14/07/2016 - 20:30

Giải bài toán vốn tín dụng cho ĐBSCL

Những năm qua, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để đánh giá hiệu quả nguồn vốn tín dụng tại ĐBSCL, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội thảo tại tỉnh Hậu Giang. Cùng đó, một số cơ chế, chính sách tín dụng cũng được đề cập đến nhằm phát huy nội lực thúc đẩy ĐBSCL phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tín dụng thúc đẩy tăng trưởng

Theo báo cáo của NHNN, trên địa bàn ĐBSCL, mạng lưới các tổ chức tín dụng (TCTD) liên tục được mở rộng, gồm: 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, trên 20 ngân hàng thương mại cổ phần, 2 ngân hàng chính sách, 5 chi nhánh và 3 phòng giao dịch của Ngân hàng Hợp tác xã và hệ thống 147 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Hoạt động ngân hàng của khu vực ĐBSCL trong những năm qua đã đạt kết quả khá tốt. Huy động vốn luôn luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước và chiếm khoảng 7% tổng vốn huy động của nền kinh tế. Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư trở lại phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Đến 30-6-2016, huy động vốn của các TCTD cả vùng đạt trên 350.000 tỉ đồng, tăng 9,93% so với cuối năm 2015; dư nợ cho vay đạt 397.991 tỉ đồng, tăng 3,39% so với cuối năm 2015 và chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng trong tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân vùng ĐBSCL. Đến nay, có 2 triệu khách hàng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ đạt 25.972 tỉ đồng.

Ký kết hợp đồng tín dụng tại MDEC-Hậu Giang 2016.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, khẳng định: "Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho hộ dân, doanh nghiệp trên cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng ổn định, phát triển sản xuất. NHNN tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp- nông thôn; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; chương trình tín dụng xanh; cho vay mô hình chuỗi liên kết… để tạo điều kiện cho vùng phát triển". Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại tại vùng có điều kiện mở rộng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thương mại; nâng cao chất lượng giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Tính đến ngày 30-6-2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn khu vực ĐBSCL đạt 190.000 tỉ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm 22% tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và 458% tổng dư nợ cho vay tại ĐBSCL. Các TCTD tập trung cho vay đối với các lĩnh vực như: thủy sản, lương thực, chăn nuôi, rau quả… Cụ thể, dư nợ cho vay thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 55.000 tỉ đồng; dư nợ cho vay lúa gạo 27.500 tỉ đồng; 10 doanh nghiệp được chọn tham gia chương trình cho vay thí điểm sản xuất theo chuỗi với số tiền ngân hàng đã giải ngân gần 5.424 tỉ đồng. Ngoài ra, Chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp tại vùng cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, khoảng 5.450 doanh nghiệp được các ngân hàng cam kết tài trợ tổng số tiền hơn 62.700 tỉ đồng, trong đó cam kết cho vay mới đạt 57.000 tỉ đồng. Ngành ngân hàng cũng tích cực đầu tư vào công nghiệp- xây dựng, thương mại– dịch vụ. Một số dự án trọng điểm của vùng có sự tham gia tài trợ vốn của ngân hàng như: dự án cáp ngầm 11kV Hà Tiên- Phú Quốc, các dự án điện, khí- điện-đạm Cà Mau… với tổng mức đầu tư là 54.882 tỉ đồng…

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần rất lớn cho sự phát triển của ĐBSCL. Chỉ riêng trong 3 năm gần đây, trong tổng số 44 văn bản chỉ đạo điều hành về tín dụng có 24 văn bản là chỉ đạo riêng các chương trình dành cho vùng. Song, nhiều ý kiến cho rằng, tín dụng đầu tư cho vùng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, giải bài toán vốn cho vùng cần sự nhập cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan và các địa phương cùng ngành ngân hàng.

Liên kết phát triển chuỗi

Bà Trần Thanh Nga, Giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ Thành Tín (tỉnh Sóc Trăng), cho biết: "Nhiều ngân hàng ủng hộ doanh nghiệp, giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp để thu mua lúa của nông dân, nhưng một số ngân hàng quá thận trọng trong việc giải ngân cho doanh nghiệp vay khi vào vụ lúa. Điều này khiến nông dân thiệt thòi khi bán lúa, doanh nghiệp không đủ vốn xoay xở khi mùa vụ thu hoạch đồng loạt, nông dân thì cần bán lúa ngay để tái đầu tư". Theo bà Nga, là doanh nghiệp được chọn tham gia mô hình thí điểm chuỗi liên kết, doanh nghiệp phải cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân, nông dân cũng tuân thủ quy trình mà doanh nghiệp đưa ra, nhưng không phải sự hợp tác này lúc nào cũng thuận lợi. Mô hình thí điểm chuỗi liên kết là hướng đi đúng, nhưng cần sự tham gia của nhiều bên để giải quyết những bất cập trong liên kết.

Quýt đường Long Trị (Hậu Giang) đã được tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Hiện nay, hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp trong bối cảnh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh gay gắt với sản phẩm trong khu vực và trên thế giới. Sự liên kết sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp còn yếu. Đặc biệt là những tháng đầu năm 2016, nền kinh tế nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi hạn hán, xâm nhập mặn được coi là lớn nhất trong vòng 100 năm qua, trong khi công tác quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu ngành chưa được triển khai hiệu quả. Chính sách xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức cũng làm giảm sức cạnh tranh của nông sản. Chính sách liên kết vùng, khuyến khích hợp tác, phát triển doanh nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ… Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, từ những hạn chế trên cũng làm cho đầu tư tín dụng cho vùng đối mặt với khó khăn, thách thức. Để giải quyết những khó khăn này, cần có biện pháp an cư lâu dài và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan và các địa phương để thúc đẩy sự phát triển của ĐBSCL. "Ngân hàng sẵn sàng và quyết tâm cùng chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL triển khai chính sách tín dụng cho vùng, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng. Song, ĐBSCL cần liên kết vùng gắn với phân bổ nguồn lực, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp, cho các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả"- ông Tú khẳng định.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, cần nhìn nhận đúng vai trò của nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập; xác định thế mạnh của nông nghiệp và những khó khăn mà nông nghiệp phải đối mặt để có hướng gỡ. Sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, do đó chính sách tài chính, tín dụng phải linh hoạt để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh. Còn TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia thì cho rằng, ĐBSCL cần tái cấu trúc nông nghiệp gắn với tín dụng ngân hàng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của vùng. Khi Trung ương ban hành chính sách thì các bộ, ngành phải thể chế hóa chính sách; đồng thời thông tin tuyên truyền rộng rãi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ chính sách. Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng để tăng tính chủ động, linh hoạt cho các ngân hàng thương mại và các bên tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp, không nên quy định cứng nhắc ưu đãi ở mức nào và hạn mức bao nhiêu mà để các bên tự thỏa thuận. Nếu ngân hàng thiết kế gói sản phẩm dịch vụ dành riêng cho chuỗi liên kết giá trị thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết