03/12/2013 - 20:53

Giảm thiểu hậu quả tai nạn giao thông nhìn từ việc bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân

Người bị té xe trước cổng Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, được bảo vệ bệnh viện đưa xe đẩy vào phòng cấp cứu.

Vừa qua, khi đi ngang qua Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (đường Quang Trung, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), tôi chứng kiến một người đàn ông điều khiển xe gắn máy tự té, do bị sụp ổ gà. Đứa bé ngồi phía sau bị văng xuống đường, mặt đầy máu; còn người đàn ông thì nằm bất động dưới lòng đường. Người bán hàng rong gần đó chạy nhanh đến, bồng đứa bé đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhân viên bảo vệ bệnh viện kịp thời đưa chiếc xe đẩy, dành để tiếp nhận bệnh nhân đến, đưa người đàn ông bị té khi nãy vào bệnh viện. Ông bà ta thường nói "cứu người như cứu hỏa", việc cấp cứu người bị tai nạn giao thông hoặc bất ngờ bị bệnh tật, ngất xỉu nơi công cộng mà không có thân nhân đi kèm thì những người có mặt ở đó phải cứu giúp. Đó là đạo lý! Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp người chẳng may bị tai nạn, đã không được những người đi đường khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất, để cấp cứu kịp thời, do tâm lý sợ trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra còn có thêm lý do, nhiều bệnh viện trong thành phố thường thu tiền tạm ứng viện phí đối với bệnh nhân nhập viện, kể cả trường hợp cấp cứu nên người cứu giúp cũng ngán ngại.

Ngày 31-12-2013, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 14-11-2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, sẽ có hiệu lực. Nghị định này có 4 Chương, 97 Điều quy định trách nhiệm của ngành y tế trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, ở điểm a, khoản 3, Điều 28, mục 2, Chương 2: "Quy định về Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả" quy định trường hợp từ chối tiếp nhận bệnh nhân thuộc diện chữa bệnh bắt buộc (cấp cứu - PV), cơ sở y tế sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Về thẩm quyền xử phạt của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP Chính phủ còn quy định rất rộng. Đó là: ngoài ngành y tế và Công an còn có các ngành liên quan như: Thanh tra các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông… Đồng thời, những người phát hiện vi phạm được quyền lập biên bản, để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Trở lại trường hợp 2 nạn nhân bị té xe trước cổng Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, một người bán hàng rong cho biết: Bệnh nhân vào bệnh viện này không phải đóng tiền tạm ứng viện phí, nên chúng tôi không ngại bị phiền hà. Qua đó cho thấy, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Thông tư, Nghị định quy định trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng và cả người dân. Tuy nhiên, để từng Điều, Khoản của các văn bản quy phạm pháp luật này thật sự đi vào cuộc sống thì cần có sự cộng đồng trách nhiệm của từng đơn vị. Riêng đối với ngành y tế, trách nhiệm tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông là cực kỳ quan trọng.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

 

Chia sẻ bài viết