25/01/2024 - 09:02

Henderson “vỡ mộng” tại Saudi Arabia 

Theo truyền thông Anh, tiền vệ Jordan Henderson vẫn chưa nhận được đồng nào sau 6 tháng thi đấu cho CLB Al Ettifaq ở giải vô địch quốc gia Saudi Arabia (SPL) do bị trả lương chậm.

Henderson (phải) lúc còn thi đấu ở Saudi Arabia. Ảnh: Getty Images

Vào hè 2023, giống như nhiều ngôi sao khác, Henderson chấp nhận rời châu Âu để gia nhập Al Ettifaq tại SPL theo bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, mang về cho anh 350.000 Bảng/tuần. Nhưng đến nay, Henderson vẫn chưa được trả lương cho 19 lần ra sân và thậm chí có thể mất luôn khoản này.

Theo tờ Telegraph, chậm trả lương là một phần để Henderson có thể trở lại quê nhà thi đấu cho đội tuyển Anh trong ngắn hạn. Luật của Anh quy định mỗi người ở lại nước này hơn 90 ngày sẽ được tính là công dân phải đóng thuế. Với việc thường xuyên hồi hương thi đấu cho đội tuyển quốc gia cũng như thăm người thân và bạn bè, Henderson có thể vượt qua số ngày nói trên, vì vậy anh quyết định nhận lương chậm ở Al Ettifaq. Henderson cũng đã được khuyên không nên ở Anh quá 3 tuần mỗi đợt, nhưng vấn đề này vẫn gây rắc rối cho tiền vệ 33 tuổi về việc đóng thuế và ảnh hưởng tới chuyện nhận lương từ Al Ettifaq. Lương cầu thủ ở Saudi Arabia không bị đánh thuế thu nhập cá nhân nếu tuân thủ 2 năm đầu trong hợp đồng, ngược lại sẽ phải chịu mức thuế 20%. Ðây là mức thấp so với 47% mà Anh áp dụng đối với người có thu nhập hàng năm trên 125.140 Bảng và mức 49,5% ở Hà Lan.

Henderson vừa quyết định chấm dứt hợp đồng với Al Ettifaq, đội hiện đứng vị trí thứ 8/18 tại SPL, để đầu quân cho CLB Ajax Amsterdam ở giải vô địch quốc gia Hà Lan. Phía Al Ettifaq thấu hiểu lý do “quay xe” của Henderson nên cũng không yêu cầu anh bồi thường hợp đồng.

Không hài lòng với cuộc sống ở Saudi Arabia là một trong những lý do chính khiến cựu thủ quân Liverpool quyết định trở về châu Âu. Nhiều ngôi sao như Roberto Firmino, Jota và Karim Benzema cũng đang tìm đường rời quốc gia vùng Vịnh, nơi có thời tiết khắc nghiệt với nắng nóng gay gắt. Các CLB tại đây tập luyện vào buổi tối do thời tiết nắng nóng vào ban ngày, với nhiệt độ thường lên tới 40 độ C ở một số vùng.

Những khán đài trống vắng cũng đã góp phần làm “vỡ mộng” của các cầu thủ. Sân nhà của Al Ettifaq có sức chứa 35.000 chỗ ngồi, nhưng hiếm khi khán giả lấp đầy 1/5 số ghế. Trong một trận đấu cuối năm ngoái, Henderson cùng các đồng đội phải ra sân trước vỏn vẹn 610 cổ động viên trên khán đài. Henderson vốn quen với việc thi đấu tại sân Anfield của Liverpool với 50.000 chỗ ngồi cùng bầu không khí náo nhiệt bậc nhất châu Âu. Cảm xúc của cầu thủ bị ảnh hưởng rất nhiều nên dễ dẫn đến những màn trình diễn không như ý.

Ngoài ra, đời sống xã hội khác biệt tại Saudi Arabia cũng là trở ngại cho các cầu thủ và gia đình. Bạn gái hay vợ theo chân các cầu thủ tới Saudi Arabia về mặt pháp lý không được phép ra ngoài một mình ở nơi công cộng, trừ trường hợp đặc cách của bạn gái Cristiano Ronaldo là Georgina Rodriguez. Phụ nữ tại Saudi Arabia hiếm khi lái xe dù lệnh cấm toàn diện đã được dỡ bỏ vào năm 2018. Tất cả người dân và du khách cũng bị cấm uống rượu. 

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết