03/08/2009 - 20:30

Tăng cường nhân lực cho ngành y tế TP Cần Thơ

Giải pháp nào?

Giờ học của sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tại cơ sở thuê mượn của Trường Trung học Giao thông vận tải miền Nam.

Cả khu vực ĐBSCL chỉ có Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là cơ sở đào tạo y, bác sĩ có trình độ đại học, hệ chính quy. Ở TP Cần Thơ, còn có Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ vốn được nâng cấp từ Trường Trung học Y tế Cần Thơ trong một vài năm gần đây. Cả 2 cơ sở đào tạo này đều gặp khó khăn về việc mở rộng qui mô, ngành nghề đào tạo. Trong khi đó, hệ thống cơ sở y tế công lập, ngoài công lập ngày càng phát triển, nhu cầu cán bộ y tế ngày càng tăng.

Thiếu hụt ở mọi tuyến

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, hiện nay, toàn ngành y tế thành phố có 2.653 cán bộ, viên chức. Trong đó, có 307 người có trình độ sau đại học, 456 người có trình độ đại học- như vậy, số người có trình độ từ đại học trở lên chiếm chưa đến 30% tổng số cán bộ viên chức của ngành. Theo nhận xét của bác sĩ Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, đội ngũ này hiện còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, ở từng cơ sở y tế, tỷ lệ giữa bác sĩ và điều dưỡng vẫn chưa hợp lý; còn thiếu cử nhân điều dưỡng và dược sĩ đại học, đặc biệt là ở tuyến cơ sở.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho rằng nhân lực ngành y tế vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng vừa thiếu, vừa yếu. Thiếu nhất là cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Huyết học- Truyền máu khu vực Cần Thơ, phân tích: “Qui định biên chế của trung tâm là 1,4 người/ 1.000 đơn vị máu được lấy. Năm 2009, Trung tâm thu gom khoảng 3.000 đơn vị máu, tăng gấp 3 so với trước kia. Trong khi đó, số lượng cán bộ nhân viên vẫn không tăng nên hoạt động của trung tâm gặp không ít khó khăn”.

Ngay cả bệnh viện tuyến thành phố cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực. Bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, bình quân mỗi ngày Khoa sản của bệnh viện tiếp nhận 15 ca. Dự kiến, tháng 10-2009, bệnh viện sẽ tiếp nhận Khoa Phụ sản của Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ, lượng bệnh có thể tăng lên 25 ca/ ngày. Bên cạnh đó, bệnh viện đang phấn đấu để được công nhận bệnh viện hạng I vào năm 2012. Vì vậy, bệnh viện cần thêm ít nhất 50 bác sĩ”.

Khắc phục từ khâu đào tạo

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nêu trên chính là công tác đào tạo đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có 2 trường công lập đào tạo lĩnh vực y tế là Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Cả hai nơi đều đang gặp khó về cơ sở vật chất, chưa thể mở rộng qui mô đào tạo. Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ hiện đào tạo 6 ngành ở bậc trung cấp và 1 ở bậc ngành cao đẳng. Qui mô đào tạo chỉ khoảng 2.300 học sinh, sinh viên. Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, nói: “Diện tích cơ sở cũ của trường là 6.000 m2 nhưng khi làm đường Nguyễn Văn Cừ, diện tích còn lại chỉ là 4.500m2. Trường đã được UBND TP giao khu đất diện tích 2.900m2 để xây dựng cơ sở vật chất, nhưng trường gặp khó trong khâu giải phóng mặt bằng. Do đó, chưa thể mở rộng qui mô đào tạo”.

Còn Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, từ khi tách ra khỏi Trường Đại học Cần Thơ, đến nay vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất riêng của trường. Bình quân hằng năm Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có khoảng 200 bác sĩ ra trường. Năm 2009, trường mở thêm 3 ngành mới là: Bác sĩ Y học dự phòng, Cử nhân Y tế công cộng, Kỹ thuật y học- chuyên ngành Xét nghiệm. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009 của trường là 800 sinh viên, trong đó có 350 sinh viên đào tạo theo địa chỉ. So với năm 2008, chỉ tiêu tuyển sinh không tăng. Trong khi nhu cầu của người dân về dịch vụ y tế ngày càng cao, nhiều cơ sở y tế công lập, tư nhân được thành lập, mở rộng thì việc đào tạo nhân lực cho ngành y dường như đang “giậm chân tại chỗ”.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ, các sở ban ngành với Sở Y tế TP Cần Thơ về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” vừa qua, nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở đã được nêu ra. Bác sĩ Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, gợi ý các cơ sở đào tạo nên chọn những thí sinh có điểm thi trên điểm sàn nhưng dưới điểm chuẩn xét tuyển và có nguyện vọng, cam kết phục vụ lâu dài ở tuyến y tế cơ sở để đào tạo. Bác sĩ Trần Sophia, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, đề nghị: “Thành ủy Cần Thơ nên có chủ trương chọn bác sĩ trẻ, giỏi đưa đi đào tạo, phục vụ cho các chuyên khoa. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện, trung tâm một cách đồng bộ; có như thế mới thu hút được nhân tài về phục vụ”. Song song đó, để bổ sung bác sĩ cho y tế tuyến cơ sở, các địa phương cần tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên tu, đào tạo theo địa chỉ. Đồng thời, phải tăng cường chính sách hỗ trợ cho bác sĩ phục vụ ở các vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn.

***

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y là điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ11,5% cán bộ nhân viên ngành y tế có trình độ sau đại học, 17,2% cán bộ nhân viên ngành y tế có trình độ đại học- là những con số đầy bức xúc về thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế hiện nay. “Để nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, ngành y tế cần qui hoạch công tác đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học và cân đối các lĩnh vực đào tạo để có được nguồn lực không chỉ vững vàng về số lượng mà cả về chất lượng”- đồng chí Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh. Để giải quyết bài toán nhân lực của ngành y tế, căn cơ nhất vẫn phải là nâng cao năng lực, qui mô đào tạo của các cơ sở đào tạo y dược trên địa bàn.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết