21/01/2014 - 09:00

DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Hay nhưng khó về nguồn lực

Bên cạnh tiếng mẹ đẻ, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp…) có vai trò rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hội nhập nền kinh tế quốc tế hiện nay. Xác định tầm quan trọng này, ngành giáo dục TP Cần Thơ đã xây dựng Đề án và đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện việc dạy và học ngoại ngữ một cách đồng bộ, chất lượng. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

* Thổi thêm luồng gió mới…

Chị Mỹ Phượng, ở quận Ninh Kiều, có con trai đang học lớp 12 Trường THPT Châu Văn Liêm, nói: "Ngay từ học cấp I, tôi đã cho cháu học thêm tiếng Anh. Tôi hy vọng cháu có thể nghe nói thành thạo tiếng Anh để có thể học ngành Du lịch, theo sở thích của cháu. Quan trọng hơn, tôi nghĩ, tiếng Anh là tiếng thông dụng và quan trọng sau này". Cùng suy nghĩ với chị Phượng, chị Nguyễn Kim Loan, có con gái học lớp Lá, nói thêm: "Vợ chồng tôi từ Úc về Việt Nam gần nửa năm nay. Vì sợ con quên tiếng Anh tôi đăng ký cho cháu học thêm ngoại ngữ. Tuổi nhỏ, cháu tiếp thu nhanh ngoại ngữ. Sau này, khi cháu học phổ thông, tôi sẽ cho cháu học lớp song ngữ".

Trong khuôn khổ Hội thi Hùng biện tiếng Anh học sinh phổ thông khu vực ĐBSCL tại Trường Phổ thông Thái Bình Dương, nhiều hoạt động giao lưu, trò chơi giúp học sinh rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp (trong đó có ngoại ngữ).

Mong muốn cho con học thêm ngoại ngữ là tâm lý chung của các bậc phụ huynh. Nhất là trong giai đoạn hội nhập hiện nay thì ngoại ngữ càng đóng vai trò quan trọng. Vì thế, nhiều năm qua, ngành giáo dục TP Cần Thơ đã triển khai, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường. Tháng 7-2013, UBND thành phố ký Quyết định phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Đề án). Tổng kinh phí thực hiện đề án trên 200 tỉ đồng, với mục tiêu đến năm 2020, đa số học sinh TP Cần Thơ tốt nghiệp THPT có khả năng sử dụng tiếng Anh, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Theo ông Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, trong quá trình triển khai Đề án, về mặt pháp lý, ngành đã tham mưu với UBND TP Cần thơ để có cơ sở thực hiện. Những năm qua, ngành cơ bản hoàn thành việc khảo sát, đánh giá trình độ giáo viên ngoại ngữ theo khung tiêu chuẩn châu Âu. Từ đó, có kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, qua việc phối hợp với các đơn vị đào tạo trong và ngoài nước. Ông Lợi nói: "Bên cạnh đó, ngành còn tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy ngoại ngữ như máy ghi âm, máy tính, phòng học ngoại ngữ, bảng tương tác… Năm học 2013-2014, ngành cơ bản trang bị bảng tương tác cho các trường THCS trên địa bàn TP Cần Thơ…".

Để phát triển ngoại ngữ, cần phải có môi trường học tập để giáo viên học sinh phát huy tối đa ngoại ngữ. Do đó, Sở GD&ĐT đã vận động nguồn xã hội hóa để tổ chức Hội thi hùng biện tiếng Anh, với sự tham gia của các trường bạn ở ĐBSCL; huy động các công ty phần mềm hỗ trợ các trường triển khai thực hiện đề án… Thầy Trần Thiện Nam, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, cho biết: "22 năm công tác, tôi thấy việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay có thay đổi rõ nét, nhất là từ khi triển khai Đề án vào các trường phổ thông. Trước đây, với phương pháp giảng dạy cũ, học sinh chuyên về ngữ pháp thì nay chú trọng phát triển kỹ năng nghe - nói nhiều hơn. Bản thân giáo viên phải tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn hơn để có thể thực hiện giảng dạy theo phương pháp mới. Cũng nhờ ngành và trường tạo điều kiện để chúng tôi tham gia các khóa học ngoại ngữ nên có điều kiện giảng dạy tốt hơn". Trường THPT Nguyễn Việt Hồng có 13 giáo viên dạy ngoại ngữ (trong đó, có 2 giáo viên tiếng Pháp và 11 giáo viên tiếng Anh) tham gia giảng dạy 1.389 học sinh/37 lớp.

Theo cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, nhiều năm nay, trường chú trọng giảng dạy môn ngoại ngữ. Song, từ khi Đề án triển khai xuống các trường như tiếp thêm "luồng gió mới" thúc đẩy phong trào dạy và học ngoại ngữ của trường ngày càng phát triển. Hiện nay, trường có 1.824 học sinh. Trong đó có trên 1.700 học sinh học tiếng Anh (38 em học lớp tiếng Anh thí điểm theo Đề án). Để phục vụ công tác dạy và học ngoại ngữ, trường đã tạo mọi điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay, trong số 116 cán bộ, giáo viên của trường Châu Văn Liêm có 13 giáo viên dạy ngoại ngữ.

* Vẫn còn băn khoăn

Không thể phủ nhận hiệu quả dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông mà ngành giáo dục triển khai thời gian qua. Thế nhưng, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên vẫn băn khoăn khi Đề án triển khai đến các trường gặp khó khăn không ít. Thầy Trần Thiện Nam nói: "Dù nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhưng vừa học tập, vừa giảng dạy nên chúng tôi khó chu toàn. Đôi lúc, việc học tập không như mong muồn. Đáng quan ngại hơn là ý thức học ngoại ngữ của học sinh. Các em chưa xác định động cơ học tập rõ ràng, học để đối phó thi cử là chính nên kỹ năng nghe - nói và kiến thức xã hội hạn chế. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy ngoại ngữ khá quan trọng nhưng trường hiện chưa có phòng nghe - nhìn để học ngoại ngữ". Còn theo cô Di Thanh, ngoại ngữ rất cần môi trường giao tiếp nhưng ở Cần Thơ hạn chế vấn đề này. Do vậy, dù có nhiều nỗ lực tạo môi trường học ngoại ngữ nhưng học sinh vẫn không thể thể hiện hết năng lực của mình".

Theo ông Lợi, khó khăn hiện nay là đội ngũ giáo viên hạn chế về kỹ năng nghe, nói. Tuy ngành chú trọng tăng cường cơ sở vật chất nhưng còn thiếu nhiều so với yêu cầu. Môi trường học tập của học sinh, giáo viên chưa thuận lợi, như số tiết học ngoại ngữ không nhiều, môi trường giao tiếp hạn chế so với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Mặt khác, ngành đã triển khai đề án đến bậc tiểu học nhưng đến nay vẫn chưa có biên chế chính thức về giáo viên tiếng Anh… Gần đây, ngành giáo dục thành phố quán triệt trong toàn ngành về vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó chú trọng khâu đổi mới phương pháp giảng dạy và học, đánh giá thi cử; nhất là chú trọng đổi mới trong đội ngũ giáo viên. Sau giai đoạn bồi dưỡng trong nước, ngành sẽ tiến tới đưa giáo viên bồi dưỡng nước ngoài để tăng cường cải thiện kỹ năng nghe - nói cho giáo viên. Ông Lợi nhấn mạnh: "Ngành giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu thành phố để tăng cường trang thiết bị phục vụ dạy và học; tạo điều kiện tối đa để huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện đề án. Ngành chú trọng giảng dạy nhiều ngoại ngữ trong trường phổ thông theo đúng tinh thần đề án; duy trì và phát triển các hội thi về tiếng Anh nhằm tạo môi trường thuận lợi để học sinh, giáo viên sử dụng ngoại ngữ, xem học ngoại ngữ như nhu cầu tất yếu đối với học sinh, giáo viên".

Bài, ảnh: B.Kiên

 

Chia sẻ bài viết