05/11/2008 - 20:18

Hãy giúp gia đình bà Ngọc qua cơn hoạn nạn !

Đợt triều cường vừa đi qua, tiếp đến những trận mưa lớn dai dẳng, con hẻm 43, đường Phạm Ngũ Lão, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều ngập nước. Căn nhà ẩm thấp, tối tăm của mấy mẹ con bà Lê Thị Ngọc, gần 80 tuổi càng thêm ảm đạm. Ở đó, thường xuyên có tiếng la hét hoảng loạn của người thanh niên bị bệnh tâm thần sau một tai nạn giao thông; tiếng rên rỉ của bà mẹ già nua, ốm yếu chống chọi lại căn bệnh suy thận đang hành hạ, rút kiệt sức lực...

Nước vừa rút, anh Huỳnh Văn Trọng (con trai út bà Ngọc) nhanh tay thu dọn đồ đạc, đỡ mẹ ngồi ngay ngắn trên chiếc giường cũ kỹ rồi lẹ làng dùng giẻ thấm từng vũng nước, lau nhà. Anh phân trần với chúng tôi: “Do nền nhà thấp nên rất dễ ngập. Tôi phải canh chừng nước rút để lau chùi khô ráo, sợ mẹ trượt chân té thì khổ”. Bà ngồi co ro, da nhợt nhạt, tái xanh do bệnh hành hạ và thiếu dinh dưỡng, lâu lâu lại thở dài và nén tiếng khóc. Bà thều thào: “Từ khi tui đổ bệnh nặng đến nay, Trọng cận kề chăm sóc tôi và anh trai. Phải chi tui còn mạnh khỏe, buôn bán được thì Trọng đỡ lo hơn”.

 Mẹ con bà Ngọc rất cần sự hỗ trợ của mọi người để vượt qua hoạn nạn.

Cuộc đời bà Ngọc vui ít, buồn nhiều, tai ương dồn dập. Mấy mươi năm trước, bà lập gia đình, bươn chải cùng chồng làm đủ nghề nuôi 3 người con trai khôn lớn. Tuy gia cảnh khó khăn, nhưng các con bà đều tự làm việc nuôi thân, đỡ đần cha mẹ và lập gia đình riêng. Năm 40 tuổi, sau lần mổ lá lách, anh Huỳnh Phước Hưng, con trai lớn của bà phát bệnh tâm thần, khi nhớ lúc quên, bỏ nhà đi lang thang. Mươi bữa, nửa tháng, anh mới về nhà một lần, rồi tiếp tục đi biền biệt. Năm 1994, chồng bà Ngọc lâm bệnh nặng và qua đời. Anh Huỳnh Văn Sang, con trai thứ ba nằm liệt giường gần 13 năm nay do tai nạn giao thông. Gia đình đã dốc hết tiền bạc, vay nợ lãi suất cao, đưa anh Sang lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, nhưng do vết thương quá nặng, anh Sang mang thương tật 70% và sống đời thực vật cho đến nay. Hàng ngày, anh Sang liên tục la hét, đập phá, đánh đá túi bụi mẹ và em trai khi họ đến gần chăm sóc cho anh.

Trước các biến cố dồn dập, anh Trọng phải nghỉ học từ năm lớp 10 để phụ tiếp mẹ. Anh Trọng bày tỏ: “Mẹ tôi phải bán nhà để trang trải các khoản chi tiêu của gia đình và thuê nhà trọ ở, mẹ càng tảo tần hôm sớm lo quán xuyến gia đình. Tôi học nghề may, rồi nhận hàng về may kiếm sống. Cả nhà đang sống nhờ trên đất của chị Châu, một hàng xóm tốt bụng...”. Có lẽ vì quá lam lũ, tần tảo và chịu nhiều đau khổ, bà Ngọc mắc nhiều chứng bệnh: cao huyết áp, suy tim và suy thận, sức khỏe bà ngày càng suy kiệt. Trên 1 năm nay, bà Ngọc phải đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ lọc thận 3 lần/tuần. Dù bà có thẻ bảo hiểm y tế nhưng vẫn đóng 150.000 đồng/lần lọc thận. Anh Trọng cho biết: “Bác sĩ nói, nếu có tiền lọc thận, mẹ tôi sống thêm vài năm nữa, không thì rất nguy hiểm tính mạng...”.

Những ngày anh Trọng đưa mẹ đi lọc thận ở bệnh viện lại phải chạy về nhà trông chừng anh trai. Anh tranh thủ may đồ vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập, cho mẹ và anh có được con cá, miếng thịt bồi bổ sức khỏe. Anh Trọng bày tỏ: “Tôi bận chăm sóc mẹ và anh nên việc làm không đều. Những hôm bệnh mẹ trở nặng và anh Sang la hét, quậy phá, tôi phải canh suốt đêm”.

Chia tay gia đình bà Ngọc, chúng tôi nhớ mãi ánh mắt đau đáu với nguyện vọng thiết tha của bà Ngọc: “Tui già rồi lại mang bệnh ngặt nghèo, không biết còn sống được bên các con bao lâu nữa, nếu có được một điều ước, tui mong có sức khỏe để không làm phiền con cái. Tôi muốn là nguồn an ủi, động viên tinh thần to lớn, giúp Trọng thêm nghị lực để lo cho anh mình...”. Anh Trọng cười cho bà Ngọc vui nhưng mắt lại rân rấn nước. Anh nói: “Nhìn mẹ và anh trai bị bệnh tật hành hạ, dày vò, tôi thương lắm. Tôi tâm nguyện dốc hết sức lực lo cho họ, nhưng chẳng biết được đến đâu. Thôi thì, tôi tự động viên mình rồi sẽ qua cơn bĩ cực...”. Anh Trọng còn cho biết thêm, đất anh đang ở nhờ nằm trong khu quy hoạch, giải tỏa. Anh phải lo tìm chỗ trọ khác, nhưng chưa chắc có được nơi ở với chi phí vừa phải, trong khi gia cảnh của anh quá khó khăn.

Mong sao, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm với tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ anh Trọng có thêm nghị lực, sức mạnh gồng gánh gia đình vốn quá nhiều bất hạnh...

Bài, ảnh: KỲ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết