23/05/2025 - 20:21

Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân 

(CTO) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp lần thứ chín, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24-11-2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11-11-2016 của Quốc hội và Nghị quyết số 107/2020/QH14 ngày 10-6-2020 của Quốc hội.

ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng thảo luận tại Tổ.

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) cho rằng: "Đây là nghị quyết nức lòng dân, người dân rất quan tâm và rõ được tính ưu việt trong chế độ của chúng ta. Rất nhiều giai đoạn chúng ta đã bàn nhưng chưa có quyết tâm cho chủ trương này. Lần này, tôi cũng thấy đây là một nghị quyết rất sát sườn, từ nghị quyết này người dân lại tiếp tục hào hứng để chuẩn bị cho câu chuyện hỗ trợ cho y tế và chúng tôi cũng đang chờ đón việc này. Tôi cũng đồng thuận với một ý của ĐBQH Trần Quốc Tuấn có đặt ra: "Cần phải làm rõ hơn về cơ sở giáo dục khác", nếu chúng ta để như vậy sẽ rất khó trong quá trình vận dụng sau này, đặc biệt đối với các đơn vị tư, mà chúng ta cần huy động xã hội hóa. Việc này trong giáo dục cần phải quy định rõ những đối tượng nào sẽ được thụ hưởng chính sách này".

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) xác nhận, khi nghe đến chủ trương này, “người dân rất kỳ vọng nghị quyết được ban hành sẽ làm giảm gánh nặng tài chính, nhất là với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó tạo động lực huy động trẻ em đến lớp”.

Góp ý cụ thể, ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1) là rõ ràng, bao quát, bảo đảm bao phủ đối tượng. Theo đó, nghị quyết áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học là công dân Việt Nam tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) phát biểu thảo luận tại Tổ.

Song, ĐBQH đề nghị cần làm rõ khái niệm “cơ sở giáo dục khác” để tránh bị hiểu lầm hoặc bị lạm dụng, bảo đảm thực hiện chính sách thống nhất trên cả nước. Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) cho biết, ở nhiều nước như Thái Lan đã thực hiện hỗ trợ học phí; thậm chí họ còn hỗ trợ cả sách giáo khoa, đồng phục. Nước ta bây giờ mới làm, “dù chậm hơn một số nước song cần phải làm”, đại biểu nhấn mạnh. Cơ bản ủng hộ dự thảo nghị quyết, song đại biểu đề xuất, ngoài việc miễn, hỗ trợ học phí, “chúng ta có thể hỗ trợ sách giáo khoa cho các em không?”. Sách giáo khoa có nhiều cấp độ: cấp học thấp hơn là sách in, cấp học cao hơn là sách điện tử. “Nếu Điều 2 dự thảo Nghị quyết ghi là “miễn, hỗ trợ học phí, sách giáo khoa” cũng là phương án mà chúng ta cần quan tâm. Nếu làm được sẽ thúc đẩy giáo dục phát triển rất tốt”.

LÂM TÂN

Chia sẻ bài viết