01/11/2015 - 16:28

Dồn sức xây dựng thương hiệu gạo quốc gia

Là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng đến nay hạt gạo Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Hệ lụy của vấn đề này là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo bị "lép vế" trên bàn đàm phán thương mại và nông dân sản xuất lúa chịu thiệt thòi do giá lúa thấp. Từ thực tế nêu trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam" tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21-5-2015. Đề án được các chuyên gia đầu ngành đánh giá là mở ra nhiều kỳ vọng cho hạt gạo Việt trong hành trình hội nhập tới.

Yêu cầu cấp bách

Năm 1989, Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới, một nỗ lực kỳ tích của một đất nước thiếu ăn và nhiều DN xuất khẩu gạo có tầm nhìn xa đã tập trung cho việc xây dựng thương hiệu từ rất sớm. Theo ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), nhận thức được vai trò của thương hiệu, Vinafood II đã chỉ đạo cho các đơn vị thành viên tham gia vào việc đăng ký và kinh doanh gạo có thương hiệu từ rất sớm. Tính đến thời điểm hiện tại, Vinafood II có 10/14 đơn vị kinh doanh mặt hàng gạo đóng gói ở thị trường nội địa. Trong đó, có 7 đơn vị kinh doanh gạo có đăng ký nhãn hiệu, như: Công ty Lương thực Sông Hậu có các nhãn hiệu Bông Bưởi Xanh, Gạo thơm Sông Hậu, Tây Đô, Bông Sứ...; Công ty Lương thực Tiền Giang gồm các thương hiệu Hương Việt, Bông Sen Vàng, Chín Con Rồng Vàng...; Công ty Lương thực Đồng Tháp với nhãn hiệu Hương Tràm, Sếu Đỏ.... Ngoài ra, Công ty cổ phần Gentraco với thương hiệu Miss Cần Thơ, Gạo thơm Cò Trắng, Gạo sạch Ngọc Đồng...; Tập đoàn Lộc Trời có thương hiệu Hạt Ngọc Trời...

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Dù DN quan tâm xây dựng thương hiệu, nhưng số lượng gạo xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với thương hiệu Việt chiếm tỷ lệ không nhiều và hạt gạo Việt chủ yếu xuất dưới dạng gạo 5% tấm, 10% tấm…. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, xuất khẩu gạo của nước ta liên tục suy giảm cả về số lượng lẫn giá trị do áp lực phải cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan... Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do gạo Việt chưa có thương hiệu nên không thể "làm giá" khi đàm phán hợp đồng với đối tác. Trong nước, người nông dân- chủ thể chính làm ra hạt gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới nhưng bao năm qua vẫn khó khăn. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: "Tình trạng "được mùa, mất giá" khá phổ biến, bà con liên tục thua lỗ sau những vụ thu hoạch lúa là do chưa xây dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường. DN xuất khẩu bán gạo với giá thấp, nên DN mua lúa của dân cũng với giá thấp!".

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP Cần Thơ), nhận định: "Qua 19 năm kinh doanh lúa gạo, tôi thấy gạo Việt Nam rất ít thấy ở nước ngoài mà đa số được đóng gói với mang nhãn mác của các nước khác. Thực tế, gạo thơm ST, gạo thơm Nàng Hoa Chín, Nàng Thơm Chợ Đào... rất ngon, người tiêu dùng trong và ngoài nước đều thích nhưng số lượng ít và nhỏ lẻ không thể xây dựng thành thương hiệu được. Vì vậy, theo tôi, về giống lúa dùng để xây dựng thương hiệu chúng ta đã có rồi, không cần nghiên cứu nữa mà chỉ tập trung phát triển thương hiệu từ các giống đặc sản hiện hữu". Một số ý kiến của chuyên gia cho rằng, thời gian qua, các địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL, DN đã đầu tư khá mạnh vào việc xây dựng "Cánh đồng lớn", trong đó có các giống lúa thơm. Đây là một điều kiện thuận lợi cũng là bước chuẩn bị căn bản cho việc phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.

Phải có quyết tâm

Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam". Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với lịch sử, văn hóa, truyền thống, chất lượng sản phẩm và lợi thế của Việt Nam; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia khác. Các DN xây dựng, phát triển thương hiệu của DN, sản phẩm gạo được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định; tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu... Đến năm 2030 xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và đặc sản. Ngoài ra, Đề án đề ra 7 nhóm giải pháp gồm: nghiên cứu, dự báo thị trường, quản lý và sử dụng thương hiệu; tái cấu trúc sản xuất ngành lúa gạo; ứng dụng khoa học và công nghệ; thương mại và truyền thông; sở hữu trí tuệ; đầu tư, tài chính và tín dụng và cơ chế, chính sách.

Như vậy, lộ trình để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam đã được vạch rõ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai không dễ dàng và để Đề án đạt được kết quả như mong muốn cần sự quyết tâm từ các bên tham gia chuỗi. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định: "Thời điểm này mới bắt đầu triển khai đề án xây dựng thương hiệu gạo quốc gia là quá chậm, nhưng là một việc làm cần thiết. Theo tôi trong quá trình triển khai cần phải có những điểm nhấn cốt lõi để xây dựng thương hiệu thành công, tránh mất quá nhiều thời gian của các bên tham gia". Theo ông Huệ, thị trường hiện nay có nhu cầu rất lớn đối với các loại lúa thơm. Vì vậy, có thể chọn các giống lúa thơm để xây dựng thành thương hiệu gạo Việt Nam. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần "cải tổ" 3 vấn đề lớn là: giống lúa tốt; thực hành canh tác theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hoàn thiện khâu bảo quản sau thu hoạch.

Nhiều chuyên gia đầu ngành nông nghiệp cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công, DN phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất cho đến tiêu thụ. "Làm thương hiệu gạo phải xuất phát từ cánh đồng, nghĩa là phải tổ chức lại sản xuất, chứ không phải ngồi trong văn phòng rồi vẽ ra hình cô gái cầm bông lúa là có thương hiệu. Muốn làm được như vậy, thì phải có cơ giới hóa; có giống tốt đủ cung cấp cho sản xuất; bảo quản, chế biến sau thu hoạch cũng phải được quan tâm đầu tư đúng mức. Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ sớm ban hành những cơ chế đặc thù hơn nữa để hỗ trợ DN đầu tư vào khâu xử lý và bảo quản sau thu hoạch- khâu quyết định chất lượng sản phẩm"- ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, bày tỏ.

Tại hội nghị "Triển khai đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam" vừa được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là hết sức cấp bách và DN có vai trò chủ chốt trong xây dựng, phát triển các thương hiệu gạo. Theo đó, các DN cần chủ động xây dựng thương hiệu gạo của DN gắn với thương hiệu gạo quốc gia. "Thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các vấn đề khó khăn đặt ra. Thực tế, qua công tác kiểm tra cho thấy, gạo chúng ta có khả năng cạnh tranh nhưng chưa mạnh trên thị trường. Trước mắt, chúng tôi thống nhất là sẽ đưa ra các tiêu chí (chất lượng, an toàn thực phẩm…) đối với việc xây dựng thương hiệu gạo và gạo thơm sẽ được ưu tiên lựa chọn triển khai trước" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết