24/09/2022 - 10:25

Đưa thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Hiện nay, các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp (KCN) và trường học trong cả nước đang cần một số lượng rất lớn các loại nông sản, thực phẩm mỗi ngày. Ðây là kênh tiêu thụ rất tiềm năng đối với các loại nông sản thực phẩm an toàn, nhưng thực tế không dễ “tiếp cận” các bếp ăn tập thể này.

Chế biến thức ăn cho học sinh tại bếp ăn tập thể ở một trường học ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Nhu cầu lớn nhưng nhiều trở ngại

Hiện cả nước có 563 KCN đã được quy hoạch phát triển, trong đó có 397 KCN đã thành lập, thu hút hơn 4,07 triệu lao động. Bên cạnh đó, cả nước hiện có hàng chục triệu học sinh cấp tiểu học, THPT, THCS và bậc mầm non, trong đó có nhiều trường học bán trú có bếp ăn tập thể. Nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản, thực phẩm tại các bếp ăn tập thể là rất lớn.

Ðể có nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, thời gian qua, nhiều bếp ăn tập thể đã liên kết, đặt hàng mua nguồn nông sản thực phẩm được chứng nhận an toàn của các nông hộ, hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, những bếp ăn tập thể không có điều kiện tự nấu ăn thì đặt mua suất ăn từ các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín. Tuy nhiên, do các bên liên quan còn gặp các khó khăn về tài chính, giá tiền cho mỗi suất ăn còn thấp nên nhiều bếp ăn tập thể của doanh nghiệp ở KCN và trường học còn ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm chất lượng nhưng giá phải rẻ, trong đó có cả việc sử dụng các loại rau quả và cá thịt đông lạnh được nhập khẩu. Mặt khác, nhiều bếp ăn tập thể còn đặt hàng mua sản phẩm qua các đơn vị, doanh nghiệp trung gian, chứ chưa có điều kiện kết nối, đặt hàng trực tiếp từ người sản xuất. Do vậy, nhiều loại nông sản, thực phẩm an toàn của nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp trong nước còn gặp khó trong tiếp cận các bếp ăn tập thể.

Tại các địa phương trong nước, hiện nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đã sản xuất được rất nhiều loại nông sản thực phẩm an toàn như rau quả, các loại thịt và thủy sản sẵn sàng cung ứng cho thị trường và đáp ứng nhu cầu các bếp ăn tập thể. Vấn đề đặt ra là cần có sự tăng cường phối hợp giữa các địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan để kịp thời phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các bếp ăn tập thể, trong đó cần ưu tiên sử dụng các nông sản thực phẩm nội địa và khắc phục tình trạng hàng sản xuất trong nước có giá cao hơn hàng cùng loại nhập khẩu.

Cần liên kết

Mới đây, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể”. Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, tới đây cần có liên kết, phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan để thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm an toàn tại các bếp ăn tập thể. Ðặc biệt, ngành chức năng tại các địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao hơn nhận thức và hành động của người dân và các đơn vị, doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ gắn kết giữa người sản xuất, người tiêu thụ và tăng cường liên kết giữa các địa phương để phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Có giải pháp hỗ trợ, nâng cao giá tiền suất ăn tại các bếp ăn tập thể của công nhân và học sinh...

Theo bà Ðinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn từ những năm 2013-2014 để đáp ứng nhu cầu tại địa phương và cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ cho người sản xuất, kết nối cung cầu và đã xây dựng được hơn 20 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 40% sản lượng nông sản chứng nhận an toàn tiêu thụ “đúng kênh” và đưa được vào các bếp ăn tập thể, còn lại phải tiêu thụ đại trà như sản phẩm thông thường. “Rào cản lớn hiện nay là giá mỗi suất ăn tại nhiều bếp ăn tập thể ở trường học còn thấp, trong khi nhiều phụ huynh học sinh chưa thống nhất nâng giá lên. Chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể cũng chưa mạnh dạn bỏ ra số tiền cao để đầu tư mua các mặt hàng thực phẩm sạch, đảm bảo thật tốt cho sức khỏe người lao động. Tới đây, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm xã hội và thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó cũng tạo chuyển đổi mạnh cho sản xuất” - bà Khanh đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng 2, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT, hiện nhiều loại nông sản thực phẩm sản xuất trong nước lại có giá cao hơn hàng cùng loại nhập khẩu do thiếu liên kết chuỗi. Các bên liên quan cần tăng cường liên kết, phát triển sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn theo chuỗi. Thực hiện tốt việc liên kết cả theo chiều ngang và chiều dọc giữa các tác nhân trong chuỗi để giảm chi phí, tăng số lượng, chủng loại sản phẩm... đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, nông sản được sản xuất tại một số địa phương không chỉ phục vụ trên địa bàn mà còn đưa đi tiêu thụ tại nhiều nơi khác. Do vậy, cần có sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong quá trình phát triển và kiểm soát các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn hàng và quản lý một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Ðồng thời, tạo ra sản phẩm nông sản thực phẩm có mức độ an toàn cao và giá thành thấp, có sức cạnh tranh cao.

Chia sẻ bài viết