21/01/2009 - 09:29

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các doanh nghiệp dệt may, da giày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

Duy trì sản xuất, xuất khẩu, chăm lo đời sống người lao động

Tại hội nghị giao ban trực tuyến về sản xuất-xuất khẩu 2009 với các doanh nghiệp dệt may, da giày tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh ngày 20-1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Trách nhiệm vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày trong giai đoạn khó khăn này là phải duy trì sản xuất, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng được mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may, da giày tham gia hội nghị đều bộc lộ sự lo lắng về việc hoàn thành kế hoạch xuất khẩu gần 15 tỉ USD trong năm 2009. Tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) bày tỏ: quý 1-2009, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới đã khiến chỉ một số ít doanh nghiệp có thương hiệu và mối quan hệ truyền thống với các nhà nhập khẩu lớn như May 10, May Việt Tiến, Nhà Bè, Bình Minh... có thể thu xếp đơn hàng để sản xuất đến tháng 4-2009, còn lại hầu hết các doanh nghiệp khác, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI đã không thu xếp đủ đơn hàng sản xuất ngay cả cho quý 1. Công nhân lo lắng về công ăn việc làm và thu nhập, còn nhà quản lý càng lo lắng hơn cho sự tồn vong của doanh nghiệp.

Tại đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3 dự báo sau Tết âm lịch, một số doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tiếp tục giảm bớt năng lực sản xuất với năng lực chung bình quân giảm 20%, thị trường xuất khẩu cũng giảm 20% vì vậy toàn ngành dệt may khó đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 9,5 tỉ USD.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Để bảo đảm việc làm cho 2 triệu lao động trong hai ngành, cơ hội đối với chúng ta vẫn còn. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành nhiều chính sách về lao động, đầu tư kết cấu hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính..., Do vậy, ngay sau Tết nguyên đán phải thực hiện ngay những cơ chế chính sách này để đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc gì sẽ tiếp tục tháo gỡ.

Đối với xúc tiến thương mại, theo Phó Thủ tướng, cần đề xuất những cơ chế cụ thể hơn, trong đó có cơ chế thưởng xuất khẩu để đảm bảo sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động. Các hiệp hội cùng Bộ Công Thương tổ chức thêm các hội chợ, triển lãm ở các khu vực để tăng kích cầu trong nước. Riêng Hiệp hội chịu trách nhiệm dàn xếp các hợp đồng xuất khẩu trong Hiệp hội cho các doanh nghiệp không có hợp đồng, với mục tiêu tạo việc làm cho người lao động. Đối với vấn đề vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nào khó khăn, Hiệp hội phải tập hợp cùng Bộ Công Thương làm việc với ngân hàng để tháo gỡ từng trường hợp, gỡ được sản xuất là gỡ được xuất khẩu.

“Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong lúc này là phải chăm lo đến đời sống người lao động. Cùng đó, các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền về văn hóa doanh nghiệp để chia sẻ với doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

MAI PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết