12/12/2013 - 21:28

Hãy thể hiện tình yêu với cha mẹ

Bằng nét vẽ ngộ nghĩnh, bộ truyện tranh kể về kỷ niệm thời ấu thơ, công ơn dưỡng dục, tình yêu tha thiết của một nữ sinh viên đối với cha mẹ được lan truyền trên mạng xã hội gần đây khiến nhiều người xúc động. Thế nhưng, theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ sẽ hạnh phúc gấp bội nếu bạn trẻ mạnh dạn thể hiện tình cảm với đấng sinh thành bằng những cử chỉ, lời nói và hành động cụ thể, trực tiếp… Vậy tại sao đa số thanh thiếu niên vẫn e ngại khi thể hiện tình cảm với cha mẹ?

* Yêu thương cha mẹ - sao còn e ngại?

Giữa khuya, ông Tâm (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) trở bệnh nặng khiến cả nhà cuống cuồng đưa ông lên bệnh viện tuyến trên ở Cần Thơ cấp cứu. Thanh Duy - con trai duy nhất của ông, hiện đang làm nhân viên tiếp thị nước giải khát tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), tất bật thu xếp công việc để vào bệnh viện thăm ông. Ngồi trước phòng hồi sức cấp cứu, anh cứ đi lại, mặt hiện rõ sự lo lắng bởi tuổi ông Tâm đã cao, sức khỏe ngày càng yếu. Sau ca phẫu thuật thành công, thấy có mặt Duy, mắt ông Tâm lấp lánh niềm vui. Thời gian nằm bệnh, mọi sinh hoạt ông nhất quyết yêu cầu người con trai đỡ đần, thế nhưng vốn là người nóng tính lại vụng về nên Duy thường cáu gắt mỗi khi ông không chịu uống thuốc hoặc ăn uống. Duy kể: "Mỗi lần ăn uống, hai cha con thường cự cãi với nhau bởi ông rất khó tính". Biết cha tính khí thay đổi thất thường, thay vì mềm mỏng khuyên thì cách ứng xử nóng tính của Duy như đổ thêm dầu vào lửa. Dù rất thương cha, nhưng với Duy để thốt lên những lời yêu thương hay tỏ vẻ chiều chuộng ông lại là một cực hình. "Nhiều người khuyên tôi chăm sóc người già cần chiều chuộng, nhưng sao tôi cảm thấy ngại ngại sao ấy!" - Duy tâm sự.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều, tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề: “Rèn nhân cách cho học sinh”.  

Không riêng Duy, tâm lý chung của không ít bạn trẻ hiện nay là dù rất yêu thương, nhưng lại không dám bày tỏ tình cảm với cha mẹ mình. Một số bạn trẻ khi được hỏi có thường thể hiện tình cảm với phụ huynh, chỉ cười nói: "Thôi, sến quá!" hoặc "Cũng muốn nhưng chẳng dám vì thấy ngại". Nguyễn Thị Tuyết Mai, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Cần Thơ) bộc bạch: "Đã rất lâu rồi chưa một lần nói những lời yêu thương, hay mua một bó hoa, một món quà… dành tặng cha mẹ". Đến khi trở thành sinh viên năm thứ 3, Mai nhận ra điều ấy là không tốt. Vì vậy, cuối tuần, Mai đều sắp xếp việc học, tranh thủ về quê thăm cha mẹ. Vào những dịp lễ, Tết, cô đều mua quà hoặc vài hộp bánh ngon cho người thân gia đình. Có thể giá trị những phần quà chưa nhiều, nhưng Mai cảm nhận cha mẹ cô rất vui trước tấm lòng hiếu thảo của con gái.

Trao đổi về cách thể hiện tình cảm với cha mẹ, Nguyễn Thị Ánh Tuyết (nhân viên quảng cáo tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tâm sự: "Từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ, ông bà dạy bảo phải biết ơn và luôn yêu thương cha mẹ". Với Tuyết, những câu "con yêu bà", "con yêu mẹ" hoặc những hành động thể hiện sự hiếu thảo, yêu thương các đấng sinh thành là văn hóa, nét đẹp góp phần giúp mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái thêm gắn kết. Trong khi đó, một số bạn bè của Tuyết tỏ vẻ mỉa mai những lời "có cánh" của cô là "sến", không cần thiết.

