25/10/2019 - 16:10

Giúp trẻ khả năng tự vệ, phòng tránh xâm hại 

Tháng 10-2019, thực hiện mô hình Công tác xã hội (CTXH) trong trường học, Trung tâm CTXH TP Cần Thơ lần lượt tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE) tại các điểm trường THCS trong thành phố. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức một số hoạt động thiết thực liên quan, góp phần chăm lo trẻ có hoàn cảnh đặc biệt...

Học sinh Trường THCS Trường Long, huyện Phong Điền trao đổi với cán bộ Trung tâm CTXH thành phố tại buổi nói chuyện chuyên đề.  

Cung cấp kiến thức, kỹ năng

Trung tâm CTXH thành phố vừa tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về công tác BVCS&GDTE tại Trường THCS Trường Long, huyện Phong Điền, với sự tham gia của hơn 40 học sinh trong mô hình Giáo dục, phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (Câu lạc bộ (CLB) Tuổi hồng). Không khí sinh hoạt nghiêm túc, các em quan tâm tìm hiểu, nắm vững những vấn đề thiết thực liên quan bản thân: Luật Trẻ em năm 2016; phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ em và kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến giới, giới tính và đa dạng tính dục. Bên cạnh tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân vấn nạn xâm hại, bạo hành trẻ em, hầu hết học sinh quan tâm cách nhận biết và biện pháp phòng, tránh xâm hại, bạo hành... Các em tự tin, dạn dĩ, vận dụng hiểu biết để trao đổi, trả lời các vấn đề, tình huống đặt ra xoay quanh nội dung về 4 nhóm quyền trẻ em: sống còn, bảo vệ, phát triển và tham gia; các biện pháp phòng, tránh xâm hại, bạo hành trẻ em.

Qua cập nhật nội dung chuyên đề, các em được khuyến khích tự rèn kỹ năng sống, tự vệ, khả năng vượt khó khăn, trở ngại cuộc sống. Đồng thời, trước nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, các em cần kịp thời, mạnh dạn trình bày với người thân, thầy cô để được tư vấn, định hướng giải quyết. Em Võ Thị Huỳnh Như, học sinh lớp 8, mạnh dạn trả lời các cách nhận biết cũng như tự vệ trước nguy cơ bị xâm hại, như: không cho người lạ vào nhà khi đang ở một mình; không xem phim, ảnh đồi trụy; không nhận quà, tiền giá trị; không đến nơi vắng vẻ; không ngồi một mình trong phòng kín với người lạ… Huỳnh Như cho biết: “Em được thầy cô lồng ghép giảng dạy những nội dung này trong các môn học liên quan. Buổi sinh hoạt giúp em bổ sung kiến thức cần thiết để tự vệ bản thân trước nguy cơ, tình huống nguy hiểm trong cuộc sống”. 

Tương tự, không khí buổi nói chuyện chuyên đề cùng 40 học sinh CLB Tuổi hồng, Trường THCS Châu Văn Liêm, quận Ô Môn rất sôi động. Các học sinh hào hứng trả lời câu hỏi của cán bộ Trung tâm CTXH thành phố về các tình huống nguy cơ cũng như cách nhận diện “người lạ” để phòng, tránh. Em Trần Gia Hân, học sinh lớp 6, cho biết: “Qua những hình ảnh minh họa hay tình huống người lớn đề cập, phân tích rồi giải thích, hướng dẫn giúp chúng em hiểu biết để vận dụng vào cuộc sống; phòng, chống nguy cơ bị dụ dỗ, lợi dụng”.   

Chung tay bảo vệ, giáo dục trẻ

Từ tháng 10-2019, Trung tâm CTXH thành phố khởi động mô hình CTXH trong trường học với 20 buổi nói chuyện chuyên đề về công tác BVCS&GDTE tại 9 trường có CLB Tuổi hồng của 9 quận, huyện và một số trường có nhu cầu trang bị kiến thức cho học sinh. Đồng thời, lồng ghép thí điểm rà soát, phát hiện nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh THCS với hình thức thu thập thông tin theo biểu mẫu; bài trắc nghiệm kiểm tra tâm lý... Qua đó, nếu phát hiện nguy cơ hoặc các tổn hại đối với học sinh, Trung tâm sẽ phối hợp với gia đình, nhà trường, địa phương xây dựng kế hoạch quản lý cũng như kết nối các em sử dụng dịch vụ trợ giúp và chữa trị sớm.

Tháng 11, Trung tâm tiếp tục triển khai 9 lớp truyền thông chuyên đề cho giáo viên, phụ huynh, những người chăm sóc thay thế tại 9 quận, huyện. Tranh thủ nguồn tài trợ từ các Dự án phi chính phủ, Trung tâm sẽ tổ chức 4 lớp tập huấn cho 160 giáo viên, về tham vấn tâm lý thanh thiếu niên trong trường học. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng tham vấn tâm lý cho học sinh có nguy cơ bị xâm hại, bắt nạt, bạo lực học đường, đặc biệt bị bắt nạt liên quan thể hiện giới.

Theo ông Phan Quốc Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, qua triển khai, mô hình CTXH trong trường học góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng để học sinh tự giải quyết khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tâm lý tạm thời, phát huy tiềm năng, năng lực học tập. Đồng thời, bảo vệ học sinh trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, phòng, tránh tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng bỏ học, vi phạm pháp luật. Cùng với nâng cao nhận thức, kỹ năng của cha mẹ hoặc người giám hộ để chia sẻ, đồng hành cùng học sinh, mô hình trang bị kỹ năng CTXH cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cơ sở giáo dục cũng như kết nối nguồn lực cộng đồng tham gia thúc đẩy hoạt động.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết