29/10/2010 - 20:55

Giúp phụ nữ Khmer nghèo phát triển kinh tế gia đình

Nhờ tinh thần đoàn kết, cùng nỗ lực vượt khó, hơn 10 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ đã xây dựng nhiều phong trào đạt hiệu quả. Trong đó, mô hình “Giúp chị em dân tộc Khmer phát triển kinh tế gia đình” của Chi hội Phụ nữ ấp 7 đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều chị em dân tộc Khmer nghèo nơi đây.

Từ năm 2000, nhận thấy đời sống chị em còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu nhờ 2 vụ lúa trong năm, trong đó không ít chị em sống bằng nghề làm thuê, nên Hội LHPN Nông trường Cờ Đỏ (nay là Hội LHPN xã Thạnh Phú) phát động phong trào gây quỹ tiết kiệm. Đời sống khó khăn, đồng vốn phục vụ sản xuất đôi khi còn phải vay mượn, nhưng chị em dân tộc Khmer ở ấp 7, xã Thạnh Phú, vẫn hăng hái tham gia. Các chị biết rằng, khi tham gia sẽ có cơ hội phát triển kinh tế nhờ chính đồng tiền tiết kiệm của mình, mà trước đây, gia đình khó có thể tiết kiệm được. Để tạo điều kiện dễ dàng cho các chị tham gia, đồng vốn góp vào mỗi tháng dựa trên khả năng của các chị. Từ hoạt động tiết kiệm vốn đạt hiệu quả, sau 5 năm, Chi hội Phụ nữ ấp 7 thành lập thêm các tổ góp vốn xoay vòng hoạt động song hành.

Chị Đào Thị Loan mở rộng chuồng trại nhờ một phần không nhỏ từ nguồn vốn tiết kiệm và vốn vay xoay vòng. 

Ấp 7, xã Thạnh Phú có 11 hộ dân tộc Khmer với gần 40 phụ nữ, có khoảng 35 chị tham gia cả 2 hoạt động này. Số tiền tiết kiệm được từ các tổ, hội tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, chi hội phụ nữ ấp hướng dẫn các chị em mua cây, con giống thích hợp để nuôi, trồng. Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Lúc trước ở địa phương chưa có chương trình vay vốn, nên Hội LHPN xã xây dựng các tổ, hội tiết kiệm và góp vốn xoay vòng trong các chị em, trong đó có chị em Khmer nghèo. Qua phong trào, tình cảm giữa các chị em thêm khăng khít và đời sống kinh tế gia đình của các chị tiến triển rõ rệt”.

Khi mới thành lập, các tổ tiết kiệm vận động được 15 chị em dân tộc Khmer tham gia với số vốn trên 2 triệu đồng, đến nay tổ đã có 36 thành viên và tổng số vốn đã trên 25 triệu đồng. Mức tiền đóng góp tùy vào khả năng của mỗi người, nhưng ít nhất là 50.000 đồng/tháng và phải tuân thủ quy tắc góp đều đặn hàng tháng. Mỗi chị em tham gia đều được cấp sổ tiết kiệm, ghi rõ số tiền nộp vào mỗi tháng và số tiền tiết kiệm rút được. Tại buổi họp mặt hàng tháng, các chị góp tiền tiết kiệm, sau đó bầu chọn chị em có hoàn cảnh khó khăn nhất để ưu tiên cho vay vốn trước. Với số vốn vay từ tổ tiết kiệm, đa số các chị được tư vấn, khuyến khích đầu tư nuôi, trồng các loại cây, con giống cho thu hoạch nhanh để tái tạo đồng vốn sớm, đảm bảo hoàn trả lại đủ số vốn vay trong kỳ hạn 3 tháng kể từ ngày vay vốn. Bên cạnh đó, sau mỗi năm kể từ ngày bắt đầu tham gia tổ tiết kiệm, các chị có thể rút số vốn mà mình tiết kiệm được dựa trên sổ tiết kiệm.

Với số vốn tiết kiệm, chị Đào Thị Loan, ngụ ấp 7, xã Thạnh Phú, đầu tư trồng các loại cây màu như bầu, bí, mướp... cho thu hoạch nhanh và ít vốn. Đầu tháng 9-2010, với chi phí bỏ ra khoảng 2 triệu đồng, đến nay, giàn bầu của chị Loan đã cho thu nhập đến hơn 10 triệu đồng. Ngoài đồng vốn tiết kiệm, chị Loan cũng tham gia góp vốn xoay vòng rất tích cực. Chị Loan tâm sự: “Ngày trước cuộc sống chật vật lắm, đất canh tác tôi phải thuê của nông trường, còn vốn nuôi, trồng thì thiếu trước hụt sau, phải vay mượn trước rồi đi làm thuê hoặc đến thu hoạch xong mới trả được. Từ lúc tham gia vào tổ tiết kiệm và góp vốn xoay vòng, tôi có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình”. Nguồn vốn vay xoay vòng khoảng 24 triệu đồng, chị Loan dùng để mua thêm heo giống và mở rộng chuồng heo. Nhờ tận dụng có hiệu quả 2 nguồn vốn, hiện nay gia đình chị Loan đã có thu nhập ổn định và cuộc sống khá đầy đủ tiện nghi.

Mô hình góp vốn xoay vòng chính thức được thành lập ở ấp 7, xã Thạnh Phú từ năm 2005 với khoảng 10 chị em dân tộc Khmer tham gia. Cuối mỗi quý, các chị họp mặt để góp vốn (2 triệu đồng/người), bốc thăm chọn người rút vốn và giao vốn ngay tại chỗ. Chị Lê Thị Bích Phụng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 7, xã Thạnh Phú, cho biết: “Trước ngày họp mặt 15 ngày, thành viên Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ ấp thông báo đến từng hội viên để các chị có sự chuẩn bị trước. Từ ngày thành lập tổ góp vốn xoay vòng đến nay, chưa có hội viên nào góp trễ. Chị em nhiệt tình với nhau nên không ai phiền hà ai”. Nhờ mô hình mang lại hiệu quả tích cực, đến nay tổ góp vốn xoay vòng đã có 25 thành viên tham gia. Hiện nay, nhiều chị em có ý kiến nâng mức vốn góp lên 3 triệu đồng/quý/người để các chị em có thêm điều kiện nâng cao nguồn vốn phục vụ sản xuất, canh tác.

Chị Đào Thị Siêng, ngụ ấp 7, xã Thạnh Phú tham gia tổ tiết kiệm và tổ góp vốn xoay vòng ngay từ những năm đầu thành lập. Số vốn từ tổ tiết kiệm, chị dùng để chăn nuôi vịt, trồng rau màu. Còn nguồn vốn vay xoay vòng thì để sửa chữa nhà cửa, mua sắm thêm một số vật dụng cần thiết trong nhà và đầu tư chăn nuôi, trồng lúa. Chị Siêng tâm sự: “Trước khi tham gia tổ tiết kiệm và góp vốn xoay vòng, nhà cửa trống trước hở sau, những lúc trời mưa sợ không có chỗ ngủ và có lúc phải mượn gạo ăn. Nghe nhiều người động viên, nên tôi tham gia để có vốn làm ăn. Bây giờ, tháng nào tôi cũng tham gia đều đặn để có vốn tiết kiệm”. Ngoài chị Loan, chị Siêng còn có chị Đào Thị Sang, chị Đào Thị Đen và nhiều chị em Khmer nghèo khác nhờ tham gia tổ tiết kiệm và góp vốn xoay vòng mà đời sống được cải thiện nhiều hơn. Các hình thức tiết kiệm và vay vốn không lãi, dựa trên tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau đã giúp các chị em thoải mái hơn, không có áp lực về lãi suất vốn vay. Ở mỗi buổi họp mặt, các chị em còn trao đổi với nhau kinh nghiệm nuôi, trồng, phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, nhận xét: “Chi hội Phụ nữ ấp 7 thực hiện 2 hình thức tiết kiệm và góp vốn xoay vòng rất hiệu quả. Cách thức tổ chức và thực hiện của 2 tổ này đều rõ ràng, công khai nên không ai phiền hà. Nhờ vậy, cuộc sống của nhiều gia đình từng bước đi vào ổn định, phát triển, chị em rất phấn khởi. Mặc dù hiện nay, các chị đã được hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhưng 2 hoạt động trên tạo môi trường đoàn kết, vui vẻ, có hiệu quả thiết thực, nên các chị vẫn duy trì, phát triển hoạt động”.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết