20/08/2008 - 10:10

Du lịch ĐBSCL: Phát triển theo hướng nào?

Chèo xuồng trên sông hiện là một trong những tua du lịch chủ đạo của ĐBSCL. Ảnh: THÚY DIỄM

Tại hội thảo “Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch ĐBSCL” diễn ra vào trung tuần tháng 8 vừa qua tại Cần Thơ, Giáo sư, tiến sĩ Ernst Sagemueller- Tổng giám đốc Trường Du lịch Châu Âu Đông Dương - đã khẳng định: “ĐBSCL có thể được ví như một khu vườn địa đàng”. Nhưng việc làm thế nào để vực dậy tiềm năng du lịch của vùng đất giàu tiềm năng này vẫn là câu hỏi nhiều năm qua chưa có lời đáp. Tại hội thảo này, một lần nữa những nhà quản lý, nhà làm du lịch ĐBSCL lại loay hoay bàn cách phát triển du lịch đồng bằng... (!).

Hầu hết các chuyên gia nghiên cứu và nhà kinh doanh du lịch nào cũng đều thấy rõ những thực trạng yếu kém của ngành du lịch ĐBSCL: cách làm du lịch kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay thì chẳng bao giờ ngành du lịch nơi đây có thể cất cánh được; sản phẩm du lịch vùng sông nước Cửu Long còn khá giống nhau. Đi đâu cũng chỉ bắt gặp các tua tham quan chợ nổi trên sông, thăm vườn cây ăn trái, xem làng nghề truyền thống, nghe đờn ca tài tử... Các tua du lịch chủ yếu dựa vào địa danh sẵn có, thiếu sự liên hoàn giữa nhiều lĩnh vực như: sinh thái, nghiên cứu khoa học, tham quan làng quê, tìm hiểu văn hóa, lịch sử... Nội dung chương trình đơn điệu, thực hiện hết năm này đến năm khác...

Ở ĐBSCL, tiến độ phát triển nhà hàng, khách sạn rất nhanh nhưng vẫn còn thiếu nhà hàng, khách sạn có đẳng cấp. Đến nay, trong khu vực vẫn chưa có tỉnh, thành phố nào xây dựng được một khu vui chơi giải trí, một trung tâm hội nghị tầm cỡ đủ để phục vụ các cuộc hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế. Các dịch vụ như mua sắm, giải trí, giao lưu chưa đáp ứng nhu cầu. Ngay tại Cần Thơ, thành phố trung tâm của khu vực ĐBSCL, vào buổi tối khách lưu trú cũng chẳng biết đi đâu, làm gì cho hết buổi.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường cũng đang là sự bất cập nổi cộm trong lĩnh vực du lịch. Theo ông Lê Thanh Quý, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thương mại Sài Gòn – Cần Thơ: “Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) – điểm nhấn duy nhất cho các đoàn tham quan nước ngoài về Cần Thơ hiện nay, càng ngày càng ô nhiễm rác trầm trọng. Trên 5km đường sông từ bến Ninh Kiều đến Cái Răng, trong khi du khách đang nghe hướng dẫn viên kể về giai thoại chúa Nguyễn trên đường bôn tẩu ngang vùng này, nghe câu hò điệu hát bên sông nước bèn cám cảnh đặt tên cho thành phố là Cần Thơ... thì ở hai bên bờ sông, mọi “món sinh hoạt” của người dân đều... trút xuống lòng sông. Khi đến chợ nổi, du khách chưa kịp hòa vào sinh hoạt trên bến dưới thuyền tấp nập mua bán hàng nông sản thì đã bị “dội ngược” khi thấy người dân thản nhiên đổ rau củ hư hỏng xuống sông... Chợ nổi cũng là bãi rác nổi !”.

Giao thông yếu kém cũng là yếu tố quan trọng kìm hãm sự phát triển du lịch ĐBSCL. Cả khu vực lại chỉ có duy nhất một quốc lộ theo trục dọc, thiếu những tuyến đường ngang đủ tiêu chuẩn nối các tỉnh thành trong vùng. Đó cũng là điều cản trở sự liên kết vùng và phát triển các tuyến tham quan liên hoàn tạo nên sức hấp dẫn cho các tua du lịch. Du khách đến Cần Thơ buộc phải chọn giữa 2 tuyến Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau hoặc An Giang – Châu Đốc – Hà Tiên mà tuyến nào cũng mất thời gian đi nhiều hơn là được tham quan thưởng thức (“du” nhiều nhưng “lịch” chẳng bao nhiêu). Khách sau khi thăm nhà công tử Bạc Liêu muốn qua thăm Hòn Phụ Tử phải vượt 300km từ Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cần Thơ – Kiên Giang, thay vì nếu có đường ngang từ Bạc Liêu qua Rạch Giá chỉ có 100km.

Nhạc lễ - đờn ca tài tử là một trong những “sản phẩm du lịch” được du khách ưa thích. Ảnh: VŨ CHÂU

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, ĐBSCL hiện có không tới 50% cán bộ trong doanh nghiệp du lịch của Nhà nước được đào tạo qua trường lớp, còn khu vực tư nhân tỷ lệ này chỉ chiếm 30%. Thiếu chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch mới, thiếu những hướng dẫn viên giỏi, thiếu nhân viên phục vụ chuyên nghiệp... là căn bệnh trầm kha khiến hầu hết các công ty du lịch lữ hành trong khu vực chưa đủ điều kiện và trình độ đón khách quốc tế trực tiếp từ các công ty nước ngoài, mà chủ yếu chỉ làm công việc “nối tua” cho các doanh nghiệp lữ hành lớn ở TPHCM và Hà Nội.

Gần đây, du lịch các tỉnh thành ĐBSCL đã có quan tâm đến quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhưng nhìn chung, sự quảng bá còn yếu ớt, rời rạc, chưa có sự phối hợp nên không thể tạo được sức hút, thành công. Các tỉnh thành ĐBSCL đã tiến hành ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có hợp tác phát triển về du lịch: Cùng nhau xây dựng một thương hiệu du lịch chung trong khu vực. Nội dung của các chương trình ký kết là: Hợp tác trao đổi kinh nghiệm quản lý, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Mỗi chương trình đều mang theo hy vọng du lịch các tỉnh sẽ có thêm sắc màu mới, nhiều tua tuyến mới lạ, đặc thù sẽ được hình thành để kết nối khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng. Nhưng những hy vọng ấy vẫn chưa có cơ sở để trở thành hiện thực. Sau ký kết, hầu hết các đơn vị đều không có động thái nào mới. Và đặc biệt, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL ra đời đã gần 2 tháng nhằm thêm điều kiện liên kết, hỗ trợ phát triển du lịch vùng nhưng cho đến nay, một website để quảng bá chung cho du lịch toàn vùng vẫn chưa được lên kế hoạch thực hiện như nhiều doanh nghiệp mong muốn.

Lại một cuộc hội thảo diễn ra, thực trạng của du lịch đồng bằng lại được các nhà chuyên môn đem ra mổ xẻ và nhìn nhận cặn kẽ. Thế nhưng, suốt cuộc hội thảo chưa thấy một giải pháp cụ thể ngoài việc đưa ra những mô hình liên kết kiểu “tam giác”, “tứ giác” còn mang đậm tính hình thức hay những lời kêu gọi chung chung như: phải khai thác nét đặc thù của từng vùng sinh thái khác nhau, hình thành các “làng du lịch sinh thái”, chung tay xây dựng một thương hiệu chung cho ĐBSCL bằng cách thành lập một công ty lữ hành quốc tế cho vùng, phát triển nguồn nhân lực, quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp... như từng lặp đi lặp lại tại nhiều cuộc hội thảo trước đây.

Ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng: Du lịch ĐBSCL khó có thể phát triển khi mà chưa có quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch cũng như đầu tư hạ tầng du lịch cho vùng. Ai làm và làm thế nào để có những quy hoạch, chiến lược ấy đến nay vẫn chưa ai nêu ra cụ thể được. Kết thúc Hội thảo vẫn là “ghi nhận” và “kiến nghị” lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Những nhà quản lý, nhà làm du lịch ĐBSCL thêm một dịp nữa ngồi bàn cách vực dậy tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch vùng. Nhưng bao nhiêu cuộc hội thảo nữa mới có lối ra cụ thể?

Duyên Khánh

Chia sẻ bài viết