Hiện tượng trên dần khá phổ biến đến nỗi trên Facebook, một nhóm bạn trẻ đã thành lập Hội những người yêu mẹ cha mà không nói nên lời, với hơn 6.700 thành viên, bao gồm cả những bạn trẻ đang sống bên cạnh gia đình lẫn tự lập. Hầu hết đều cho rằng dù thương cha mẹ vô cùng, nhưng không thể nói ra bằng lời, cảm thấy khó khăn và vụng về mỗi khi bày tỏ tình cảm trực tiếp, nên phải nhờ đến những dòng tâm sự, thổ lộ để chuyển tải những thông điệp yêu thương. Điển hình như gần đây, bộ truyện tranh được một bạn trẻ có nick name "Phở Ngon" đăng lên mạng, gây xúc động cho nhiều cư dân mạng, đặc biệt là những sinh viên đang học tập xa nhà. Nhân vật chính của câu chuyện là một nữ sinh ngành mỹ thuật. Cô bạn có tuổi thơ hạnh phúc, được cha mẹ yêu thương và lớn lên bình dị như bao đứa trẻ khác. Dù ở xa gia đình nhưng cô luôn nhớ tới công ơn của mẹ cha, dành tình yêu cho những người thân của mình. Câu chuyện của nữ sinh như nói hộ tấm lòng của biết bao người trẻ, thể hiện tình cảm thương nhớ của những người con xa hướng về gia đình.

* Hành động cụ thể vẫn hơn

Ông Ngô Thành Thuận, chuyên viên tư vấn tâm lý Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ cho rằng, trong cuộc sống đô thị hiện đại, hầu hết các bậc phụ huynh bận rộn với công việc, trong khi người trẻ dành phần lớn thời gian cho học tập, từ đó việc trao đổi trực tiếp giữa cha mẹ và con cái dần thưa thớt hơn. Đa số thanh thiếu niên sợ sự ràng buộc của cha mẹ nên nhiều bạn khá e ngại khi tâm sự với cha mẹ. Việc trao đổi, giao tiếp thường xuyên với cha mẹ sẽ giúp tình cảm cha mẹ - con cái thêm gắn bó, dần dà cha mẹ đóng vai trò như người bạn sẵn sàng lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của con cái. Mối quan hệ gần gũi, đồng cảm giúp thanh thiếu niên không còn khoảng cách với cha mẹ, mạnh dạn thể hiện tình cảm với các đấng sinh thành. Tuy nhiên, theo ông Thuận, người trẻ nên chủ động bày tỏ sự yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ bởi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của người con. Hơn nữa, việc giữ khoảng cách với cha mẹ sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của thanh thiếu niên. Từ đó có thể dẫn đến sự vô cảm, lối sống thiếu trách nhiệm, chỉ biết chăm bẵm cho nhu cầu bản thân…

Chia sẻ về trào lưu người trẻ thể hiện tình cảm với cha mẹ trên mạng xã hội gần đầy, ông Thuận đánh giá đó là biểu hiện tình cảm thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, người trẻ cần hiểu có thể những tâm sự, tình cảm chân thành của họ sẽ không đến được với các đấng sinh thành. "Thiết nghĩ, hiếu thảo với cha mẹ cần thể hiện ở những hành động cụ thể, trực tiếp sẽ tốt hơn" - ông Thuận chia sẻ. Tuy không phản đối cách làm của những bạn trẻ trên, nhưng theo Nguyễn Thị Tuyết Mai, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Cần Thơ), khoảng cách giữa con cái và cha mẹ ngày càng lớn, thế nên bản thân mỗi người trẻ cần tạo sự gắn bó thông qua các hoạt động, như: Giúp cha mẹ làm việc nhà, thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe cha mẹ, tặng quà cho cha mẹ nhân dịp lễ, Tết…

Theo các chuyên gia tâm lý, khi người trẻ trực tiếp thể hiện tình cảm với cha mẹ không những giúp các bậc phụ huynh cảm thấy hạnh phúc hơn, mà còn hiểu rõ suy nghĩ của con cái. Mối quan hệ gắn bó, đồng cảm sẽ giúp người trẻ ý thức hơn về trách nhiệm bản thân, đồng thời định hướng lối sống lành mạnh, đời sống tâm lý ổn định hơn.

Bài, ảnh: DÂN AN

Chia sẻ bài viết