04/12/2021 - 15:17

Giải trí ảo - hậu quả thật 

Mạng xã hội Zalo, Facebook đã trở thành nơi giải trí phổ biến để giao lưu, kết bạn, chia sẻ thông tin. Trên các mạng này, nhiều người đầu tư chăm sóc trang cá nhân, từ hình ảnh đến status, sao cho thật nổi bật để nhận được nhiều like, bình luận. Có một số người quan niệm không ai biết rõ mình nên đăng những nội dung có khi không đúng với thực tế, hoặc vô tư “thả thính”, bình luận, trêu đùa… mua vui. Dành thời gian quá nhiều cho thế giới ảo nên có không ít trường hợp xao nhãng trách nhiệm với gia đình, xử lý không khéo những mối quan hệ phát sinh, gây bao hệ lụy.

Mạng xã hội là công cụ giải trí phổ biến của chị em phụ nữ trong việc kết giao bạn bè. Để tránh rắc rối, nên sử dụng một cách hợp lý, có kiểm soát.

Mấy tuần nay, vợ chồng anh N ở quận Cái Răng chiến tranh lạnh. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc vợ anh N phát hiện chồng nói chuyện quá giới hạn với một số bạn nữ trên facebook, xưng hô “bà xã, cực cưng, em yêu”. Trong một số nội dung đăng tải công khai, anh N còn lấp lửng kiểu như đang sống độc thân, thiếu vắng tình cảm, tìm người bầu bạn… khiến vợ anh có cảm giác không được chồng tôn trọng, người quen thì tưởng cả hai trục trặc. Vợ anh N cho rằng trên mạng dù chỉ là giải trí nhưng không nên đi quá giới hạn, gây hiểu lầm phiền phức. Anh N trách vợ suy diễn, chuyện bé xé to và anh cho rằng đó là vấn đề riêng tư nên không đồng ý xóa những thứ vợ yêu cầu. Không chịu nhượng bộ, vợ anh N trả đũa bằng cách đăng những lời than thở bóng gió chồng mê chơi, chỉ biết hưởng thụ…, rồi cả hai giận nhau.

Từ khi vợ chồng chị C ở quận Ninh Kiều phát sinh mâu thuẫn, chồng đi sớm về khuya, chị đâm ra chán nản, mạnh ai nấy sống. Những ngày dịch bệnh, vừa làm việc online vừa chăm sóc con cái, lo việc nhà khiến chị C rất mệt mỏi. Trong những đêm mất ngủ, chị tham gia các phòng chat trên mạng xã hội giải khuây. Trong số đó, có một anh mà chị cảm thấy nói chuyện rất hợp và theo gợi ý của anh này, hai người chuyển sang chat riêng. Sự thăm hỏi ân cần của người khác giới dù xa lạ cũng làm chị vơi bớt phần nào cô đơn. Chị C bắt đầu đăng tải nhiều hình ảnh trên trang cá nhân, từ chuyện nấu ăn, cắm lọ hoa đến thử cái váy, màu son mới… , người ấy vào like, bình luận sôi nổi. Thấy vợ biểu hiện lạ, có vẻ yêu đời, chăm chút ngoại hình, lúc nào cũng giữ điện thoại bên mình, chồng chị C âm thầm theo dõi. Sau đó, chồng chị chụp lại các trang trò chuyện, hình ảnh riêng tư trao đổi của vợ và đối tác rồi quy kết chị ngoại tình. Sau màn dằn mặt đối phương, chồng chị C bắt vợ khóa trang cá nhân trên Facebook, cam kết không liên lạc người đó nữa. Mọi việc có vẻ tạm yên nhưng tình cảm vợ chồng không còn như xưa.

Sau mấy lần liên hệ mua hàng hóa, thấy cô bán hàng online xinh đẹp, dễ thương, anh P ở quận Ninh Kiều bắt đầu tán tỉnh. Nội dung nào cô đăng tải, anh cũng hưởng ứng nhiệt tình, còn chia sẻ các mặt hàng cô này bán với bạn bè. Do trang của anh P không đăng hình ảnh gia đình nên cô gái tin tưởng anh P đang ly thân, sắp ly hôn, chấp nhận lời yêu. Từ việc tương tác công khai, hai người chuyển sang nhắn tin riêng, xưng hô “ông xã, bà xã”, rồi gặp mặt đi chơi. Vì không kết bạn trên mạng xã hội nên vợ anh P không hay biết chuyện chồng làm. Vui với người mới, anh P ít quan tâm gia đình, về nhà vẫn ôm máy nhắn tin đến khuya. Nhờ người bạn cho biết sự việc, vợ anh P tá hỏa, tìm đến tận nhà cô gái làm cho ra lẽ. Chuyện vỡ lỡ, vợ anh P đưa các con về nhà mẹ ruột và quyết định ly thân thiệt như lời chồng nói.

Hiện nay, nhiều gia đình cả vợ và chồng đều tham gia mạng xã hội, có người lập nhiều tài khoản, mải miết “thả thính”, sống ảo trong những câu lạc bộ kết bạn, nhóm sở thích… Chưa biết vui đến mức nào nhưng kiểu chơi này tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Lúc đầu có thể chỉ để giải khuây, nhưng dần dà, những mối quan hệ ảo chiếm hết tâm trí, khi trở lại cuộc sống thực với áp lực, trách nhiệm… lại sinh ra chán nản bạn đời. Thậm chí có trường hợp vợ chồng thiếu tin tưởng nhau, theo dõi bằng cách lập nick ảo, kết bạn, “thả mồi” để xem có “dính” không, dẫn đến đổ vỡ.

Về việc giải trí trên mạng, anh Trần Tuấn Kiệt ở quận Cái Răng chia sẻ: “Tôi tham gia nhiều nhóm, chủ yếu nắm tin tức thời sự, tìm hiểu thông tin lĩnh vực làm việc, kết nối bạn bè. Vợ chồng tôi thường vào xem trang cá nhân của nhau, thấy cái nào chưa được thì nhắc khéo để người kia điều chỉnh. Theo tôi, cái cần đầu tư là chất lượng cuộc sống thật hằng ngày, sức khỏe, niềm vui của người thân, nên phần lớn thời gian tôi dành cho vợ con”. Gia đình nhỏ của anh Kiệt rất đầm ấm. Anh thể hiện sự chu đáo bằng những bữa cơm nấu sẵn khi vợ đi làm về trễ, dạy con học, cuối tuần thì sửa sang vật dụng trong nhà hoặc cùng con tập thể dục… Những lúc này vợ anh Kiệt chụp hình đăng face, ngầm ý “khoe” chồng giỏi. Những khoảnh khắc dễ thương ấy như gia vị làm tăng thêm hạnh phúc.

Mạng xã hội là công cụ có ích nếu biết sử dụng hợp lý. Còn ngược lại, không vượt qua được cám dỗ, hay đi quá giới hạn, thiếu kiểm soát, sẽ đem lại những mặt tiêu cực, nhất là trong vấn đề tình cảm. Xây dựng một gia đình đã khó, giữ hạnh phúc lâu bền lại càng khó hơn, đòi hỏi người trong cuộc phải biết trân trọng và có trách nhiệm vun đắp. Ðừng vì những phút giây vui vẻ phù phiếm mà để cuộc sống ảo làm rạn nứt tình cảm thật của vợ chồng.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết