26/09/2016 - 20:17

Giúp trẻ hòa mình vào thiên nhiên

Từ những vật liệu rất bình thường như: nắp chai sữa, ống hút, ngó bần, gáo dừa, dây chuối, mo cau, xơ mướp, nỉ vải…, cô Trần Thị Thứ và cô Trương Huỳnh Loan, giáo viên Trường Mầm non thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai đã "biến" thành bộ Trò chơi "Thiên nhiên quanh bé" độc đáo, bổ ích. Qua đó giúp các bé khám phá thiên nhiên xung quanh đầy sắc màu, với muôn điều mới lạ, thú vị …

Với sự khéo léo và sáng tạo, hai cô giáo tận dụng các nguyên vật liệu dân dã, tưởng chừng như "bỏ đi", tạo ra bộ đồ chơi mang tính giáo dục cao. Đó là những bài học đầu tiên để các bé khám phá, yêu quý thiên nhiên. Không chỉ tự làm, các cô còn động viên bé "góp công" bằng cách chọn màu sắc cho đồ chơi, giúp trẻ trải nghiệm, khám phá đồ vật, từng bước phát triển toàn diện.

Cô Trương Huỳnh Loan và các bé cùng thao tác trò chơi "Thiên nhiên quanh bé".

Giờ chơi của các bé Trường Mầm non Thị trấn Thới Lai thêm rộn ràng khi được thao tác bộ trò chơi "thiên nhiên quanh bé". Các bé có thể chơi cá nhân hoặc theo nhóm tùy theo ý thích để rèn sự khéo léo của đôi bàn tay. Qua quan sát, chúng tôi ghi nhận sự hứng khởi của các bé khi tự tay xâu vòng đeo tay từ những vật mẫu trái mù u, ngó bần, hạt cau… được cô Loan và cô Thứ "chế biến" thành hình tròn, vuông, tam giác, bông hoa, con vật… đặt ngay ngắn trong rổ. Khi được "đầu tư" thời gian, cùng tính kiên trì, nhẫn nại, bé xâu thành dây đeo cổ hoặc những chiếc băng đô xinh xắn khá bắt mắt. Không khí lớp học náo nhiệt hơn khi những cỗ xe chở hàng hóa kéo vòng quanh lớp học bằng những khối hình học từ lục bình, dây chuối, gỗ vụn… sản phẩm thành công từ sự hợp sức chế tác của một nhóm bé trai.

Với ý tưởng sáng tạo, độc đáo riêng biệt, từ những nguyên liệu sẵn có các cô đã sáng tạo nên thiên nhiên xung quanh sinh động. Các bé "lạc vào" thế giới động vật khi ghép xơ mướp, mo cau, trái dừa, vỏ dừa, ngó bần, miếng xốp trái cây thành những con vật ngộ nghĩnh. Đó là những chú cá từ trái và vỏ dừa hoặc con nhím đầy gai với những vỏ dừa, hình bộ thú cưng dễ thương bằng ngó bần, mo cau hoặc bức tranh sinh động ghép từ vải nỉ… Cô Trương Huỳnh Loan cho biết: "Bộ đồ chơi giúp bé rèn luyện kỹ năng kiên trì, bền bĩ, khéo léo. Qua thao tác, bé thành thạo các kỹ năng xâu, luồn, xếp, ghép hình, tranh một cách khéo léo; thông qua đồ chơi, bé nhận biết các khối hình, màu sắc, phân loại to, nhỏ, cao, thấp….". Khi sử dụng bộ trò chơi, bé hứng thú trước các sản phẩm mình làm ra, từ đó biết cảm nhận, yêu quý vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh.

Đồ chơi được đánh giá gọn nhẹ, độ bền cao, cô Loan và cô Thứ tận dụng màu nguyên thủy, tự nhiên vốn có của nguyên liệu, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe trẻ. Không chiếm nhiều diện tích trong phòng, vì thế trẻ thuận tiện, dễ dàng hoạt động ở góc phòng với bộ đồ chơi, thỏa thích khám phá. Với những ưu điểm và tiện ích, bộ đồ chơi giành giải Nhất trong Hội thi và Triển lãm đồ dùng, đồ chơi tự làm bậc học mầm non cấp thành phố vừa qua.

Đồ dùng, đồ chơi là phương tiện trực quan không thể thiếu trong trường mầm non. Qua đó giúp các bé dễ nhớ và hiểu bài hơn. Ban giám hiệu luôn tạo điều kiện để giáo viên phát huy sáng tạo trong việc làm đồ dùng, đồ chơi, nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Thấy được hiệu quả của đồ dùng, đồ chơi trong việc giáo dục trẻ, phụ huynh học sinh đã ủng hộ nhiều nguyên vật liệu để giáo viên có thể đa dạng thêm đồ dùng, đồ chơi. Cô Trần Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thới Lai, cho biết: "Đối với lứa tuổi mầm non "chơi mà học, học mà chơi" việc tiếp xúc với đồ chơi mới giúp trẻ tiếp thu lĩnh hội kiến thức nhanh hơn. Tâm lý chung các bé rất thích và hào hứng với đồ chơi mới, lạ; vì thế, thời gian qua, giáo viên của trường luôn đầu tư thời gian làm nhiều đồ chơi cho trẻ. Trong đó cô Loan và cô Thứ rất nhiệt tình, tích cực. Các cô không ngại khó, bỏ công sức làm bộ đồ chơi, giúp trẻ kích thích óc sáng tạo, khơi gợi sự say mê khám phá thiên nhiên tươi đẹp.

Bài, ảnh: M.Hoàng

Chia sẻ bài viết