21/04/2018 - 16:21

Gỡ nút thắt phát triển công nghiệp 

TP Cần Thơ có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp so với nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thành phố còn có tiềm lực phát triển công nghiệp công nghệ cao từ Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP). Song, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và công nghiệp công nghệ cao tại thành phố vẫn đầy thách thức. Thành phố đang nỗ lực giải quyết nút thắt trong phát triển công nghiệp.

Phát triển nhưng chưa đột phá

Thực hiện Kế hoạch số 30 của thành phố giai đoạn 2016-2020 về thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Sở Công thương TP Cần Thơ đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, phát triển sản phẩm công nghiệp ưu tiên. Năm 2016-2017, Sở Công thương thành phố đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ 36 DN đăng ký tham gia Chương trình đổi mới công nghệ của thành phố (13 DN được hỗ trợ, còn lại đang xem xét) và 2 DN đăng ký tham gia Chương trình đổi mới công nghệ cấp quốc gia (1 dự án đã được phê duyệt danh mục thực hiện năm 2018). Đồng thời tiến hành rà soát đề xuất 36 DN đề nghị xem xét hỗ trợ theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích đầu tư vào công nghiệp nông thôn với số vốn đăng ký 1.936,8 tỉ đồng (đợt 1 có 21 DN đã thông qua UBND thành phố, đợt 2 có 12 DN đang xem xét)…

Sản phẩm gạo là sản phẩm đang được ươm tạo tại KVIP. Ảnh: MINH HUYỀN
Sản phẩm sữa gạo là sản phẩm đang được ươm tạo tại KVIP. Ảnh: MINH HUYỀN

 

Hằng năm, thông qua chương trình khuyến công, ngành công thương đã hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn cho DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trong hoạt động thiết kế, cải tiến quy trình sản xuất sản phẩm, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp chung của thành phố. Tính đến cuối năm 2017, Sở Công thương đã triển khai 2 đề án khuyến công về hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất (1 đề án quốc gia và 1 địa phương). Đồng thời hỗ trợ DN thực hiện kiểm toán năng lượng để đạt mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm giảm chi phí sản xuất cho DN. Đến nay, Sở Công thương thành phố đã kiểm toán gần 25 DN; tham mưu cho UBND ban hành Chương trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả thành phố giai đoạn 2018-2020.

Song, ngành công thương cũng nhận định việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất công nghiệp trên địa bàn còn hạn chế. Các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Sản xuất công nghiệp của thành phố phát triển chưa bền vững, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thu hút vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp, đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) còn chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh. Đồng thời công nghiệp chế biến cũng chưa làm tăng giá trị thương mại của các mặt hàng nông, thủy sản.

Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, cho biết: “Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng hơn 70% trong ngành công nghiệp, chủ yếu là thủy sản, lúa gạo. Trong khi 2 sản phẩm chủ lực này những năm qua đang chạm ngưỡng về thị trường tiêu thụ. Mặc dù với sự hỗ trợ của thành phố và sự cố gắng của DN trong khai thác thị trường, nhưng cả hai sản phẩm vẫn chưa tạo bước đột phá trên thị trường. Và khi 2 ngành công nghiệp chế biến chủ lực này gặp khó khăn thì các ngành công nghiệp chế biến khác có tỷ trọng nhỏ, không thể kéo tăng tỷ trọng của toàn ngành”. Theo ông Hiệp, trước tình hình khó khăn này, thành phố đã và đang có nhiều chủ trương nhằm phát triển công nghiệp thời gian tới bền vững hơn. Cụ thể là tạo điều kiện thu hút ngành công nghiệp khác như dệt may, da giày…; còn ngành công nghiệp chế biến hiện tại sẽ phát triển chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, quy hoạch các CCN chuyên sâu để thúc đẩy công nghiệp các quận, huyện.

Cần lực đẩy

Năm 2018, TP Cần Thơ tiếp tục mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu và bền vững. Trong cơ cấu GRDP năm 2018, tỷ trọng nông nghiệp- thủy sản chiếm từ 8,07-8,1%; công nghiệp- xây dựng 32,77-32,79% và dịch vụ chiếm 59,13-59,14%. Kế hoạch 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng khoảng 7,33% so với năm 2017. Theo đó, thành phố đề ra giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh phục vụ xuất khẩu.

Thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, quý I/2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 7,02% so với cùng kỳ; chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,13%; chỉ số tồn kho hàng công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 67,11% so với tháng 3-2017. Sản xuất công nghiệp thành phố quý đầu năm tiếp tục tăng về quy mô, chỉ số tồn kho giảm gần 1/3 so với tháng 3-2017 là nỗ lực rất lớn của DN. Ngành công thương cũng tập trung hướng dẫn, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, gỡ vướng trong sản xuất công nghiệp để giải phóng hàng tồn kho. Khuyến khích các DN phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản trên địa bàn các quận, huyện.

Nhận định về xu hướng phát triển ngành công nghiệp tới đây, ông Dương Nghĩa Hiệp, cho biết ngoài các KCN tập trung, thành phố hiện có 6 CCN đang được quy hoạch (bình quân khoảng 30ha/CCN- giai đoạn 1); và hiện có 7 DN đăng ký đầu tư cơ sở sản xuất tại CCN Phong Điền và 1 nhà đầu tư đăng ký đầu tư cơ sở hạ tầng CCN Bình Thủy. Trong tương lai, thành phố có cơ hội phát triển ngành công nghiệp năng lượng. Bởi Chính phủ đã đồng ý và Bộ Công thương đang triển khai các thủ tục cho dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 chạy bằng nguồn khí từ Lô B. Theo thiết kế, công suất lắp đặt của 2 nhà máy này khoảng 2.100MW; tổng mức đầu tư hai nhà máy dự kiến khoảng hơn 2,21 tỉ USD (đề xuất vay thương mại). Tổ hợp nhà máy này khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của thành phố.

Ngoài ra, thành phố còn có KVIP- nơi ươm tạo DN. Trong năm 2016-2017, KVIP đã hỗ trợ 5 DN tham gia ươm tạo thuộc các lĩnh vực chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, cơ khí và có 1 DN đủ điều kiện tốt nghiệp ươm tạo. Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP, vào KVIP, các DN được hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường… Các ngành hàng chủ lực được hỗ trợ gồm: chế biến gạo- nông sản, chế biến thủy sản, cơ khí phục vụ chế biến nông, thủy sản. Với những điều kiện về hạ tầng các KCN, CCN, vườn ươm và nhà máy nhiều điện… sẽ giúp DN có thêm động lực đầu tư vào Cần Thơ, thúc đẩy công nghiệp phát triển.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết