19/08/2008 - 21:14

Thiết lập kênh phân phối bán lẻ hàng hóa

Giải pháp để kiểm soát thị trường hiệu quả

Theo ý kiến của các nhà kinh tế, ngoài các chính sách điều tiết vĩ mô để kiềm chế lạm phát thì việc thiết lập hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa rất cần thiết trong kiểm soát và điều tiết thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, TP Cần Thơ đang thiếu hệ thống phân phối “xương sống” này. Đây là thách thức đặt ra cho thành phố trong việc phấn đấu trở thành trung tâm phân phối hàng hóa của vùng.

Hệ thống bán lẻ: yếu và thiếu...

Thiết lập kênh phân phối các mặt hàng thiết yếu là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bình ổn giá (trong ảnh: Khách hàng chờ tính tiền tại Siêu thị Co.op Mart Cần Thơ). 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) trong ngành lương thực, thực phẩm, việc mở rộng thị trường nội địa và xây dựng kênh phân phối hàng hóa riêng đang vướng nhiều rào cản, buộc DN phải suy tính. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực sông Hậu (Khu công nghiệp Trà Nóc I), cho biết: “Hiện nay, công ty chỉ có 1 cửa hàng bán lẻ đặt tại quận Cái Răng. Chúng tôi cũng có 28 đại lý vệ tinh, nhưng cung ứng theo kiểu mua đứt bán đoạn”.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện tại, các DN trong ngành sản xuất hàng hóa chưa tạo được kênh phân phối trên phạm vi rộng và không có hệ thống phân phối, hàng hóa khó đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng thiết lập được hệ thống phân phối riêng của mình. Do vậy, cần phải có DN phân phối chuyên nghiệp tham gia”. Theo bà Thuận, kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích...) đang dần lớn mạnh bên cạnh các chợ truyền thống và thực hiện phân phối hàng hóa khá tốt đến tay người tiêu dùng. Nhưng để tham gia vào hệ thống phân phối này, sản phẩm của DN cần đáp ứng đủ điều kiện cho từng hệ thống. Do vậy, cần hỗ trợ để DN nâng cao năng lực quản lý, tạo dựng kênh phân phối bán lẻ hàng hóa.

TP Cần Thơ hiện có 4 siêu thị, 1 trung tâm phân phối (Metro Hưng Lợi) và 100 chợ truyền thống cùng nhiều cửa hàng tiện ích, tập trung ở các quận trung tâm như Ninh Kiều và Bình Thủy. Theo Sở Công Thương, hệ thống chợ hiện tại hầu hết là nhỏ lẻ, vừa bán buôn vừa bán lẻ, kinh doanh theo hộ gia đình. Tình trạng này làm phát sinh nhiều vấn đề như: chợ nằm trong khu dân cư, mở rộng khó khăn. Còn nếu xây thêm chợ mới, khi hoàn thành không ai vào bán. Các trung tâm phân phối cũng phát triển có chừng mực, phân khúc thị trường chưa rõ ràng làm cho hàng hóa không lưu thông suốt. Hơn nữa, các chợ đầu mối gần như không phát huy được hiệu quả, do trở ngại trong việc huy động những người bán buôn chuyên nghiệp vào kinh doanh ở chợ. Còn nếu giao chợ cho DN kinh doanh chợ, DN chỉ cho thuê và việc cho những người buôn bán nhỏ lẻ vào kinh doanh đã làm giảm hiệu quả khai thác của chợ, đồng thời không còn là chợ đầu mối đúng nghĩa.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Các mặt hàng phân bón, thép xây dựng, xi măng do chưa được Chính phủ thiết lập hệ thống phân phối như xăng dầu, nên quá trình phân phối còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng. Hiện tại, các tổ chức, cá nhân năng lực tài chính mạnh thì có thể tổ chức kinh doanh. Nguồn hàng được cung cấp từ một hoặc nhiều DN sản xuất và nhập khẩu với nhiều chủng loại khác nhau, giá cả khác nhau, nên niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết chưa thống nhất”. Lâu nay, DN chú trọng đến sản xuất mà “quên” thương mại. Việc chưa thiết lập kênh phân phối từ đầu đến cuối nguồn rất dễ gây xáo trộn khi thị trường biến động.

Thách thức...

UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt chương trình phát triển thương mại-dịch vụ của thành phố đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 59.220 tỉ đồng. Theo định hướng đến năm 2010, thành phố sẽ xóa những chợ tự phát, tập trung đầu tư mới, nâng cấp và đưa vào hoạt động các chợ trung tâm tại quận, huyện. Phấn đấu đến năm 2015, tại mỗi trung tâm quận, huyện hình thành ít nhất một trung tâm thương mại, siêu thị loại II trở lên. Sang giai đoạn 2016-2020, xã hội hóa hoàn toàn việc quản lý, khai thác chợ. Song song đó, tập trung phát triển những dịch vụ có thế mạnh của thành phố như: tài chính- ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải, du lịch, giáo dục- đào tạo, nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng... nhằm đa dạng hóa các loại hình sở hữu, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Ngọc Minh, để kiểm soát nguồn hàng, giá bán, cần thiết lập hệ thống phân phối để kiểm tra được giá bán đầu và cuối nguồn. Tuy nhiên, vấn đề này còn liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành của Trung ương. Việc xây dựng kênh phân phối không phải một sớm một chiều có thể hoàn thành. Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có một số DN tham gia kinh doanh chợ, nhưng nhìn chung việc quản lý và phân phối hàng hóa chưa phổ biến trên phạm vi rộng.

Mới đây, Vụ Chính sách thị trường (Bộ Công Thương) đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Đề án “Giải pháp đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ nước ta hiện nay và những năm tiếp theo”, dựa trên mô hình phân phối sẵn có kết hợp với kênh phân phối hiện đại đang hình thành. Đề án tính đến việc phát triển hệ thống bán lẻ trực thuộc DN kinh doanh lớn, với các mặt hàng vật tư chiến lược và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Theo Vụ Chính sách thị trường, các hệ thống phân phối hiện tại còn quá mỏng, nên dễ bị “tổn thương” trước các tác động của giá cả thị trường trong nước và thế giới. Yếu kém nhất vẫn là việc tổ chức quản lý nhà nước đối với hệ thống này và trên thực tế, thị trường hiện nay đang thiếu hệ thống phân phối “xương sống”. Nếu có, hệ thống này sẽ đảm bảo kiểm soát và chi phối điều tiết thị trường hiệu quả.

Theo đề án, các mặt hàng chủ lực như: xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón, lương thực phải tổ chức lại theo hướng các DN tổ chức kênh phân phối, thống nhất giá bán đầu và cuối nguồn. Nếu phân phối theo hướng này, giá cả hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng sẽ đúng với giá DN bán ra, đồng thời hạn chế tình trạng nhà nước cứ bù lỗ mà người tiêu dùng vẫn phải chịu giá cao. Mặt khác, tập trung đầu mối quản lý nhà nước đối với các hệ thống bán lẻ trên thị trường cả nước vào Bộ Công Thương (đối với vật tư quan trọng, hàng thiết yếu và một số hệ thống phân phối bán lẻ lớn về tổng hợp hàng tiêu dùng). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khi Chính phủ thông qua Đề án, việc xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ trong cả nước không dễ triển khai trong thời gian ngắn... do công tác tổ chức thị trường có liên quan tới rất nhiều bộ, ngành và địa phương. Việc thống nhất giá bán từ đầu đến cuối nguồn thì đích đến còn rất xa!

Với những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đầu năm 2009, các nhà phân phối nước ngoài có thể thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Từ ngày 1-1-2009, các tập đoàn bán lẻ chuyên nghiệp nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam. Theo dự báo của chuyên gia kinh tế, những mô hình mua sắm hiện đại theo hướng “mua sắm- giải trí” sẽ lấn át kênh phân phối trong nước, nếu không được cải tiến tốt nhất về tổ chức hoạt động và công nghệ!

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết