31/08/2008 - 09:10

Kiên Giang

Dự án khôi phục, khai thác đồng cỏ bàng đạt hiệu quả cao

Với nguồn vốn tương đương 4 tỉ đồng do Tổ chức bảo vệ chim Sếu quốc tế tài trợ, Dự án khôi phục, tôn tạo, khai thác đồng cỏ bàng rộng gần 1.000 ha, vốn bị quên lãng từ lâu để làm ra hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu được triển khai tại vùng rốn lũ của Tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn xã biên giới Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, nơi có hơn 80% đồng bào Khmer sinh sống đã và đang phát huy hiệu quả nhiều mặt.

Dự án chính thức đi vào sản xuất từ cuối năm 2007. Với nguyên liệu chính là cỏ bàng, nhiều mặt hàng thủ công đang được sản xuất, trong đó có 6 mặt hàng được coi là chủ lực được khách hàng nước ngoài ưa chuộng như một số loại mũ nón, túi xách, thảm sàn với rất nhiều chủng loại mẫu mã khá đẹp mắt. Sản phẩm làm ra đang có mặt một số nước, kể cả thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Canada. Doanh thu của dự án những tháng đầu năm 2008 tăng hơn 2 lần so với năm 2007, bước đầu có vốn tích lũy để vươn lên tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Tuy đồng tiền lãi thu được từ nguồn hàng xuất khẩu còn ít, nhưng Ban quản lý Dự án vẫn dành một khoản đóng góp cùng với địa phương xây dựng công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ mẫu giáo, công trình nước sạch, vệ sinh, công trình văn hóa góp phần cải thiện, nâng cao mức sống đối với đồng bào Kinh, Khmer ở vùng biên giới Tây Nam.

Dự án hiện thu hút gần 100 lao động thường trực và hợp đồng mùa vụ, chủ yếu là người dân tộc Khmer sinh sống tại chỗ, trong đó có 50 chị em phụ nữ đã qua các lớp dạy nghề đan đát làm hàng thủ công mỹ nghệ do dự án tổ chức có việc làm ổn định. Thu nhập trung bình của người lao động tại chỗ đạt từ 600.000 đến 700.000 đồng/tháng, đối với hợp đồng mùa vụ khai thác cỏ bàng thì thu nhập cao hơn.

NAM THẮNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết