18/06/2019 - 20:19

Đồng thuận và thuận thiên để phát triển ĐBSCL 

Chiều 18-6, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Dự hội nghị còn có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, địa phương và đại diện các tổ chức quốc tế, nhà khoa học…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Ảnh: V. THỨC

Hiện thực hóa tầm nhìn

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” (Nghị quyết 120) là quyết sách lớn, mang tầm thời đại của Đảng và Nhà nước trong phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Sau 2 năm thực hiện, Nghị quyết 120 đã được triển khai rộng khắp ở các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; tăng trưởng GDP của vùng đạt mức ấn tượng là 7,8%- cao nhất trong 4 năm trở lại đây (bình quân cả nước là 7,1%). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 gần 194.000 tỉ đồng, chiếm 16,3% so với cả nước. Nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bố trí xử lý sạt lở cấp bách nguy hiểm trong năm 2018 là 1.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư này chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng.

Tại hội nghị, tư lệnh các Bộ cho rằng, cần mổ xẻ nguyên nhân hạn chế đối với sự phát triển của ĐBSCL, chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững, thu thập dữ liệu để phân tích nguyên nhân, tác động của BĐKH lên vùng; các giải pháp ứng phó BĐKH phải thuận thiên, dựa vào tài nguyên phát triển. Các đại biểu quốc tế, các nhà khoa học cũng nhìn nhận tác động tiêu cực đối với sự phát triển của ĐBSCL không chỉ có BĐKH mà đập thủy điện thượng nguồn mới là nguy cơ lớn nhất. Đồng thời cũng xác định nhiệm vụ ưu tiên, giải pháp có tính hệ thống và giải pháp huy động nguồn lực thực hiện trong thời gian tới. Phát triển bền vững ĐBSCL cần sự hỗ trợ nguồn lực đủ lớn của Trung ương và sự đồng thuận, nỗ lực của các địa phương; đồng thời thay đổi cách tiếp cận đối với vùng...

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ đề xuất Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn phát triển ngoài vốn ngân sách cho ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 khoảng 45.000 tỉ đồng đầu tư cho các dự án ưu tiên cấp bách. Đồng thời trình Chính phủ thành lập Hội đồng vùng và quy chế hoạt động của Hội đồng vùng. Xây dựng tổng thể quy hoạch ĐBSCL thích ứng với BĐKH làm cơ sở huy động nguồn lực vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ song phương, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế; đề xuất xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025; sớm hoàn thành các cơ chế, giải pháp khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực liên kết vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, Nghị quyết 120 đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, các mô hình phát triển thuận thiên được chú trọng. Song, chưa có đánh giá tổng thể cho sự phát triển của vùng nên khó lựa chọn các phương án phát triển tổng thể có sức lan tỏa. Thiếu cơ chế đặc thù cho vùng, đầu tư tại vùng chủ yếu là nguồn lực nhà nước; một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống, chưa đồng bộ với nguồn lực thực hiện dẫn đến hiệu quả chính sách không cao... Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, không thể phát triển ĐBSCL bằng mọi giá mà phải thuận theo tự nhiên...

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết: Chuẩn bị cho giai đoạn mới, Bộ GTVT đã trình Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn và vừa qua đã được bố trí 10.600 tỉ đồng để thực hiện một số công trình giao thông mới: quốc lộ 30, quốc lộ 57, tuyến quản lộ Phụng Hiệp, quốc lộ 53, cầu Mỹ Thuận 2… Cần ưu tiên triển khai một số công trình trọng điểm cho vùng để kết nối tốt ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ. Song song đó, đầu tư một cảng nước sâu và hạ tầng đường thủy, logistics… tạo sự kết nối giao thông liên hoàn.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay, TP Hồ Chí Minh nộp ngân sách về Trung ương khoảng 80% tổng thu hằng năm, trong số này chỉ cần dành khoảng 20% đầu tư cho giao thông ĐBSCL 5-10 năm nữa. Đây là đầu tư có mục tiêu từ ngân sách. Đồng thời có thể tăng xã hội hóa đầu tư cho giao thông bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, sẽ giúp giảm áp lực nợ vay nước ngoài.

Cần đồng thuận

Đại diện cho các địa phương ĐBSCL, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, cho rằng các địa phương đều mong muốn chung sức để phát triển, nhưng trăn trở mô hình phát triển. Tư duy phát triển nông nghiệp tại vùng chưa có sự chuyển đổi rõ nét. Trong khi Nghị quyết 120 đã chỉ rõ phát triển nông nghiệp phải chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, do vậy cần định vị lại sự phát triển. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ĐBSCL không nên cứng nhắc duy trì sản xuất lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn, mà chỉ giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt. Đến năm 2030, tại ĐBSCL, diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220.000-300.000ha đi cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ, chuyển đổi mạnh sang lúa 1-2 vụ hoặc luân canh với cây màu hay thủy sản; tăng các nhóm giống lúa xác nhận, chất lượng cao, chống chịu tốt hơn với hạn mặn; cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp…

Ngày 13-4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Chương trình hành động tổng thể chia làm 3 giai đoạn thực hiện. Từ nay đến 2020 ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, rạch và sụt lún đất; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo; rà soát các cơ chế, chính sách, xác định và trình phê duyệt các chính sách mới; thí điểm các mô hình chuyển đổi kinh tế; triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng đã được phê duyệt. Giai đoạn 2 (2021-2030), tập trung vào việc triển khai các dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt; điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL; triển khai thực hiện các mô hình kinh tế hợp lý đã thí điểm thành công; tiếp tục đầu tư và phát triển hạ tầng, phát triển và huy động nguồn lực. Giai đoạn 3 (2031-2050), định hướng đến 2100: phát huy hiệu quả của 2 giai đoạn trước, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp để đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nhạc trưởng điều phối cơ chế liên kết vùng

Phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, Thủ tướng khẳng định đây là nghị quyết đúng đắn cho ĐBSCL. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ có Chỉ thị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120.

Thủ tướng nói, triển khai Nghị quyết 120 là thúc đẩy triết lý phát triển thuận thiên, phát triển dựa vào tự nhiên, không phá vỡ tự nhiên. Nhưng thuận thiên không phải là xuôi tay mà phải thuận theo đó để phát triển. Cách mạng 4.0 hiện nay giúp tạo ra nhiều công cụ ứng phó với biến động của thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng BĐKH. Hãy tận dụng cơ hội cuộc cách mạng này để phát triển.

Chính phủ xác định hành động theo 3 phương châm. Đó là: Chính phủ thúc đẩy, Doanh nghiệp (DN) hành động, Người dân hưởng ứng. Từ phương châm này sẽ bố trí lại nguồn lực, bổ sung nguồn nhân lực;... Các địa phương cần tạo lập môi trường kinh doanh tốt cho DN; chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển và nhu cầu thị trường.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật đất đai, tạo cơ sở khoa học để bố trí lại đất đai, thúc đẩy chuyển đổi nhu cầu sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ sinh thái cho các ngành sản xuất; chú trọng phát triển công nghệ, địa phương hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học tại vùng, thúc đẩy ứng dụng thực tế; phát triển thị trường vốn cho vùng, cơ chế huy động vốn cho đầu tư các dự án thích ứng BĐKH. Cần hợp lực và quyết tâm xây dựng chương trình tầm quốc gia cho ĐBSCL; có chính sách đầu tư chuyển đổi cơ cấu cho đồng bằng và ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng.

Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội đưa chi ngân sách cho BĐKH thành mục chi chính trong ngân sách chi thường xuyên cho địa phương. Tìm nguồn để thành lập Quỹ ĐBSCL. Đồng thời, thúc đẩy liên kết ngang, dọc để ứng phó BĐKH. TP Hồ Chí Minh sẽ là nhạc trưởng điều phối cơ chế liên kết vùng, cùng các địa phương xây dựng cơ chế liên kết trình Thủ tướng.

Cảm ơn các tổ chức, các định chế tài chính quan tâm đến sự phát triển, ứng phó với BĐKH, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương xây dựng cơ chế hợp tác với quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm ứng phó BĐKH của quốc tế để áp dụng cho vùng. Đồng thời có chương trình, kế hoạch trợ giúp nhóm bị tổn thương do BĐKH, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em. Ứng phó với BĐKH là cuộc chiến trường kỳ, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân. “Giữ được đất chúng ta sẽ làm giàu được trên mảnh đất của mình”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Gia Bảo- Hà Văn

Chia sẻ bài viết