10/01/2010 - 09:39

HỘI NGHỊ THI VÀ TUYỂN SINH NĂM 2010

Duy trì "3 chung", đổi mới "thi cụm, chấm chéo"

Năm nay, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn theo phương án “3 chung”. Trong ảnh: Thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 tại Hội đồng thi Trường CĐ Cần Thơ (cụm thi Cần Thơ).
Ảnh: B.Ngọc.

Sáng qua (9-1), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010 tại 6 cầu truyền hình trên cả nước. Nhìn chung, công tác thi, tuyển sinh ở bậc THPT, đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) không gì thay đổi lớn, nhưng qua thực tế đổi mới thi tốt nghiệp THPT cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Một số thay đổi nhỏ ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng được các đại biểu bàn luận sôi nổi...

* Thi tốt nghiệp THPT: Nên thi cụm, chấm khu vực

Với mục đích nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiến tới tổ chức một kỳ thi quốc gia, năm 2009, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức “thi cụm, chấm chéo”. Mỗi cụm thi có ít nhất 3 trường THPT (hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên), học sinh sẽ tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn- những nơi có điều kiện tốt hơn- để dự thi. Mỗi cụm trường sẽ thành lập 1 hội đồng thi. Trường hợp đặc biệt- những trường ở vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn, không thể tổ chức thi theo cụm, hoặc chỉ tổ chức cụm 2 trường- các Sở GD&ĐT phải báo cáo để xin ý kiến Bộ. Về chấm thi thì đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành lân cận để chấm thi: tỉnh A chấm bài cho tỉnh B, tỉnh B chấm bài cho tỉnh C...

Thực tế cho thấy, “thi cụm, chấm chéo” đã góp phần nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, năm 2010, phương án này vẫn được duy trì nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn. Đó là các Sở GD&ĐT có bài thi cử 1 giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi của Hội đồng chấm thi ở nơi chấm bài thi cho đơn vị mình. Nếu thấy việc chấm thi có xu hướng không đúng đáp án, biểu điểm thì đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi chỉ đạo hoặc báo cáo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh mình xin ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, thay vì chấm chéo thì nên chấm thi theo khu vực hay cụm để tạo sự khách quan khi đánh giá học sinh. Đồng ý với quan điểm của bà Hà, ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: “Việc cử 1 giáo viên của mỗi môn thi tham gia Hội đồng thi sẽ càng phức tạp hơn nhưng hiệu quả không cao. Nên chăng tổ chức chấm thi theo từng cụm, khu vực”.

Vấn đề không ít đại biểu quan tâm, bàn luận là môn Ngoại ngữ nên là môn thi bắt buộc hay là môn thi được thay thế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, nói: “Bộ GD&ĐT đã xác định Ngoại ngữ là môn học có tính chiến lược quan trọng. Theo lộ trình sắp tới, tất cả học sinh tiểu học được học chương trình tiếng Anh mới từ lớp 3. Như vậy, việc xác định môn Ngoại ngữ là môn thi thay thế sẽ không khuyến khích việc dạy và học Ngoại ngữ của giáo viên, học sinh ở trường phổ thông”. Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cần xác định môn Ngoại ngữ là môn học quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài. Nếu như trở thành môn thay thế, ít nhiều sẽ hạn chế khuyến khích học sinh theo học môn Ngoại ngữ. Do vậy, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán và Văn nên có thêm môn Ngoại ngữ.

Những năm trước đây, Bộ GD&ĐT đã có qui định tuyển thẳng đại học đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia. Nhưng, qua thực tế triển khai nảy sinh tình trạng nhiều trường THPT có tâm lý bồi dưỡng học sinh theo hình thức luyện “gà nòi” mà quên hẳn việc bồi dưỡng, giáo dục học sinh thành nhân tài. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã bỏ việc tuyển thẳng đại học đối với đối tượng này. Tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010, vấn đề tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia lại được một số đại biểu đặt ra với mục đích khuyến khích, đẩy mạnh phong trào học sinh giỏi ở các trường. Ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề, đề nghị: “Bộ GD&ĐT nên bổ sung vào quy chế thi, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 học sinh giỏi nghề cấp quốc tế được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ kỹ thuật vì đối tượng thi nghề cấp quốc tế được chọn lọc rất kỹ, đảm bảo chất lượng”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với ý kiến của ông Minh và cho biết sẽ tiếp tục thảo luận về việc tuyển thẳng vào ĐH, CĐ đối với học sinh giỏi cấp quốc gia.

* Thi ĐH, CĐ: Nhiều điểm mới

Năm 2010, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” như các năm trước. Tuy nhiên, để tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả và thiết thực, đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực theo vùng miền, ngành nghề, chính sách xã hội và chất lượng tuyển chọn đầu vào,... Bộ GD&ĐT đã bổ sung một số điểm mới về đối tượng dự thi, cách nộp hồ sơ, công tác tổ chức thi, lệ phí và học phí...

Bộ GD&ĐT cũng đã bổ sung đối tượng được dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Như vậy, năm 2010 là năm đầu tiên có thí sinh dự thi ĐH, CĐ là những học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, tốt nghiệp THCS, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề, cho biết: “Việc bổ sung đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề vào quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ quyết định rất lớn trong việc phân luồng học sinh từ cấp THCS”.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm nay, thí sinh có thể nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi, xét tuyển trực tiếp nguyện vọng (NV) 2 và NV3 tại các trường dự thi. Theo đó, thí sinh dự thi tại trường nào thì nộp hồ sơ đăng ký dự thi cho trường đó qua hệ thống thu nhận hồ sơ của các Sở GD&ĐT. Khi hết thời hạn nộp hồ sơ theo hệ thống của Sở GD - ĐT, thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp cho các trường theo đúng thời hạn quy định. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: mở sổ theo dõi, tổ chức thu nhận, quản lý và cấp biên lai cho thí sinh... Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện hay nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của lịch công tác tuyển sinh, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau. Nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng việc nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi, xét tuyển NV2, NV3 trực tiếp tại các trường dự thi tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thí sinh tham gia học tập.

Tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình tăng lệ phí tuyển sinh năm 2010 và thu cả hai loại phí đăng ký dự thi và phí dự thi cùng lúc khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Giải thích lý do đề nghị tăng mức thu lệ phí và gộp 2 khoản thu này vào một, nhiều đại biểu cho rằng để hạn chế số thí sinh “ảo”. Với cách làm này, các thí sinh có trách nhiệm hơn với việc đăng ký nguyện vọng và giảm bớt gánh nặng cho các trường ĐH, CĐ”- ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.

Ngoài ra, năm nay, Bộ quy định tất cả các trường ĐH, CĐ đều thu học phí bằng đồng Việt Nam, dù là trường liên kết hoặc có yếu tố nước ngoài. Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập công khai mức thu học phí theo tháng hoặc năm học (nếu tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, thì học phí cũng qui đổi theo tháng hoặc năm học) đối với khóa tuyển sinh năm 2010 trong quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính qui năm 2010”. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, nên thực hiện nghiêm túc qui chế “3 công khai” để xác định chỉ tiêu cụ thể của từng trường bên cạnh những qui định về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy...

Tại hội nghị, việc tiến tới một kỳ thi THPT cấp quốc gia cũng được nhắc đến nhưng chưa được đào sâu, thảo luận về cách làm, lộ trình cụ thể trong khi đây là vấn đề giáo viên, phụ huynh, học sinh nói riêng và dư luận xã hội rất quan tâm.

NGỌC DIỄM

Thực hiện nghiêm “3 công khai” để xác định chỉ tiêu tuyển sinh

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2008-2009, toàn ngành thực hiện thành công chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Việc đổi mới công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức “coi thi theo cụm, chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương” đã khắc phục nhiều hạn chế trong các kỳ thi trước đây. Số thí sinh vi phạm qui chế thi bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi giảm 64% so với năm 2008; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của giáo dục THPT đạt trên 80%. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức theo hình thức “3 chung” nghiêm túc, an toàn, đúng qui chế,... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, như: nhiễu thông tin về đề thi bậc THPT trong dư luận, cơ sở vật chất địa điểm thi chưa tốt, nghiệp vụ coi thi của cán bộ, giáo viên còn hạn chế, một số trường tự ý hạ điểm chuẩn, nâng chỉ tiêu tuyển sinh,...

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nếu tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức “thi cụm, chấm chéo” thì nên điều chỉnh chấm thi theo khu vực hoặc cụm để tạo sự khách quan; tuyển thẳng đại học đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia; mở rộng thi trắc nghiệm cho các môn thay vì chỉ một vài môn như hiện nay; môn Anh văn nên qui định là môn bắt buộc. Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị, học sinh dự tuyển vào CĐ, TCCN có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trường đăng ký dự thi tuyển thay vì chỉ được nộp qua đường bưu điện; tăng lệ phí thi...

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng: Việc không tuyển thẳng đối với học sinh giỏi Quốc gia vào trường đại học nhằm định hướng các trường THPT chuyên là giáo dục bồi dưỡng học sinh thành nhân tài, chứ không phải bồi dưỡng năng khiếu. Môn Ngoại ngữ tuy là môn học quan trọng nhưng một số địa phương còn khó khăn nên Bộ GD&ĐT linh động cho phép chọn môn thay thế. Về thi cụm, chấm chéo hay chấm khu vực, mở rộng thi trắc nghiệm các môn... Bộ GD&ĐT sẽ họp bàn và có quyết định cụ thể. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 vẫn tiếp tục duy trì hình thức “3 chung”. Đồng thời, yêu cầu các trường thực hiện nghiêm qui chế của Bộ GD&ĐT; qui chế “3 công khai” (công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, công khai chất lượng đào tạo thực tế và công khai thu chi tài chính) để xác định chỉ tiêu của từng trường. Bộ GD&ĐT sẽ xử phạt nặng những trường tuyển sinh quá chỉ tiêu đã được duyệt.

B.NGỌC


Chia sẻ bài viết