Chiều đi làm về, thấy bé Ngọc (12 tuổi) đang ngồi học bài, chị Ngọc Hân (quận Bình Thủy) hỏi ngay: “Chuyện tối qua mẹ kêu, con nói với cha chưa?”, Ngọc phụng phịu: “Mẹ muốn gì tự nói đi, con không chịu nói mấy vụ đó nữa đâu!”. Định nấu cơm ăn, nghe con trả lời vậy, chị Hân tức giận quát lên: “Nhờ nhiêu đó làm cũng không được. Mẹ cực khổ lo cho con, nhưng con có thương mẹ đâu. Con chỉ bênh cha và người ngoài thôi! Tự nấu mì ăn đi!”. Mẹ bỏ vào phòng, đâu hay Ngọc khóc thầm.
|
Con cái đều mong muốn có gia đình hạnh phúc, cha mẹ thương yêu nhau. Trong ảnh: Phụ huynh đưa con đi chơi Khu du lịch Mỹ Khánh. |
Nửa năm nay, từ ngày nghe người ta đồn cha có “bồ nhí”, mẹ như đổi tính, không còn hiền dịu, chăm chút gia đình như xưa. Mẹ chửi riết rồi cha cũng không dám về nhà sớm ăn cơm, điện thoại mẹ gọi, cha cũng không muốn nghe. Mẹ chuyển qua cách khác là kể lể, khóc than…, rồi bắt Ngọc tường thuật lại với cha. Chừng vài lần, Ngọc thấy mẹ quá đáng, vì cha không xấu, không vô trách nhiệm như mẹ nói. Cha khẳng định không hề có người khác, chỉ yêu thương hai mẹ con nhưng mẹ không tin. Mỗi lần cha mua vật dụng gia đình hay quà bánh là mẹ Ngọc cho rằng cha chỉ tìm cách chuộc lỗi, không cho con ăn, hư thì đem bỏ. Sống trong cảnh ngột ngạt riết rồi Ngọc học hành cũng không vô. Cứ đà này chắc Ngọc xin qua nhà nội ở cho yên.
Chị Kim Chi ở quận Ninh Kiều, kể câu chuyện cách đây hơn năm mà giờ nhớ lại, chị vẫn còn hối hận. Lúc chị sinh con thứ hai, chồng có qua lại với người khác, cộng với việc kinh doanh thất bát nên tình cảnh rất khó khăn. Thương nhất là cô con gái lớp 10 phải gánh chịu bao cơn cuồng nộ của mẹ. Vì chồng thường xuyên vắng nhà, chị ghi sẵn nội dung, bắt con gọi điện, nhắn tin, gởi mail cho cha, thậm chí còn tới công ty coi cha có đi chơi không… Chứng kiến cha mẹ lục đục, chán nản, con gái chị học hành sa sút, thi lại nhưng mẹ cha không hay biết. Cũng may là cô chủ nhiệm tâm lý, tìm hiểu ngọn ngành, vực dậy tinh thần học trò. Cô tìm đến nhà khuyên nhủ chị Chi đừng kéo con vào cuộc chiến của cha mẹ, không giải quyết được gì mà còn gây hại. Chị Chi tâm sự: “Con tôi khóc rất nhiều, nói nhìn thấy cha mẹ như vậy rất buồn. Con hứa sẽ giúp khuyên cha với điều kiện mẹ đừng bắt con là người trung gian nói với cha những lời hỗn hào như vậy nữa. Tôi nhận ra mình sai và xin lỗi con”. Không biết con gái “tỉ tê” thế nào, vài tháng sau chồng chị Chi có sự thay đổi, về nhà và phụ vợ chăm sóc gia đình…
Mối quan hệ của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sức khỏe, thể chất, tinh thần con cái. Nếu người lớn cãi vã hoặc chiến tranh lạnh triền miên, còn bắt con phải chịu áp lực đứng về phía cha hoặc mẹ, phân định ai đúng sai thì sự tác động tiêu cực đến con cũng sẽ tăng cao. Vì vậy, nếu người lớn có mâu thuẫn, hãy chọn cách xử lý riêng tư, khéo léo, đừng để diễn ra xung đột trước mặt con. Với con cái, cha mẹ là người yêu thương, gia đình là tổ ấm thiêng liêng nên khi bị xáo trộn, sẽ để lại những chấn thương tâm lý không tốt khi vào đời.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH