31/05/2020 - 14:15

Hạn hán trong tâm thức dân gian Nam bộ 

Đăng Huỳnh

Nam bộ đang trải qua những ngày nắng nóng như đổ lửa. Đợt hạn hán kéo dài ngay tại vùng đồng bằng sông nước những tháng qua khiến nhiều người nhắc đến các trận hạn trong quá khứ và những quan niệm dân gian về nạn này. Nhắc lại mới hay, ông bà ta tự xa xưa đã nếm trải những trận thiên tai “khắc cốt ghi tâm” như thế:

Trông trời chẳng thấy trời mưa
Lan khô huệ héo, khổ chưa hỡi trời”

* “Năm nhuần tháng hạn”

Hai câu ca dao trên nằm trong bài ca dao 6 câu được người dân vùng Bạc Liêu, Cà Mau hay đọc. Đó là lời than vãn của “thiếp” với “chàng” khi mà trời hạn hán, ruộng đồng cháy khô.

“Cực lòng thiếp lắm chàng ơi

Kiếm nơi khuất tịch, thiếp ngồi thở than

Than vì cây lúa lá vàng

Nước đâu mà tưới nó hoàn như xưa

Trông trời chẳng thấy trời mưa

Lan khô huệ héo, khổ chưa hỡi trời”

Hồi trước, việc đồng áng chưa có máy móc nên việc chủ động nước tưới tiêu chỉ bằng hệ thống kinh thủy lợi, đường nước. Ngặt mùa hạn, việc đưa nước vào đồng phải bằng gàu sòng, gàu dai. Nhưng như lời bài ca dao trên thì “nước đâu mà tưới”, có nghĩa là nước trên các kinh, mương đã kiệt cùng, khiến cho cây lúa héo vàng. Lời than vãn “khổ chưa hỡi trời” trong bài ca dao thật là thấm thía trong tình cảnh khô hạn của bà con ở một số địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.

Một cánh đồng năn ở Bạc Liêu vàng úa vì nắng hạn. Ảnh: DUY KHÔI

Hồi trước, trời hạn hoài không mưa, chuyện làm nông khó khăn không biết lường, mấy bà già xưa thường hay nói đau, nói mỉa:

“Ở đây có đứa lấy trai

Cho nên trời hạn, nắng hoài không mưa”

Ý câu ca dao này chẳng phải phê phán “có đứa lấy trai” mà là nói lên sự thống khổ, “than trời trách đất” vì cớ gì mà nắng hạn triền miên. Bởi vậy, hồi xưa các bà nói rồi cười mếu khi nhìn cây cỏ xác xơ vì thiếu nước.

Trong dân gian, để chỉ cảnh tình xui xẻo kiểu “đụng đâu cũng xui” thì ông bà ta hay nói: “Đúng là năm nhuần tháng hạn”. Đã năm nhuần mà còn tháng hạn thì quả là nan giải. Vận câu nói này vào năm nay, khi ta đang ở năm nhuần (nhuận) hai tháng 4 âm lịch và đang trải qua những ngày nắng nóng như đổ lửa thì mới thấy ông bà ta thật chí lý. Lại càng có lý hơn với quan niệm rằng, nếu tháng nhuần từ tháng 1 đến tháng 4 thì trời sẽ nắng nóng, khô hạn triền miên; nhuần các tháng còn lại thì trời sẽ mưa dầm mưa dề, “mưa thúi đất”. Hồi trước, người dân miền Tây chủ yếu làm lúa mùa, thường xuống giống từ đầu tháng 2 âm lịch nhưng nếu “năm nhuần tháng hạn” thì sẽ dời tới tận cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch để tranh thủ đón mùa mưa.

* Chuyện hạn năm Mậu Ngũ

Năm Mậu Ngũ ở đây là cách dùng trong mấy bài vè xưa, thuật lại năm hạn hán nhớ đời Mậu Ngọ - 1858. Đây cũng là năm Pháp nổ súng xâm lược nước ta, bắt đầu ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Nhà sưu khảo Nguyễn Văn Hầu đã thuật lại bài “Vè hạn hán” trong tờ “Bách khoa” số 69, năm 1959, về trận hạn lịch sử này, mở đầu như vầy:

“Hạn sao quá hạn, cây cỏ tiêu điều

Kể từ năm Mậu Ngũ buồn hiu

Nào Tây bắn Sơn Chà, nào dân binh bắt mộ”

(Sơn Chà là từ dùng trong nguyên bản, thay vì địa danh Sơn Trà như cách gọi bây giờ)

Bài vè tả cảnh đồng ruộng hoang vu, trơ trọi, không người gieo mạ, không ai cấy cày, kinh mương trơ đáy:

“Dưới đáy đìa cá cạn chết phơi thây

Trong thôn ấp tre xàu, sao đỏ ngọn”

Lại một bài vè khác có tên “Vè năm đói”, thuật về trận hạn năm Mậu Ngọ, được giới thiệu trong cuốn “Vè Nam bộ”, do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm, biên soạn. Theo đó, bài vè này là do ông Trần Ninh, tục gọi là ông Trùm Tỏ ở Tây Ninh cảm tác. Bài vè cũng mở đầu tương tự bài vè trên:

“Kể từ Mậu Ngũ năm nay

Trời sao lại khiến nắng hoài khô khan

Nhân dân thiên hạ thở than

Cùng nhau xúm xít, chẳng an năm này”

Bài vè dài đến gần cả trăm câu, kể có ca có kệ nỗi thống khổ của dân tình trước cảnh hạn hán, khô khan. Có đoạn thuật lại việc dân làng cùng đệ đơn lên quan xin giảm sưu thuế cho đỡ gánh nặng. Hạn năm đó khổ đến mức bà con tính luôn chuyện bán trâu bò mà ăn, nhưng rồi lại lưỡng lự:

“Đói mà bán hết trâu bò

Ông trời mưa xuống lấy đâu mà cày”

Cũng trong cuốn “Vè Nam bộ” còn có một bài khác tựa “Vè nắng hạn”, mở đầu bằng mấy câu:

“Năm nay giở lịch mà xem

Năm nay Quý Dậu không thèm mưa đâu

Kẻ thời cầm ruộng bán trâu

Không mưa thấy nắng nghĩ lâu thêm sầu”

Năm Quý Dậu trong bài vè này được tiên phỏng là năm 1837 hoặc năm 1933 nhưng không chắc năm nào, phần nhiều nghiêng về năm 1933.

Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm “chạy hạn”. Ảnh: DUY KHÔI

 

* Sao gọi “hạn bà Chằn”?

Nói cặn kẽ về “hạn bà Chằn” trong tâm thức dân gian Nam bộ, sẽ có nhiều điều thú vị. Tiên khởi là nói về biểu hiện của hạn bà Chằn - tức dự đoán của người xưa. Vào một ngày nắng tốt, trời trong, nói theo kiểu dân gian là “thọc ổng còn không mưa” nhưng bất chợt lại có một cơn mưa qua mau. Đó là mưa nắng, nghĩa là khi mưa có nắng. Dân gian tin rằng, sau trận mưa ấy sẽ là những ngày dài không mưa, trời nắng nóng, khô hạn gay gắt - tục gọi hạn bà Chằn. Câu hỏi đặt ra là, sao lại gọi như vậy? Có hai cách hiểu.

Cách thứ nhất, xuất phát từ tên con bà chằn - một loài sinh vật có nhiều ở vùng trũng phèn Đồng Tháp Mười và miệt U Minh. Con bà chằn khá giống con đỉa, mình thon dài, “dịu quặt”, luôn tiết ra chất nhờn, sống nơi ẩm thấp. Con bà chằn cắn phá cây cối, nguy hại nhiều hơn con đỉa. Cách trị chúng cũng giống như với loài đỉa là rất sợ nước muối, xà bông hay vôi. Tuy nhiên, cách hiểu hạn bà Chằn từ tên loài động vật này không thuyết phục lắm.

Cách thứ hai, có liên quan đến hình tượng Chằn trong văn hóa Ấn Độ và văn hóa dân gian Khmer. Chằn biểu trưng cho cái xấu, chuyên đi gieo rắc tai ương cho người khác. Dáng vẻ Chằn hung tợn, dữ dằn khiến người ta sợ hãi. Lâu dần với người Nam bộ, hình tượng Chằn đã được “dân gian hóa” để hiểu đơn giản là sự hung tợn, đáng sợ. Trẻ nhỏ quấy khóc thì dọa: “Ngủ cho mau không, ông Chằn tới bắt kìa!”. Mà đã hình tượng hóa thì có ông Chằn, hẳn sẽ có bà Chằn. Vậy nên, ai hung dữ, hay chửi bới, xiên xỏ người khác thì bị mắng sau lưng là “hung dữ như bà Chằn (hay như Chằn cái)”. Ai mà hung dữ hơn nữa sẽ được người đời gán cho tên gọi “bà Chằn lửa”. “Lửa” ở đây để chỉ sự tột cùng của một sự việc. Từ những diễn giải này cho thấy cách dùng từ “bà Chằn” trong dân gian Nam bộ đã thoát khỏi yếu tố dân tộc, tôn giáo mà được “dân gian hóa”, “bình dân hóa” và “địa phương hóa” thành một hình tượng quen dùng.

Trở lại “hạn bà Chằn”, theo chúng tôi, đây là cách gọi theo kiểu “dân gian hóa” như đã trình bày ở trên, để chỉ sự khắc nghiệt của những ngày hạn hán triền miên. Lại xin kể một chi tiết, ở nhiều vùng quê Nam bộ, hễ năm nào có hạn bà Chằn thì nước kinh mương trơ đáy, nóng hầm hập như sôi. Cá lớn thì vùi sâu trong bùn, cá nhỏ chịu không nổi chết trắng mặt nước. Nhiều người gọi đó là “giỗ bà Chằn”.

*

*   *

Kể bao nhiêu điều này để thấy rằng, dù thời nào, thì hạn hán, thiên tai vẫn gây khó khăn khôn cùng cho đời sống. Trải qua những ngày “năm nhuần tháng hạn” để mỗi người biết trân quý và kính trọng thiên nhiên, từ đó hành xử tử tế với môi trường sống. 

Chia sẻ bài viết