Sau buổi tiệc kỷ niệm 20 năm ngày cưới của cô bạn thân, chị D. không về nhà mà đi uống cà phê một mình. Nhớ lại cảnh chồng của bạn âu yếm, săn sóc, khen ngợi vợ trước mặt mọi người, chị không ngăn được những dòng nước mắt tủi thân. Vợ chồng chị cũng đã 16 năm gắn bó, niềm vui của cuộc sống lứa đôi chưa được bao lâu thì phải đối mặt với chuyện mưu sinh, con cái. Là người vén khéo, chị hết lòng chăm chút gia đình, còn anh H., chồng chị, vốn hời hợt, vô tâm, chưa bao giờ để ý đến cảm xúc của vợ. Cuộc sống của hai người bây giờ như hai đường thẳng song song, càng nghĩ chị càng thấy chán...
Chuyện nhỏ hóa to
 |
Hạnh phúc giản dị của vợ chồng chị Bành Mỹ Thanh. |
Hồi mới quen, anh H. cũng không đến nỗi, biết tặng quà, thăm hỏi, đưa chị D. đi chơi mỗi khi lễ Tết. Từ ngày về sống chung, anh như biến thành con người khác, lười biếng, ích kỷ, chỉ biết đến thú vui của bản thân. Ngoài công việc ở cơ quan, anh H. như khách trọ trong gia đình, mọi việc lớn nhỏ đều dồn cho vợ, ngay cả cái vòi nước, bóng đèn điện hư anh cũng đợi vợ, nếu chị D. không làm được thì kêu thợ. Những lúc gia đình hai bên có đám tiệc, anh cũng chỉ đến dự như khách. Đã vậy, anh H. còn nghe lời bạn bè, can thiệp từ chuyện trang trí nhà cửa, nuôi dạy con với vợ, mặc dù chỉ nói chứ không làm. Sáng nào, chị D. cũng dậy thật sớm đi chợ mua thức ăn ướp để sẵn trưa về nấu, cho con ăn sáng, đưa con đi học rồi vội vã chạy tới cơ quan cách nhà cả chục cây số. Khi có việc đột xuất chị nhờ chồng đưa con đi học thì y như rằng sẽ bị trễ, các chuyện khác thì làm qua loa cho có. Chị D. bức xúc: “Trong khi tôi chạy không ra hơi thì chồng nằm ngủ nướng, thảnh thơi quán xá rồi đi làm. Chuyện nhà chểnh mảng như vậy nhưng nếu người ngoài nhờ vả thì mau mắn lắm, chỉ cần bạn ới một tiếng là sẵn sàng bỏ bữa cơm đang ăn chạy tới. Chịu đựng riết rồi tôi không thèm nói nữa, để mặc chồng muốn làm gì thì làm, mạnh ai nấy sống...”.
Cũng trong tâm trạng chán chồng, chị H., nhân viên kế toán ở đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Lợi, kể cuộc hôn nhân của chị suýt đổ vỡ mấy lần vì thói bề bộn của chồng. Anh Đ., chồng chị H., làm nghề sửa máy vi tính, sáng nào cũng chải chuốt, xức nước hoa thơm phức rồi mới đi làm. Tối về, sau một ngày lăn lộn ngoài đường, nào bụi bặm, mồ hôi, quyện với mùi rượu bia rất khó chịu nhưng anh Đ.thường không chịu tắm rửa, vệ sinh răng miệng mà cứ thế ôm con hôn hít rồi lăn vào giường ngủ. Phòng ngủ nhà chị H. gắn máy lạnh, đóng kín cửa nên mùi càng nặng. Chị H. bức xúc: “Khuya hễ đói lúc nào là ổng ra lấy trái cây, bánh trái ăn rồi không dọn dẹp, để gián, kiến bu đầy nhà. Bực bội nhất là quần áo, giày vớ và vật dụng cá nhân quăng tứ tung, thậm chí cái bàn chải đánh răng đôi lúc cũng hỏi tôi”. Dần dà chị H. cũng chán ngán chuyện gần gũi vì không chịu nổi mùi tiết ra từ cơ thể chồng. Chị đã dùng đủ chiêu từ dụ ngọt, pha nước nóng sẵn rồi năn nỉ, đến la hét chồng đi tắm trước khi ngủ nhưng vẫn không cải thiện. Những bữa cơm chung hiếm hoi thiếu vắng tiếng cười, chị cũng không còn hào hứng ra ngoài cùng chồng trong những dịp lễ Tết nữa.
Lắng nghe và thấu hiểu
Mỗi khi có ai hỏi về gia đình mình, chị Đặng Thị Thúy Lâm, Trưởng phòng Quản lý lao động việc làm kiêm Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, luôn nhắc đến người chồng mẫu mực, điểm tựa vững chắc để chị vươn ra ngoài xã hội, thành đạt như hôm nay. Vợ chồng chị Lâm từng có những điểm bất đồng về sở thích, quan niệm sống, tính tình lại trái ngược nhau. Chị Lâm năng động, hoạt bát, còn chồng thì rất ít nói. Nhưng theo thời gian, mọi việc đều được dung hòa. Chị Thúy Lâm kể: “Chúng tôi thỏa thuận mỗi người sẽ hạn chế bớt những thói quen mà người kia không thích, như chồng hạn chế hút thuốc, uống rượu, còn tôi nhẹ nhàng, mềm mỏng hơn, sắp xếp công việc ở cơ quan hợp lý để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình... Nếu có mâu thuẫn, hiểu lầm là giải quyết ngay, không để không khí hờn giận có mặt trong nhà. Bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình của chúng tôi không cao xa, đó là luôn biết lắng nghe nhau để tự điều chỉnh mình”. Gần 20 năm chia ngọt sẻ bùi, tổ ấm của chị Thúy Lâm thêm vững chắc với cậu con trai lớn vừa đậu vào đại học, con trai nhỏ giống cha như đúc, rất ngoan và học giỏi.
Hạnh phúc 22 năm qua của gia đình chị Bành Mỹ Thanh ở phường Lê Bình, quận Cái Răng cũng được tạo nên từ sự đồng lòng, tôn trọng, yêu thương nhau. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, vợ chồng chị Thanh cùng mang bệnh trong người nhưng sự ấm áp, tiếng cười luôn hiện diện trong căn nhà nhỏ đơn sơ. Hiện tại, do sức khỏe yếu, chị Thanh chỉ làm được những việc lặt vặt kiếm thêm thu nhập như lột vỏ cây, đóng hộp trái cây cho các cơ sở sản xuất trong khu vực. Còn chồng chị Thanh bị mất một tay do tai nạn lao động nhưng anh luôn xông xáo phụ vợ đảm đương việc nấu nướng, dạy con học. Mấy năm qua, con trai lớn của anh chị thay cha mẹ gánh vác gia đình, đi làm nuôi hai em học thành tài như ước nguyện của người thân. Chị Thanh tâm sự: “Cùng xuất thân trong cảnh nghèo, cha mẹ mất sớm, vất vả mưu sinh từ nhỏ, chúng tôi càng trân trọng những gì mình đang có. Vợ chồng nào chẳng có lúc rầy rà, chén chung sóng còn khua. Hiểu được điều này nên chúng tôi luôn dành cho nhau sự cảm thông, lắng nghe góp ý, biết mình sai phải sửa, không để bạn đời buồn bực vì mình. Đã đi qua nhiều sóng gió rồi nên giờ chúng tôi càng phải gìn giữ tổ ấm của mình, chỉ nắm tay nhau mà đi tới”.
Con người không ai hoàn hảo cả, tuy nhiên, không thể vịn vào cớ đó mà chỉ biết sống theo ý mình, không lắng nghe nhận xét của mọi người xung quanh. Có những thói quen rất nhỏ nhặt tưởng chừng vô hại nhưng nếu không sửa chữa sẽ trở thành tính cách không tốt, gây phiền phức cho người khác. Là vợ chồng, sống chung thì phải chấp nhận nhau cả mặt tốt lẫn mặt xấu, điều quan trọng là làm sao để mỗi người có điều kiện phát huy cái tốt, hạn chế nhược điểm của mình. Để làm được điều này, vợ chồng cần phải thẳng thắn góp ý dựa trên sự tôn trọng, yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu, không nên so sánh, soi mói, chỉ trích, bắt buộc phải như thế này, thế khác. Khi có chuyện không vừa lòng, hãy tìm cho ra nguyên nhân và đừng ngại ngần bàn với bạn đời để tìm sự hòa hợp. Im lặng chịu đựng là phản ứng tiêu cực, chỉ có hại cho mình. Thực tế có những cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ly dị vì những lý do không đáng, nhưng do không biết cách hóa giải nên để sự việc đi quá xa, sự chán nản bào mòn dần tình cảm, không còn khả năng hàn gắn.
Một vị Hội thẩm nhân dân thường tham gia xét xử án hôn nhân gia đình ở TAND quận Ninh Kiều, chia sẻ: Trong việc xây dựng gia đình, một mình người vợ cố gắng không chưa đủ, mà phải biết hợp tác, khéo léo khơi gợi ý thức trách nhiệm của chồng để cùng vun vén hạnh phúc. Gây nên đổ vỡ gia đình thường là đàn ông (khi họ phạm lỗi), nhưng dẫn đến đổ vỡ lại là người đàn bà (vì thiếu độ lượng, không tha thứ, hành động nông nổi làm cho rạn nứt thêm nặng nề, trầm trọng). Mỗi người phải biết kềm chế cái tôi, thể hiện trách nhiệm của mình đối với gia đình, cứu vãn được gia đình hay không là do ý thức và thái độ, hành động của người trong cuộc. Không nên để một trong hai vợ chồng phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm, tinh thần không được sẻ chia, điều này rất nguy hiểm.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH