Không phải ngẫu nhiên mà trong tiến trình chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như sau khi chiến tranh kết thúc, các nhà khoa học quân sự Việt Nam và thế giới đã gọi hình thức tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam ở đây là chiến tranh chiến hào.
|
Dưới chiến hào, trước giờ xuất kích. Ảnh: Điện Biên Phủ - Hình ảnh và sự kiện (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) |
Ai cũng biết, chiến hào là “vật tĩnh”, là phương tiện phòng hộ. Cổ kim đông tây, chưa bao giờ chiến hào được xem là vũ khí tiến công. Trên chiến địa, chiến binh thường đào chiến hào xong xuôi rồi mới vào trận. Mà đào chiến hào - giao thông hào để phòng ngự là chính. Ở Điện Biên Phủ lại không như thế. Bộ đội ta đã rất sáng tạo, biết biến chiến hào thành “vật động”, thành vũ khí tiến công. Dĩ nhiên, trước khi giao chiến, bộ đội ta cũng đào công sự nhưng những công sự đó đã biến thành chiến hào. Chiến hào cứ dài dần theo bước tiến quân. Bộ đội đánh tới đâu, chiến hào theo tới đó. Địch phát hiện, phản kích, tìm cách lấp chiến hào, bộ đội ta giáng trả. Khi địch rút, quân ta lại đào chiến hào để tiến công tiếp. Đây là một công việc được tiến hành rất tỉ mỉ, chu đáo. Bộ đội ta đã xây dựng hai loại giao thông hào: một là loại giao thông hào trục, dùng cho việc cơ động bộ binh, cơ động pháo binh, vận chuyển thương binh, hình thành một đường vòng rộng, vây quanh trận địa ở phân khu trung tâm của địch; hai là loại giao thông hào tiếp cận của bộ binh, xuất phát từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang giao thông hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta định tiêu diệt. Dọc giao thông hào bộ binh, có đầy đủ hố phòng pháo, hầm trú ẩn, hào chiến đấu và ụ súng để đối phó với những cuộc phản kích của địch.
Các loại giao thông hào thường có độ sâu 1,7 m (lút đầu người), đáy hào trục rộng 1,2 m, đáy hào bộ binh rộng 0,6 mét. Về chiều dài, lúc đầu được ước tính trên bản đồ khoảng 100 km, nhưng trong suốt quá trình chiến dịch, bộ đội ta đã phải đào lên gấp đôi, đến hơn 200 km (có tài liệu ghi là 400 km) trong điều kiện vô cùng gian khổ, hiểm nguy, liên tục khoảng từ 14 đến 18 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhiều chiến sĩ ta hai bàn tay cứ phồng rát, mọng nước rồi dần dần biến thành chai sần. Lưỡi xẻng ngày đầu mới được phát sáng loáng, tròn trĩnh, to như chiếc quạt nan mà đến ngày đào xong chiến hào tiếp cận địch, lưỡi xẻng mòn vẹt, chỉ còn trơ lại một mảnh sắt nhỏ, cong như một vầng trăng khuyết.
Việc xây dựng hệ thống chiến hào phải tiến hành chủ yếu vào ban đêm, đào đến đâu phải ngụy trang đến đấy và phải đồng thời triển khai trên toàn mặt trận để phân tán sự chống phá của địch. Nhưng, khi các giao thông hào của ta đã vươn dài tới hàng chục km trên cánh đồng thì không còn cách nào che mắt được kẻ thù. Chúng dùng pháo binh và không quân bắn phá suốt ngày đêm, đưa quân ra những trận địa ở gần để san lấp và gài mìn ngăn chặn việc đào tiếp. Mỗi mét đường hào ở đây không chỉ hình thành bằng mồ hôi mà còn bằng cả xương máu của các chiến sĩ ta. Nhiều binh lính lê dương đóng quân ở Điện Biên Phủ lúc bấy giờ, sau này kể lại rằng: Ban ngày nghe tiếng súng nổ, họ không sợ bằng ban đêm, nằm dưới lô cốt nghe âm vang từ tiếng xẻng đào đất của “Quân đội Việt Minh” đang đưa chiến hào tiến lại gần, quây chặt lấy vị trí của họ, cứ tưởng chừng như có cả một gọng kìm khổng lồ đang bóp lại. Cách làm của quân ta như thế đã biến hệ thống chiến hào ở chiến trường Điện Biên Phủ trở thành những con dũi khổng lồ đi tới, bao vây, thít chặt lấy cổ họng quân địch cho tới khi chúng phải hạ vũ khí, giơ cao cờ trắng đầu hàng.
Trước nguy cơ “tử thần đang giơ cao lưỡi hái” trên chiến địa, không phải Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương không có biện pháp xử lý. Tại Sở Chỉ huy của R.Cô-nhi tại Hà Nội, một số sĩ quan từng trải chiến trận, sau khi nghiên cứu những bức ảnh do máy bay chụp hằng ngày về sự phát triển hệ thống chiến hào của quân ta, đã liên tưởng tới thời gian tham chiến trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), nên họ đã lưu ý cấp trên phải chuẩn bị ngay việc đối phó. Mệnh lệnh đó lập tức được chuyển đến Điện Biên Phủ nhưng thiếu tướng Đờ Cát-xtơ-ri đã thẳng thắn trả lời là ông ta không có chuyên gia, không có thiết bị nên không đủ khả năng làm điều đó. Có thể, viên tư lệnh chiến trường này đã cho rằng chiến thắng của chiến tranh chiến hào từ phía bên kia là điều bất khả kháng.
Trong toàn bộ thời gian chiến dịch, một hệ thống chiến hào - giao thông hào dài dằng dặc, đã bao vây, chia cắt tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp. Điều ấy chứng tỏ rằng trên chiến trường này, lần đầu tiên trong lịch sử quân sự, quân ta đã thật sự tiến hành chiến tranh chiến hào. Trong khi đó, đối phương đã từng là một quân đội có truyền thống vững vàng và nhiều kinh nghiệm về chiến tranh chiến hào như trong trận vây - công Xê-va-xtô-pôn năm 1858 và trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Thế nhưng, tại chiến địa Điện Biên Phủ, chiến tranh chiến hào, một thứ sở trường của quân đội Pháp đã bị đối phương “tước mất”. Họ đã bị thất bại cay đắng từ cái thế mạnh vốn sẵn có của mình như chính người Pháp, người Mỹ phải thừa nhận. Béc-na Phôn, một người Mỹ gốc Pháp, từng viết nhiều công trình khoa học về chiến tranh Việt Nam và Đông Dương cũng xác nhận: “... Những người cộng sản đã tỏ ra rất mưu trí khi đưa nghệ thuật đào các chiến hào tiếp cận đến mức cao nhất”(1).
Xưa nay, quân đội Pháp vẫn tự hào với thành Véc-đăng mà họ đã giữ vững trong suốt một chiến cục năm 1916, chống lại những trận công kích dữ dội của quân đội Đức. Ngay vào cuối năm 1953, đầu năm 1954, khi đến kiểm tra Điện Biên Phủ, các bộ trưởng và tướng lĩnh Pháp cũng từng khẳng định: Điện Biên Phủ là “một Véc-đăng”. Nhưng rồi cái “Véc-đăng - Điện Biên Phủ” của họ đã “vĩnh viễn ra đi”. Vì vậy, họ rất có lý khi phải thừa nhận rằng trên lĩnh vực chiến hào, ưu thế đã thuộc về phía Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dựa trên hệ thống trận địa chằng chịt, dọc ngang những chiến hào - giao thông hào, quân đội ta đã vận dụng rất thành công một chiến thuật mới là bao vây và đánh lấn. Về vấn đề này, sau khi phân tích những khó khăn trên chiến trường Điện Biên Phủ là các chiến sĩ ta phải chiến đấu trong điều kiện đối phương có hỏa lực pháo binh và không quân mạnh, dù từ từng trung đội đến từng tiểu đoàn đều có công sự cho các trận địa xuất phát tiến công nhưng rồi kết quả cũng chỉ đạt tới mức tiêu diệt được từng tiểu đoàn độc lập của địch; Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trong một thời gian khá dài, vấn đề đặt ra mà chưa giải quyết được là phải làm thế nào để tiến hành được cuộc chiến đấu cả ngày lẫn đêm ở trên mọi loại địa hình, có như vậy mới mở ra khả năng tiêu diệt sinh lực lớn của địch. Sự phát triển công sự thành một hệ thống trận địa tiến công và bao vây đã giải quyết thành công một vấn đề quan trọng, mở ra khả năng nói trên”(2).
Về khả năng đó, Trung đoàn 36(3) đã có những đóng góp đáng kể. Khi đợt tiến công lần thứ nhất của chiến dịch bắt đầu, trung đoàn nhận nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Bản Kéo, do một tiểu đoàn lính ngụy người Thái địa phương đóng giữ, với sự chi viện của pháo binh cấp trên. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề mà cái khó khăn lớn nhất là bộ binh phải vận động tác chiến trên một địa hình trống trải, dưới hỏa lực của máy bay và pháo binh địch. Điều mắc mớ trên đã được cán bộ, chiến sĩ trung đoàn - cũng như ở các đơn vị chiến đấu khác - thảo luận kỹ và nhất trí đi tới một giải pháp là khi xây dựng trận địa xuất phát tiến công, việc đào công sự không dừng lại ở đấy mà phải tiếp tục hình thành những chiến hào tiến lên phía trước, đến tận hàng rào dây thép gai. Việc làm này thật sự là một cuộc chiến đấu. Bộ đội ta vừa sử dụng thành thạo lưỡi xẻng và khẩu súng, lại vừa kiên quyết đánh bại các cuộc xuất kích của địch, tiếp tục đưa chiến hào lấn tới. Thế nhưng nếu không làm như vậy thì không thể nào thu hẹp được không gian và rút ngắn được thời gian vận động tác chiến ngoài trời để tạo khả năng dùng bộc phá “mở cửa” cho các chiến sĩ xung kích tiến lên, chiếm vị trí đầu cầu.
Bước vào đợt tiến công thứ hai của chiến dịch, trung đoàn lại nhận nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm 106, 206 và 311B thuộc trung tâm đề kháng phía tây sân bay Mường Thanh (địch gọi là Uy-ghét-tê). Để tiêu diệt 106, trung đoàn cho đào một hệ thống trận địa tiến công và bao vây như một vòng khép kín, ôm chặt lấy cứ điểm, từ mặt bắc và mặt tây, đồng thời lợi dụng đêm tối, đưa chiến hào tới sát hàng rào dây thép gai. Do chuẩn bị như vậy nên sau khi có lệnh nổ súng, trận đánh đã kết thúc chóng vánh với thắng lợi thuộc về ta và địch không có được một phản ứng nào.
Trên cơ sở những thắng lợi vừa giành được, trung đoàn phát triển vây lấn tiếp các cứ điểm 206 và 311B. Toàn bộ kinh nghiệm trước đó được vận dụng ngay vào chiến đấu. Bởi vậy, việc công kích đã diễn ra suôn sẻ, nhanh gọn mà số thương vong lại không đáng kể.
Như vậy, về cơ bản, trung tâm đề kháng Uy-ghét-tê với bảy điểm tựa - bị san phẳng thì hai điểm mạnh nhất là 106 và 206 đã thuộc về chiến công của trung đoàn. Sự kiện này cũng có nghĩa là một trung tâm đề kháng trong tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị chiến tranh chiến hào - chiến thuật vây lấn của Quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt.
DƯƠNG XUÂN ĐỐNG
Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự
(Theo Báo Nhân Dân)
-----------------------
(1). B.Phôn, Những cuộc chiến tranh Đông Dương, Jai lu, Paris, 1965, trang 375.
(2). Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1979, trang 185 - 186.
(3). Còn gọi là “Trung đoàn Bắc - Bắc”, bao gồm con em nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.