06/09/2017 - 09:38

Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng 

Huyện Vĩnh Thạnh hiện có gần 200 đối tượng được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống. Đa phần trong số họ trình độ học vấn còn hạn chế, chưa có việc làm ổn định, nguy cơ tái phạm rất cao nếu không được quản lý, giáo dục tốt và có các biện pháp giúp các đối tượng hoàn lương, hòa nhập cộng đồng…

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Trinh thường xuyên thăm hỏi các đối tượng.

Nhiều năm qua, xã Vĩnh Trinh huyện Vĩnh Thạnh được biết đến là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), tệ nạn xã hội, nhất là mại dâm, ma tuý, số đề, cờ bạc,… Xã có đến 60 đối tượng được đặc xá, tù tha về, rất có nguy cơ tái phạm tội nếu không được quản lý, giáo dục tốt. Xuất phát từ thực tế trên, xã Vĩnh Trinh một mặt kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, một mặt xây dựng mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng” nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Đầu năm 2017, Ban chỉ đạo 138 xã, đã chỉ đạo lực lượng công an rà soát các đối tượng đặc xá, tha tù và lập hồ sơ quản lý, tham mưu UBND xã ra quyết định giao 17 đối tượng cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trực tiếp cảm hoá và giáo dục. Hội Cựu chiến binh xã được giao cảm hóa và giáo dục 3 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Ông Bùi Văn Thọ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Trinh nói: “Chúng tôi với vai trò vừa là người cha, người chú vừa là bạn bè để giải thích, khuyên răn giúp các em, cháu tiến bộ, làm ăn lương thiện để cha mẹ vui lòng”. Hội Liên hiệp phụ nữ xã được giao quản lý, giáo dục 5 đối tượng tù tha về. Cùng với tuyên truyền, giáo dục, Hội đã lập dự án vay vốn giúp các đối tượng tổ chức sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ, cải thiện cuộc sống gia đình.

Ông Huỳnh Văn A. (sinh năm 1964, ở ấp Vĩnh Thành), một trong những đối tượng lầm lỗi bộc bạch: “Trước đây, do suy nghĩ nông cạn nên tôi đã vi phạm pháp luật. Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về, tôi mặc cảm với gia đình và xã hội. Được sự quan tâm gần gũi của cán bộ ban, ngành, đoàn thể và giới thiệu cho tôi vay 10 triệu đồng, tôi có vốn mua bán, tạo nguồn thu nhập ổn định. Tôi sẽ cố gắng trở thành công dân tốt và cùng vận động những hoàn cảnh như tôi sớm thức tỉnh, hoàn lương”. Chị Trần Thị Thơi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Trinh nói: “Để cảm hóa được người lầm lỗi, phải chịu khó, thường xuyên gặp gỡ các đối tượng để khuyên giải, động viên và tuỳ theo từng hoàn cảnh cụ thể  mà để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, như vậy mới đạt được kết quả tốt”…

Thấy được hiệu quả từ mô hình ở xã Vĩnh Trinh, Ban chỉ đạo 138 huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai nhân rộng mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng” ra toàn địa bàn huyện. Thượng tá Lê Văn Bảy,  Phó Trưởng công an huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Để thực hiện tốt mô hình, Ban chỉ đạo 138 huyện Vĩnh Thạnh ra quyết định thành lập Tổ xây dựng mô hình và ban hành Quy chế phối hợp, phân công cụ thể trách nhiệm các thành viên. Công an huyện chỉ đạo lực lượng công an các xã, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục các đối tượng để họ tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội, tạo điều kiện để họ có việc làm ổn định”.

Bài, ảnh: MINH HẢI

Chia sẻ bài viết