế của chị Cẩm Nhung đã có lượng khách hàng ổn định ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Hơn một năm qua, các sở, ban, ngành thành phố và Quận đoàn, Hội LHTNVN quận Ninh Kiều đã hỗ trợ chị Nhung trong các chương trình, hội nghị của tổ chức Đoàn, Hội; các ngày hội khởi nghiệp; kết nối với ĐVTN có các dự án khởi nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm… “Sau các chương trình về khởi nghiệp, tôi đã được nhiều bạn bè, đơn vị hỗ trợ cách bảo quản sản phẩm lâu hơn, cải thiện mẫu mã, bao bì, kiểm soát chất lượng sản phẩm… Tôi mạnh dạn phối hợp trồng cây khế nguyên liệu tại các khu du lịch sinh thái. Sắp tới, tôi sẽ phát triển sản phẩm tại khu du lịch và kinh doanh cây khế bon sai, phong thủy” - chị Cẩm Nhung cho biết.
Theo anh Lê Trung Hiếu, Phó Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN quận Ninh Kiều, nhằm tạo lập môi trường nuôi dưỡng khát vọng, tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp trong ĐVTN quận, BTV Quận đoàn, Hội LHTNVN quận phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”; chỉ đạo duy trì các nhóm tư vấn việc làm tại chỗ và lưu động gắn liền với hoạt động của Đoàn, Hội… Thời gian tới, BTV Quận đoàn, Hội LHTNVN quận tiếp tục phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN; phối hợp với các đơn vị tổ chức lớp đào tạo nghề thiết kế đồ họa; củng cố, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN; phối hợp giúp ĐVTN tiếp cận nguồn vốn trong lập nghiệp, khởi nghiệp...
Bài, ảnh: PHẠM TRUNG