11/11/2015 - 21:51

Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế

Giải quyết khó khăn, tăng đầu tư để phát triển

Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư trong và ngoài nước được xem là mục tiêu chung của các Ban Quản lý khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ khu vực phía Nam. Tại Hội nghị giao ban các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao lần thứ III vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ, các bên có liên quan đã cùng phân tích những tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghiệp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhằm thúc đẩy hợp tác, phát huy lợi thế địa phương và toàn vùng trong phát triển các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế theo hướng bền vững.

Còn đó nhiều bất cập

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến tháng 12-2015, cả nước có 348 KCN, khu chế xuất, khu kinh tế (KKT). Trong đó, có 304 khu được thành lập trên tổng số 463 khu có trong quy hoạch với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85.000ha. Diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 56.200ha (chiếm khoảng 66% tổng diện tích đất tự nhiên). Cả nước có 16 KKT ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước là 815.000ha và 28 KKT cửa khẩu.

Các KCN Cần Thơ hiện có 220 dự án đầu tư còn hiệu lực, giải quyết việc làm cho hơn 31.200 lao động. Trong ảnh: Công nhân chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Thủy sản Nam Hải (KCN Trà Nóc).

Lũy kế đến cuối tháng 9-2015, các KCN, khu chế xuất, KKT trong cả nước đã thu hút được 5.946 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 96 tỉ USD, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt hơn 55 tỉ USD, bằng 59% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các KKT thu hút được 305 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 42.000 triệu USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 16.520 triệu USD bằng 44% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các KCN cả nước đã thu hút được 5.647 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 568.184 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 288.256 tỉ đồng, bằng 51% tổng vốn đăng ký. Đối với các KKT, lũy kế đến nay đã thu hút được 863 dự án với tổng mức đầu tư 547.815 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 176.210 tỉ đồng, bằng 31% tổng vốn đăng ký. Đối với các KKT cửa khẩu, lũy kế đến nay đã thu hút được 602 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 700 triệu USD và 40.000 tỉ đồng.

Nhìn chung, việc phát triển các KCN là nguồn chủ lực cho thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, công tác quy hoạch và phát triển các KCN đã đem lại những thành tựu to lớn cho đất nước, tăng đầu tư vào KCN, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động và gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng còn nhiều KCN không có nhà đầu tư hoặc quy hoạch KCN nhưng lại không triển khai, dẫn đến hiệu quả sử dụng đất không cao, tạo ra dư luận không tốt, nhất là ảnh hưởng đời sống người dân trong vùng quy hoạch KCN. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong phát triển KCN như giảm giá cho thuê đất dưới giá thành, có ưu đãi riêng của địa phương... Theo một số địa phương, hiện nay đầu tư hạ tầng ngoài KCN gắn với hạ tầng KCN ở một số KCN chưa đồng bộ. Tình trạng đấu nối lưới điện trung thế, xây dựng các trạm biến áp, hệ thống cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc… vẫn còn mâu thuẫn giữa đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng ngoài KCN, nhất là trong lĩnh vực cấp nước và cấp điện. Sự không đồng bộ về kết nối hạ tầng KCN và đô thị cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hấp lực đầu tư vào các KCN của nhà đầu tư.

Cần nâng cao năng lực quản lý

Thu hút nhiều dự án đầu tư vào các KCN mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nhưng cũng đặt ra những đòi hỏi về hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động của các cơ quan quản lý tại địa phương, trong đó có Ban Quản lý các KCN. Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015 có nhiều thay đổi quan trọng, tạo bước đột phá trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Luật Đầu tư vào hoạt động quản lý doanh nghiệp, các Ban quản lý KCN gặp không ít khó khăn trong quản lý pháp nhân của nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Phước, theo Khoản 2, Điều 36 của Luật Đầu tư, các dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước không nhất thiết phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây là quy định rất thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng gây khó khăn cho công tác quản lý của Ban Quản lý các KCN, KKT vì sẽ không nắm được ngành nghề đầu tư của doanh nghiệp, vốn đầu tư, công nghệ... Ngoài ra, cũng cần xem xét lại quy định việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% và thay đổi nhà đầu tư nhằm giảm bớt thời gian, thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Theo nhận định của các đơn vị quản lý KCN, cần có sự thống nhất giữa các quy định pháp lý về chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý các KCN trong quản lý quy hoạch, xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, quản lý chất lượng công trình xây dựng của các Dự án đầu tư trong khu công nghiệp với các cơ quan chuyên môn.... Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ chia sẻ: Thực tế hiện nay, trong KCN gần như cơ quan nào cũng đều có quyền tổ chức kiểm tra, thanh tra (thanh tra địa phương, thanh tra các Bộ, thanh tra chuyên ngành,…). Ví vụ về lĩnh vực môi trường trong KCN, một doanh nghiệp phải tiếp hơn 4 cơ quan kiểm tra, thanh tra: Tổng cục Môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục Cảnh sát môi trường,… Đây chỉ mới có một lĩnh vực, còn các lĩnh vực khác nữa. Nhưng, điều đặc biệt là họ có thể triển khai thực hiện mà không cần có sự đồng thuận hay phối hợp với Ban Quản lý KCN. Ngược lại, nếu công tác quản lý nhà nước tại KCN kém, lỏng lẻo, kém hiệu quả và hiệu lực thì cũng không được. Nên chăng, những hoạt động trong KCN để Ban Quản lý làm một đầu mối sẽ thuận lợi hơn.

Trong quá trình thu hút đầu tư vào các KCN, bên cạnh việc chú trọng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, nhà đầu tư nước ngoài, Ban Quản lý các KCN và các địa phương cũng cần quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, một số địa phương cho rằng, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng để phục vụ ngay các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đầu tư và sản xuất ngay, với những khu nhà xưởng có diện tích nhỏ rất phù hợp với loại hình này. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, TP Cần Thơ, chia sẻ: Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp quy mô vừa và nhỏ vẫn tồn tại chủ yếu trong các khu dân cư, khó mở rộng quy mô, hạn chế đầu tư công nghệ. Do đó, cần có chính sách và chế độ ưu đãi để đưa các doanh nghiệp này vào các khu, cụm công nghiệp tập trung, giá cho thuê đất có thể trả dần theo từng năm thay vì thanh toán 1 lần. Có như vậy doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của các khu công nghiệp và của địa phương.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết