04/11/2012 - 19:50

Du lịch Bạc Liêu trên đường cất cánh

Bạc Liêu là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch phong phú, với nhiều nét văn hóa, lịch sử độc đáo; có 56 km bờ biển với rừng phát triển xanh tốt và có nhiều loài sinh vật sống ven biển, dưới tán rừng để phát triển du lịch sinh thái; có quần thể du lịch (sân chim Bạc Liêu, vườn nhãn cổ cả 100 năm, đồng muối trắng, tháp cổ Vĩnh Hưng, đồng hồ đá, chùa Xiêm Cán, Quán âm Phật đài…" mà hàng năm khách thập phương đến tham quan du lịch rất đông…

Trở mình thức giấc…

Cụm nhà công tử Bạc Liêu đang được Công ty CP Du lịch Sài Gòn-Bạc Liêu đầu tư để thành khách sạn 4 sao. 

Theo đoàn doanh nghiệp du lịch lữ hành TP. Hồ Chí Minh, miền Trung, miền Bắc đến Bạc Liêu khảo sát để xây dựng tuyến điểm tham quan của tour Đồng bằng sông Cửu Long "Một điểm đến bốn địa phương +", ghé qua cụm nhà công tử Bạc Liêu, tận mắt thấy nơi ăn, chốn ở, nghe những giai thoại về vị công tử này, xem đồng hồ đá, tham quan khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nghe đờn ca tài tử nhất là bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng, đi xem Quán âm Phật đài, chùa Xiêm Cán, thưởng thức các món ăn đặc sản khu du lịch sinh thái Hồ Nam… Tuy chưa đi được hết điểm tham quan du lịch của Bạc Liêu nhưng đã để lại cho doanh nghiệp nhiều ấn tượng. Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ (TP. Hồ Chí Minh), đã nhiều lần đến Bạc Liêu nhưng lần này ông thấy bất ngờ với nhiều sự đổi thay du lịch nơi đây. "Ba năm trước, tôi đã đến Bạc Liêu. Lúc đó, du lịch chưa có gì, chỉ nghĩ Bạc Liêu là điểm dừng chân ăn uống nhưng lần này trở lại Bạc Liêu tôi thấy nhiều ấn tượng, đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp và rất trọng thị du khách. Nhất là khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, sau khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh về cuộc đời của nhạc sĩ và hoàn cảnh ra đời bản Dạ cổ hoài lang, được thưởng thức "Dạ cổ hoài lang" do các diễn viên Đoàn Cao Văn Lầu phục vụ thấy rất hay và xúc động. Hoặc chiều ngồi trên đài quan sát của sân chim Bạc Liêu ngắm những đàn chim bay về tổ thì thật đã…" Ông Trần Thế Dũng bộc bạch như vậy.

Bây giờ, du lịch Bạc Liêu đã và đang trở mình thức giấc, mời gọi du khách đến. Tiềm năng du lịch Bạc Liêu đang được đánh thức. Cụm nhà công tử Bạc Liêu đã có một thời bỏ hoang, rêu phong, nay được trùng tu, cải tạo lại thành nhà hàng khách sạn cao cấp. Hiện nay, Công ty CP Du lịch Sài Gòn-Bạc Liêu thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đang triển khai đầu tư dự án và khai thác cụm nhà công tử Bạc Liêu thành nhà hàng khách sạn cao cấp, với giai đoạn I đầu tư 100 tỉ đồng, trong đó, dành 10 tỉ đồng để thiết kế trang trí nội thất nhà công tử Bạc Liêu. Công ty sẽ sưu tầm những cổ vật liên quan đến thời công tử Bạc Liêu, những nông cụ Bạc Liêu xưa và những vật dụng mà công tử Bạc Liêu dùng trong thời gian sống trong ngôi nhà để phục vụ du khách tham quan hiểu rõ hơn đời tư và giai thoại công tử Bạc Liêu một thời vang danh trong và ngoài nước. Khu nhà hàng công tử Bạc Liêu hiện nay sẽ được đầu tư nâng cấp thành khu ẩm thực Nam bộ. Giai đoạn II, công ty sẽ đầu tư khoảng 150 tỉ đồng để xây dựng khách sạn 4 sao, với 120-150 phòng. Bà Đặng Hương Giang, Trưởng phòng đầu vào của Công ty Đầu tư Thương mại và Du lịch Thân thiện Việt Nam (Hà Nội), sau khi tham quan cụm nhà công tử Bạc Liêu, cho rằng: "Công tử Bạc Liêu đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến nhất là người Pháp. Du khách Pháp muốn đến tận nơi để tham quan, ăn nghỉ tại nhà công tử Bạc Liêu. Nếu khu du lịch công tử Bạc Liêu được đầu tư đàng hoàng, nghĩ rằng sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách nước ngoài…".

Theo các công ty du lịch lữ hành, du lịch Bạc Liêu đã nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí… đã và đang được đầu tư cải thiện đáng kể, cùng với lòng hiếu khách của người dân Bạc Liêu đang thu hút du khách đến ngày nhiều hơn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu cho biết mấy năm gần đây, dù khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch Bạc Liêu vẫn tăng trưởng khá. Năm 2011, Bạc Liêu đón tiếp hơn 530 ngàn lượt du khách (trong đó có gần 18 ngàn lượt khách quốc tế và 156 ngàn lượt khách lưu trú), tăng 25,4% so với năm 2010; doanh thu du lịch-dịch vụ gần 470 tỉ đồng, tăng 21,6% so với năm 2010. Mục tiêu Chương trình hành động du lịch năm 2012 của Bạc Liêu là phấn đấu đạt doanh thu du lịch-dịch vụ 600 tỉ đồng, đón tiếp 630 ngàn lượt du khách, trong đó có 180 ngàn lượt khách lưu trú. Đến hết tháng 9-2012, Bạc Liêu đón được 470 ngàn lượt du khách (trong đó có 135 ngàn lượt khách lưu trú), tăng 18,6% so với cùng kỳ, đem lại doanh thu du lịch-dịch vụ 450 tỉ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2011. Du khách đến Bạc Liêu tập trung tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như khu Quán âm Phật đài, khu du lịch sân chim Bạc Liêu, vườn nhãn, cụm nhà công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà thờ Tắc Sậy, khu lăng cá ông Vĩnh Thịnh…

Thời cơ lớn đang đến

Không phải ngẫu nhiên du lịch Bạc Liêu có được như ngày hôm nay. Điểm tựa để du lịch Bạc Liêu tăng tốc phát triển chính là Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Bạc Liêu (ngày 24-6-2011) "Về đẩy mạnh phát triển du lịch". Mục tiêu của Nghị quyết là tận dụng những đặc điểm và lợi thế phát triển mạnh ngành du lịch của tỉnh với sự đầu tư lớn để đưa Bạc Liêu trở thành điểm hấp dẫn về du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ và cả nước; có nhiều điểm tham quan, du lịch, với nhiều loại hình phong phú, hấp dẫn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, đóng góp vào tăng trưởng GDP, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho dân cư.

Ngay sau khi Nghị quyết 02 ban hành, UBND tỉnh Bạc Liêu cùng Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội thảo "Quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch Bạc Liêu". Qua hội thảo, tiềm năng du lịch của Bạc Liêu được quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư, nhiều dự án được đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần cả ngàn tỉ đồng, du khách đến Bạc Liêu ngày đông đúc hơn. Để cụ thể hóa Nghị quyết "Về đẩy mạnh phát triển du lịch", UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành "Chương trình hành động về du lịch của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2012-2015". Tổng kinh phí thực hiện chương trình này lên đến gần 1.200 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương và địa phương hơn 90 tỉ đồng, còn lại hơn 1.100 tỉ đồng do các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện. Nguồn vốn này được tập trung đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch và các sản phẩm du lịch; tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bạc Liêu hấp dẫn, thu hút du khách.

Song hành với việc ban hành những chủ trương, chính sách chắp cánh cho ngành du lịch phát triển, Bạc Liêu đang có nhiều nỗ lực để quảng bá hình ảnh của mình đến du khách. Một cơ hội mới và có nhiều triển vọng là Bạc Liêu tiên phong tham gia vào tour "ĐBSCL-Một điểm đến bốn địa phương +". Đây là tour mới của ĐBSCL, theo các công ty du lịch lữ hành tour này hứa hẹn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, sẽ tạo bước đột phá cho ngành du lịch của các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và Bạc Liêu quảng bá với du khách trong và ngoài nước, sẽ làm du lịch của các địa phương này tăng tốc phát triển. Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, cho biết: "Cùng việc tham gia với vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL xây dựng tour liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch, Bạc Liêu đang nỗ lực xây dựng điểm du lịch tiêu biểu để Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn, từ đó quảng bá du lịch Bạc Liêu tốt hơn. Kỳ vọng, năm nay, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, sẽ được bình chọn điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL. Song song với việc khai thác các khu, điểm du lịch hiện có, Bạc Liêu đang đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch đang triển khai xây dựng như dự án cụm nhà công tử Bạc Liêu, khu nghỉ dưỡng Nhà Mát, dự án Quán âm Phật đài… để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, phục vụ cho nhu cầu du khách. Đồng thời, hợp tác với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh kết nối tour, tuyến để khai thác, thu hút du khách đến Bạc Liêu được nhiều hơn".

Với nhiều nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp, cùng phương châm "người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch", kỳ vọng trong tương lai gần, du lịch Bạc Liêu sẽ cất cánh, là một trong những điểm đến của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Huỳnh Biển

Chia sẻ bài viết