23/02/2008 - 10:27

Ngày thứ 2, tuần lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008:

Hàng ngàn thực khách tham gia Liên hoan Văn hóa ẩm thực

* Hội thảo “Phát triển du lịch lữ hành ĐBSCL”

(CT)- Sáng 22-2-2008, Lễ hội văn hóa ẩm thực “Món ngon Nam bộ” đã được khai mạc tại khu vòng xoay Công viên nước, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Tham gia liên hoan có 29 gian hàng thuộc 23 đơn vị đến từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và Tây nguyên. Các công ty du lịch, nhà hàng đã mang đến liên hoan nhiều món ăn dân dã, độc đáo của đơn vị mình như còi tại tượng, sò tô nướng, dế cơm lăn bột, lẩu tự chọn, cơm chiên Nasigoreng, cơm lam... Song song với các hoạt động diễn ra tại lễ hội là các chương trình văn nghệ và biểu diễn cồng chiêng Tây nguyên. Ngày đầu tiên diễn ra liên hoan, ước tính có khoảng 1.000 lượt khách đến tham quan, thưởng thức.

Hôm nay, 23-2-2008, tại liên hoan sẽ diễn ra Hội thi “Món ngon Nam bộ” và Hội thi “Gian hàng ẩm thực Nam bộ” hứa hẹn nhiều cuộc tranh tài hấp dẫn. Dự kiến Liên hoan văn hóa ẩm thực sẽ kéo dài đến hết ngày 26-2-2008.

* Tối 22-2-2008, Sở Du lịch TP Cần Thơ khai mạc hội thi “Hướng dẫn viên du lịch ĐBSCL Mekong- Cần Thơ 2008”. Có 8 đội đại diện cho các đơn vị hoạt động du lịch, học viên đang theo học các trường du lịch đến từ các tỉnh ĐBSCL tham dự. Mỗi đội có 5 thí sinh, trong thời gian 30 phút, các đội tham gia 3 phần thi: tự giới thiệu, kỹ năng, trả lời câu hỏi. Phần thi tự giới thiệu có số điểm nhân hệ số 2. Hội thi sẽ kết thúc vào tối 23- 2-2008.

* “Phát triển hoạt động lữ hành để thúc đẩy du lịch vùng ĐBSCL phát triển” là chủ đề chính của hội thảo “Phát triển du lịch lữ hành ĐBSCL” được Ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia Mekong - Cần Thơ tổ chức tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ chiều 22-2-2008.

Hiện cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL mới có 18 doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong tổng số 629 doanh nghiệp lữ hành quốc tế của cả nước, chiếm khoảng 2,8%. Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu đóng vai trò nối tua cho các hãng lữ hành lớn của TP HCM và Hà Nội. Trình độ nghiệp vụ lữ hành của đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động kinh doanh lữ hành còn hạn chế. Hoạt động tiếp thị, quảng bá của các doanh nghiệp còn thấp...

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành yêu cầu các cơ quan quản lý du lịch ĐBSCL thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp lữ hành để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cũng như tiếp thu ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành cần chủ động nghiên cứu, tiếp cận, thâm nhập và mở rộng thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị để khẳng định thương hiệu. Song song đó, các doanh nghiệp cũng phải xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng và hấp dẫn để thu hút khách. Đặc biệt cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực lữ hành; đồng thời, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành trong vùng và cả nước để chuyên nghiệp hóa hoạt động này...

• NHÓM P.V

• NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết